Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị nhận danh sách hơn 16.000 ô tô vi phạm được lực lượng chức năng thông báo trên hệ thống. Hiện tại, mới có 5.500 chủ phương tiện nộp phạt và được đăng kiểm trở lại.
Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, 9 tháng đầu năm, đơn vị đã xử lý hơn 4.200 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ qua hệ thống camera, tước hơn 4.000 giấy phép lái xe. Trong đó, hơn 1.000 lượt vi phạm chưa chấp hành việc nộp phạt theo giấy thông báo của Trung tâm Tín hiệu đèn.
Ô tô vào Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Ảnh Bạch Long
Về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết việc từ chối đăng kiểm chủ xe bị phạt nguội của đơn vị đăng kiểm là chưa phù hợp với luật định. Theo quy định tại Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 9-11-2015 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hai trường hợp không được cấp giấy chứng nhận kiểm định là xe cơ giới "Khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng" và xe cơ giới "Khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm". Không có trường hợp nào không được cấp giấy chứng nhận kiểm định vì chưa nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ. "Người vi phạm giao thông phải có nghĩa vụ thực hiện biện pháp xử phạt hành chính khi họ vi phạm. Tuy nhiên, phương tiện giao thông của họ vẫn phải được đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm định nếu chưa thực hiện nghĩa vụ này" - luật sư Thanh nói.
Trong khi đó, đại diện Cục CSGT (C67) - Bộ Công an khẳng định việc cơ quan đăng kiểm tạm thời chưa tiến hành kiểm định các phương tiện nằm trong danh sách cơ quan CSGT thông báo vi phạm hành chính giao thông đường bộ là có cơ sở. "Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT quy định "Không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan đăng kiểm được phép tạm thời chưa đăng kiểm các phương tiện nằm trong danh sách mà CGST thông báo vi phạm giao thông đường bộ" - vị này phân tích.
Trước các ý kiến trái chiều trên, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết sắp tới, đơn vị sẽ họp xem xét và có văn bản trả lời cụ thể.
Cần công khai
Theo ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam, do theo nguyên tắc, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới không được phép xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ phương tiện, cũng không được giữ phương tiện của họ nên chỉ hướng dẫn người dân đến đóng phạt tại các cơ quan có chức năng, sau đó mang biên lai về thì tiến hành đăng kiểm. Tuy nhiên, một số giám đốc trung tâm đăng kiểm cho biết trong quá trình thực hiện, nhiều chủ phương tiện không hài lòng vì cho rằng không hề nhận được thông báo từ CSGT nên không biết mình vi phạm. Khi đưa ô tô đến đăng kiểm thì mới biết mình phải đóng phạt số tiền hàng chục triệu đồng nên rất bức xúc. "Ở nước ngoài, sau khi phát hiện phương tiện vi phạm, CSGT in giấy dán ngay trên xe để báo cho chủ phương tiện biết. Đây là việc làm công khai nên người vi phạm chấp hành rất nghiêm, Việt Nam cần học hỏi" - giám đốc một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới chia sẻ. T.Đồng
Bình luận (0)