Chuyện mực khô bị ngưng xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, dội chợ và nhờ các cơ quan chức năng can thiệp quả là khó hiểu. Nghề câu mực làm khô có từ nhiều đời ở Quảng Nam nói riêng và các vùng biển nói chung. Thị trường chính vẫn là Trung Quốc và đường thu mua chính phải qua thương lái. Bởi vậy, thông tin cho rằng Trung Quốc ngưng nhập mực khô qua đường tiểu ngạch cũng không được chính thức phát ra từ các cơ quan chức năng mà chỉ nghe từ thương lái thông qua việc ngưng mua, hạ giá.
Chỉ một động thái nhỏ, hàng trăm con thuyền đánh bắt xa bờ đã lao đao, cả vùng làm nghề câu mực khô hoảng hốt. Ai cũng than vãn lỗ nặng, nợ tiền ngân hàng, chính quyền địa phương thì gửi thư khắp nơi cầu cứu. Trong khi các nơi chưa can thiệp được gì thì thương lái mua tiếp, giá cao dần và thị trường chính vẫn là Trung Quốc. Nói cách khác, tất cả thông tin về thị trường, giá cả đều nằm trong tay thương lái. Khi cần, họ có thể nâng giá để gom hàng, khi lãi ít thì ỏng eo đưa thông tin bất lợi để ép giá. Quan hệ kinh doanh kiểu này khác gì "cá nằm trên thớt", ngư dân lãnh mọi bất lợi khi có vấn đề xảy ra.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, chỉ 67 thuyền câu ở huyện Núi Thành, mỗi năm đánh bắt khoảng 5.000 tấn mực khô. Mọi năm giá 140.000/kg thì doanh số của 67 thuyền này là 700 tỉ đồng/năm. Mặt khác, thị trường nội địa hơn 90 triệu dân có mức tiêu thụ mực khô rất lớn. Ngay tại TP HCM, giá mực khô loại 1 (6-8 con/kg) là hơn 800.000 đồng/kg; loại rẻ nhất hơn 500.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, bao nhiêu nhà máy chế biến thực phẩm từ mực khô, nguyên liệu nấu ăn... là thị trường rộng mở của các ngư dân. Chính quyền địa phương và cả chủ tàu phải có sự phối hợp để tìm thị trường bền vững chứ không thể mãi phụ thuộc vào thương lái. Cứ thụ động thì chả trách bị thương lái ép giá và thành quả béo bở nhất cũng rơi vào tay họ. Kêu gọi giải cứu suông chưa bao giờ là giải pháp căn cơ cho câu chuyện tương tự thế này.
Hết mực khô rồi tới tôm rớt giá, cá tra nuôi quá lứa không bán được. Những ngành này làm ăn đàng hoàng, tổ chức nhau tìm thị trường nội địa và xuất khẩu luôn là ngành kinh tế chủ lực của nhiều vùng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp sản xuất khép kín, liên kết đầu tư ao nuôi, bao tiêu sản phẩm và chế biến tự tìm thị trường xuất khẩu. Họ không để kẻ khác nắm hầu bao, quyết định nghề nghiệp của mình.
Còn nhớ khoảng hơn chục năm trước, vải thiều rớt giá cũng vì dội thị trường Trung Quốc. Nông dân huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương lặng lẽ gầy dựng chất lượng sản phẩm. Nhiều người giới thiệu sản phẩm vải sang các nước khác và đăng ký cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2007. Chục năm qua, ngoài Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia..., vải thiều vùng này đã chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Canada, Nhật, Pháp... Nếu nông dân Thanh Hà và chính quyền cứ ngồi kêu cứu thì thương hiệu vải thiều Thanh Hà đã chết từ lâu.
Bình luận (0)