Những ngày đầu tháng 5-2021, dù đang bộn bề công việc nhưng đại úy Ngô Xuân Tiệp vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi để nói về những kỷ niệm vui buồn trong suốt hơn 15 năm tham gia lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) của Công an tỉnh An Giang.
Đại úy Ngô Xuân Tiệp (hàng đầu) cùng đồng đội trong một lần chữa cháy
Có lệnh là lên đường
Quê hương của đại úy Ngô Xuân Tiệp là ở tỉnh Thái Bình. Thuở ấu thơ, hình ảnh người cậu ruột mặc đồng phục màu xanh, mũ đỏ khi tham gia những lần cứu hỏa đã làm cho anh nuôi ước mơ nối tiếp truyền thống gia đình.
Để thực hiện ước mơ, khi vừa tốt nghiệp THPT, anh Tiệp đăng ký vào học lớp trung cấp PCCC thuộc Trường Đại học PCCC tại Hà Nội. Năm 2008, tốt nghiệp ra trường với quân hàm trung sĩ, anh được nhận vào công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh An Giang. Chỉ trong 2 năm sau đó (2009-2010), anh được thăng quân hàm lên thượng sĩ và được Bộ trưởng Bộ Công an khen thưởng vì đạt thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương.
Đại úy Ngô Xuân Tiệp trong một lớp tuyên truyền công tác phòng cháy.
Đại úy Ngô Xuân Tiệp trong một lần tham gia hiến máu.
"Khi bước chân vào lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ, bản thân tôi cũng như nhiều chiến sĩ trẻ khác không chỉ với nhiệt huyết mà còn mang trong mình những hoài bão, những khát khao cống hiến lâu dài cho lực lượng Công an nhân dân nói chung, cho màu áo lính cứu hỏa nói riêng. Không chỉ trong suy nghĩ, những con người ấy đã hiện thực hóa giấc ước mơ, lý tưởng của mình bằng những giọt mồ hôi trên thao trường nắng gắt, bằng những đêm dài dùi mài kinh sử. Rồi đến một ngày bất chợt hồi tưởng, tôi không còn nhận ra những dáng hình mảnh khảnh hôm nào. Trước mắt tôi là những anh lính cứu hỏa cao to, vạm vỡ, làn da rám nắng và ánh mắt đầy tự tin trong màu áo xanh đậm với chiếc mũ đỏ đặc thù" - đại úy Ngô Xuân Tiệp xúc động nhớ lại.
Cứ thế, ngày qua ngày, anh Tiệp tiếp tục cùng đồng đội rèn luyện, học tập, chiến đấu với "giặc lửa" mọi lúc, mọi nơi, bất kể là đêm khuya hay trưa hè nắng gắt, giữa bữa cơm hay khi đang ngủ. Có lệnh là lính cứu hỏa lên đường. Hình ảnh những con người từng rụt rè, nhút nhát ngày nào giờ đã không còn chút mảy may do dự trước núi cao, hầm sâu, trên cạn hay dưới nước. Bất kể nơi đâu, bất kể lúc nào, khi tiếng chuông 114 vang lên, khi người dân gặp nguy hiểm cần sự giúp đỡ thì nơi đó có các anh.
Không khỏi chạnh lòng
Đại úy Ngô Xuân Tiệp tâm sự rằng 15 năm anh gắn bó với nghề đầy nguy hiểm này là một chặng đường không ngắn nhưng cũng chưa phải quá dài. Bản thân anh gần như đã nếm trải hầu hết các cung bậc cảm xúc của nghề nghiệp với bao nỗi tự hào.
Anh Tiệp đã cùng đồng đội trải qua hàng trăm trận ra quân với biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí một phần máu thịt đã đổ xuống. Điều an ủi sau những trận chiến với "giặc lửa" của người lính mũ đỏ là những nụ cười, những gương mặt hồ hởi của đồng chí, đồng đội sau khi trực tiếp bảo vệ được tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của người dân.
"Cũng có lúc tôi tưởng đã quen với sự khốc liệt của "giặc lửa" nhưng thật sự là chưa có trận đánh nào mà không khỏi chạnh lòng, xót xa trước những ánh mắt thất thần của người dân khi bị hỏa hoạn cướp mất tài sản sau bao năm tích lũy. Điều làm chúng tôi day dứt nhất là những giọt nước mắt, những tiếng gào khóc chua xót của người thân trước thi thể cháy đen sau vụ hỏa hoạn" - đại úy Ngô Xuân Tiệp xót xa.
Do nhu cầu công việc, năm 2008, anh Ngô Xuân Tiệp được đơn vị phân công phụ trách thêm mảng huấn luyện cho các chiến sĩ trẻ mới gia nhập lực lượng. Những chàng thư sinh mảnh khảnh, có người nhút nhát đến nỗi cứ lo "trói gà không chặt". Thế nhưng, sau huấn luyện, tất cả đã chứng minh rằng tuy họ còn thiếu kinh nghiệm nhưng luôn có thừa nhiệt huyết, không một ai bỏ lỡ cơ hội để được "ra trận".
