Hội thảo do Trường ĐH Văn Hiến chủ trì với sự đồng tổ chức của Báo Người Lao Động, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Cape Breton - Canada, Trường ĐH Stamford - Thái Lan, hệ thống các trường ĐH thành viên Hiệp hội Giáo dục các trường ĐH tư thục Indonesia (Aptisi), Viện Kinh doanh quốc tế - Trường ĐH Ngoại ngữ Bắc Kinh và Trường Cao đẳng Seneca (Seneca College) - Canada.
Truyền thông số chuyển đổi mạnh mẽ
PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, Trưởng Ban tổ chức hội thảo, nhấn mạnh trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang ngày càng tiến sâu vào từng ngành nghề, từng lĩnh vực. Trong đó, truyền thông cũng đang chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ. Vai trò quan trọng của truyền thông số trong các lĩnh vực kinh tế, nhất là trong giai đoạn phục hồi và ổn định của nền kinh tế đã trải qua nhiều biến động của thế giới như đại dịch COVID-19, các cuộc chiến thương mại, hoặc chiến tranh quân sự…
Trước bối cảnh trên, Trường ĐH Văn Hiến tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Truyền thông số và phục hồi của nền kinh tế" với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, truyền thông. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tìm giải pháp và khuyến nghị ý kiến liên quan đến chính sách nhằm phát triển lĩnh vực truyền thông số của đất nước.
Ban tổ chức đã nhận được trên 100 bài viết bằng ngôn ngữ Anh, Việt và lựa chọn được 77 bài, trong đó lĩnh vực truyền thông số có 56 bài (tác giả nước ngoài 25 bài); lĩnh vực kinh tế có 17 bài (tác giả nước ngoài 8 bài). PGS- TS Nguyễn Minh Đức đánh giá các bài tham luận có giá trị khoa học cao của các tác giả đến từ các trường ĐH trong và ngoài nước, các doanh nghiệp.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Cung - cầu lao động chất lượng cao cho thị trường các nước Đông Á: Thách thức và giải pháp đối với TP HCM” diễn ra năm 2022Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực, ngành nghề
Trong tham luận gửi đến hội thảo, các tác giả đều nhấn mạnh công nghệ số đang hiện diện và tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Dù có nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức.
Theo ThS Trần Ái Tiên, Khoa Kế toán Tài chính Trường ĐH Văn Hiến, trong những năm gần đây, công nghệ kỹ thuật số đã phát triển nhanh chóng và các ứng dụng công nghệ kỹ thuật số có thể chứng minh giá trị trong bất kỳ doanh nghiệp nào, bao gồm cả giáo dục. Trong lĩnh vực giáo dục ĐH, phương tiện kỹ thuật số kết hợp các tiến bộ công nghệ vào các hoạt động giảng dạy để cải thiện phương pháp, hình thức và công cụ giảng dạy. Nhờ đó, hoạt động dạy và học có thể được duy trì trên diện rộng ngay cả trong thời điểm đại dịch COVID-19, được coi là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển ứng dụng công nghệ số trong giáo dục con người.
Trong tham luận "Kinh tế số tại Việt Nam: Từ chính sách đến thực thi", TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Kinh tế số Việt Nam, nhận định kinh tế số đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia trên toàn thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tiềm năng và tầm quan trọng của kinh tế số nên đã triển khai nhiều chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức và khó khăn trong việc phát triển kinh tế số. Hạ tầng mạng còn hạn chế, đặc biệt ở các vùng nông thôn và miền núi, điều này làm hạn chế sự tiếp cận và sử dụng công nghệ số của một số người dân, doanh nghiệp. Do vậy, cần nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế số để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động. Điều này đòi hỏi sự đầu tư và phát triển các chương trình đào tạo, huấn luyện và chia sẻ kiến thức về kỹ năng số, quản lý dữ liệu và quản lý dự án công nghệ.
Theo tác giả Miquel Angel Perez Martorell đến từ Công ty MQL Sustainable Tourism Services, trong giai đoạn phát triển nền kinh tế số hiện nay, ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang được quan tâm trong hầu hết các ngành nghề. Quản trị nguồn nhân lực cũng không nằm ngoài xu thế ứng dụng công nghệ hiện đại này. Các doanh nghiệp triển khai những giải pháp ứng dụng AI vào quy trình quản trị nguồn nhân lực nhằm mục đích cải thiện chức năng nhân sự và tối ưu quá trình tuyển dụng.
Trí tuệ nhân tạo áp dụng chung với dữ liệu lớn sẽ thay thế công tác nhân sự như: Tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, phát triển và gắn kết nhân viên. Dữ liệu lớn sẽ giúp các chuyên viên nhân sự những phần việc nặng nhọc nhất và chỉ để lại quyền quyết định, phương án xử lý cho chuyên viên nhân sự.
Bình luận (0)