Từ khi biết tin này, không ít người đã phản hồi hoặc lên mạng xã hội cho rằng dây AT được trang bị là để bảo vệ cho chính lái xe và những người ngồi trên ôtô nên muốn cài hay không là quyền của họ, không việc gì lực lượng chức năng phải mất công tuyên truyền, kiểm soát hay xử lý? Có người còn lập luận rằng tài xế nghiện hút hay say xỉn, rồi xe quá đát hoành hành... nguy cơ gây thảm họa cao sao không tập trung xử lý mà bỏ công sức vào chuyện thắt dây AT?
Hãy khoan bàn chuyện đúng sai trước các ý kiến, chỉ xin thông tin thêm là khi TP HCM ra quân thì cũng trong sáng 6-3, tại phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, số liệu báo cáo cho thấy tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta vẫn diễn biến rất phức tạp; số người chết và bị thương tuy có giảm nhưng vẫn rất nghiêm trọng. Riêng đường bộ và đường sắt trong năm 2018 có 8.190 người chết, 14.792 người bị thương...
Sẽ có người thắc mắc là liệu có quá quan trọng hóa vai trò của dây AT khi đề cập những số liệu khủng khiếp về số người chết hay bị thương do TNGT? Thưa rằng không, bởi thống kê của Tổ chức Y tế thế giới đã cho thấy với việc thắt dây AT khi ngồi ở ghế trước của ôtô thì khi TNGT xảy ra sẽ giảm được 45%-50% nguy cơ tử vong và 20%-45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng; người ngồi trên ôtô không thắt dây AT có nguy cơ bật khỏi xe cao gấp 30 lần trong khi va chạm và hơn 75% trường hợp bị bật khỏi xe trong một vụ va chạm nghiêm trọng đều có khả năng tử vong. Cơ quan An toàn Giao thông Đường bộ quốc gia Mỹ cũng khuyến cáo rằng nếu thắt dây AT khi ôtô lưu hành thì giảm đến 45% nguy cơ bị chấn thương chết người và giảm 50% nguy cơ dính các chấn thương nghiêm trọng.
Ở nước ta, thống kê của cơ quan chức năng cho biết trong nhiều vụ TNGT đã xảy ra và làm chết nhiều người, ngoài nguyên nhân từ tài xế thì còn một phần do người khác ngồi trên xe nhưng không thắt dây AT. Điển hình là vụ 13 người tử vong trong tai nạn xảy ra trên Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Quảng Nam, cuối tháng 7-2018. Bởi thế, cũng như các quốc gia trên thế giới, quy định về việc thắt dây AT đã được ghi rõ trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta, cụ thể nhất là trong Nghị định 171/2013/NĐ- CP (hiệu lực từ ngày 1-1-2014) và Nghị định 46/2016/NĐ- CP (hiệu lực từ ngày 1-8-2016) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Theo đó, lỗi không thắt dây AT khi ngồi trên ôtô tham gia giao thông sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng/trường hợp.
Đã có quy định thì phải có tuyên truyền, giáo dục và sau đó là kiểm tra, xử lý và phải làm thường xuyên, làm trong phạm vi cả nước chứ không riêng một địa phương nào. Ở nước ta, xin nói thẳng là nếu chỉ mong chờ vào việc tự giác chấp hành, dù cả với việc đơn giản là thắt dây AT để bảo vệ tính mạng của chính mình khi tham gia giao thông, là chưa đủ, mà rất cần kiểm tra và xử lý nghiêm.
Bình luận (0)