"Tôi có cảm nhận mỗi người lính cứu hỏa như sinh ra đã có sẵn tinh thần chiến đấu với "giặc lửa", bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của người dân. Tinh thần ấy được thổi bùng lên khi các chiến sĩ khoác lên mình màu áo xanh đậm. Đó là điều tôi cảm thấy phấn chấn và tự hào nhất, mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian được trực tiếp huấn luyện các chiến sĩ trẻ" - đại úy Ngô Xuân Tiệp bày tỏ.
Sá gì gian khó!
Trong hồi ức của mình, đại úy Ngô Xuân Tiệp còn nhớ rất nhiều "trận đánh" cam go, khắc ghi những khoảnh khắc không bao giờ quên với đồng đội.
Một trong những vụ việc để lại nhiều dấu ấn nhất với anh Tiệp là vụ cháy tại Công ty Lương thực Vĩnh Long (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vào tháng 8-2013. Bữa đó, trực ban nhận được tin báo cháy lúc 14 giờ. Lập tức, lực lượng nhanh chóng di chuyển đến hiện trường, phối hợp chữa cháy với lực lượng tại chỗ của Công an huyện Thoại Sơn cùng đội chữa cháy của các xã lân cận. Tuy nhiên, đám cháy diễn ra trên diện rộng, khối nhà xưởng làm bằng khung thép mái tole diện tích hơn 2.000 m2 đã đổ sập, che lấp khối lượng lớn củi trấu thành phẩm và trấu nguyên liệu.
Sức nóng từ ngọn lửa của củi trấu là rất lớn nên các lực lượng không thể tiếp cận để tháo dỡ phần mái tole bị đổ sập. Chính vì vậy, phải mất gần 6 giờ liên tục chiến đấu bằng nhiều phương án mới khống chế được tạm thời ngọn lửa, không để cháy lan sang công trình nhà xưởng lân cận.
"Phải cật lực chiến đấu liên tục nhiều giờ nên có những máy bơm quá tải phải dừng hoạt động. Nhưng lực lượng thì không thể bỏ cuộc, vẫn phải tiếp tục chiến đấu với "giặc lửa" hung bạo. Cái khó nhất là nếu chưa tháo dỡ được khung sắt thì không thể nào dập tắt lửa nên chúng tôi vẫn phải thay phiên nhau phun nước chữa cháy, dùng cào, dùng tay móc từng viên củi trấu, không ai nghĩ đến chuyện dừng tay để lót dạ gì nữa. Giữa đêm, trong đói và mệt, bất chợt có chiến sĩ nhìn thấy củ khoai mì to bằng bắp chân mà phần ngoài thì cháy đen, phần gần vỏ đã chín, phần lõi còn sống. Vậy là mọi người chia nhau từng miếng, ai cũng xuýt xoa khen ngon" - đại úy Ngô Xuân Tiệp xúc động.
Trong ký ức của anh còn mãi những đau thương, mất mát mà người dân, đồng chí, đồng đội từng gánh chịu. Vẫn còn nguyên đó hình ảnh chiếc áo xanh thấm đẫm máu của anh Phan Văn Hiển (đang công tác tại Đội PCCC huyện Châu Thành) cùng những giọt nước mắt của người vợ mang thai trong vụ cháy xảy ra tại phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vào những ngày cuối tháng 11-2016.
"Gian khổ là thế nhưng chúng tôi thật tự hào khi được khoác lên mình màu áo lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ với tên gọi thân thương là anh lính cứu hỏa, trong sự tin yêu, gắn bó của quần chúng nhân dân" - anh Tiệp thổ lộ.
Ngoài bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vào năm 2010, trong giai đoạn 2012-2014, lúc đang mang hàm trung úy và làm Phó Bí thư Đoàn của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh An Giang, anh Ngô Xuân Tiệp còn được Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn An Giang tặng bằng khen Thanh niên tiên tiến trong "Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Năm 2013, anh được Trung ương Đoàn tặng danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Năm 2017, anh được Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn An Giang tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên...
Đảng viên gương mẫu, đi đầu
Thượng tá Võ Phú Thọ - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh An Giang, nhận xét: "Đại úy Ngô Xuân Tiệp là cán bộ rất nhiệt tình trong mọi công việc được đơn vị giao; kể cả công tác chuyên môn và công tác Đoàn đều có nhiều thành tích đáng quý. Anh luôn biết giữ mình trong mọi hoàn cảnh sống. Đây cũng là gương đảng viên luôn đi đầu, gương mẫu trong mọi công việc ở đơn vị, kể cả công tác xây dựng Đảng. Đây thật sự là tấm gương tốt mà các thế hệ chiến sĩ trẻ cần học hỏi, noi theo để xứng đáng là chiến sĩ trên mặt trận chống "giặc lửa", bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân".
Bình luận (0)