Bài quyền huyền thoại từ trận đá gà
Trong những tuyệt chiêu võ cổ truyền Bình Định, không thể không nói đến Hùng kê quyền. Tương truyền, Hùng kê quyền do Nguyễn Lữ (1754 -1787) - người em út của nhà Tây Sơn - qua nghiên cứu các thế gà đá (chọi) nhau mà sáng tạo ra.
Võ sư Ngô Bông với đòn thế Hùng kê quyền
Theo nhiều bô lão ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, thuở anh em nhà Tây Sơn dựng nghiệp tại nơi này, một hôm Nguyễn Lữ mời hai anh Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ tới xem đá gà. Đó là cuộc so tài giữa con gà Ô to lớn, vạm vỡ và con gà Nhạn nhỏ bé, tinh khôn.
Con Ô lợi thế về thể hình, tấn công như vũ bão từ phía trên với những cú đánh bằng mỏ và song phi đầy uy lực vào đầu, mặt, lưng con Nhạn. Con Nhạn bé hơn nhưng nhanh nhẹn, thường luồn bên dưới để trách né và chờ cơ hội phản công vào những chỗ hiểm của con Ô. Thỉnh thoảng, con Nhạn lại giả thua, bỏ chạy để con Ô đuổi theo. Sau đó, chờ Ô mệt và sơ hở, Nhạn bất ngờ quay ngoắt lại phản công, lao cả thân mổ những đòn chí mạng.
Phân tích lối đánh giữa hai con gà này, Nguyễn Lữ nhìn nhận rằng con gà lớn thường đá nước trên, con nhỏ thường chui lườn né tránh. Tầm vóc và sức khỏe của người Việt cũng như con gà Nhạn nên thân, thủ, nhãn pháp phải linh hoạt, mau lẹ để khắc chế lối đánh vũ bão, đối cương của địch thủ. Thế nhưng, khi cần dứt điểm phải chọn lối dũng mãnh, sát sạt kiểu con Ô. Đó cũng là tinh thần của bài võ mới Hùng kê quyền với sự kết hợp lối đánh nhu cương linh hoạt.
Trong bài Hùng kê quyền, nổi bật là 2 đòn đánh đặc trưng của con Ô và con Nhạn. Đó là thế Hồi mã thương và Uyên ương cước nổi danh võ lâm. Bài Hùng kê quyền đã cùng nghĩa quân Tây Sơn đánh giặc ngoại xâm, lập nên những chiến công hiển hách.
Cố võ sư Ngô Bông hướng dẫn môn sinh luyện quyền khi còn tại thế - Ảnh: Trần Đăng
Trong khi đó, theo "Võ nhân Bình Định" của Quách Tấn - Quách Giao, Nguyễn Lữ vốn người mảnh khảnh, tính nết hiền hòa, ưa thanh tịnh. Khác với hai anh, ông học văn nhiều hơn học võ. Tuy nhiên, Nguyễn Lữ đã được thầy Hiến chân truyền cho môn miên quyền. Có lẽ vì thể trạng và khí chất như vậy, Nguyễn Lữ đã nghiền ngẫm và sáng tạo ra Hùng kê quyền, một bài võ phù hợp với mình cũng như phù hợp với thân hình bé nhỏ của người Việt.
Sau khoảng 200 năm thất lạc, Hùng kê quyền đã được cố võ sư Ngô Bông (1923 - 2011, quê tỉnh Quảng Ngãi) phục dựng và giới thiệu tại Hội nghị Chuyên môn võ cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm1993. Từ đó, Hùng kê quyền nổi danh giới võ thuật trong nước và quốc tế.
Gà chọi đất võ vang danh
Cũng như Hùng kê quyền, người dân Bình Định hiện sở hữu giống gà chọi cổ xưa gắn liền với miền đất võ, nổi tiếng bởi các thế đánh hay, đòn đá đẹp và hiểm đến độ trác tuyệt, làm nên nhiều trận thắng oanh liệt trước những "cao thủ gà" trong nước và quốc tế. Nhờ vậy, không chỉ dân chơi trong nước mà hiện nhiều trường gà ở các nước Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng tìm về Bình Định để mua giống gà này.
Một con gà chọi Bình Định
Cách đây không lâu, các nhà nghiên cứu Lý Văn Vỹ, Hoàng Văn Trường đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để thực hiện đề tài về "Bảo tồn và khai thác nguồn gen gà chọi Bình Định". Việc nghiên cứu này nằm trong chương trình thực hiện đề án "Bảo tồn quỹ gen vật nuôi quốc gia" của Viện Chăn nuôi Quốc gia.
Kết quả nghiên cứu cho thấy gà chọi Bình Định có tầm vóc lớn; chân cao, xương ống chân to; ngón dài, khỏe; ngực rộng với cơ ngực nổi rõ; đùi to, dài và cơ phát triển. Tuy nhiên, bụng loại gà này lại rất gọn, khoảng cách giữa hai mỏm xương chậu hẹp; phao câu và lông đuôi phát triển, có thể dài tới 30 cm. Lông của gà chọi có thể thuần màu hoặc đa màu trên một cá thể nhưng chiếm tỉ lệ cao nhất là gà có lông màu đen tuyền (gà ô). Các phần đầu, cổ, ngực, đùi đều rất thưa lông, nhưng hai cánh có bộ lông phát triển giúp gà có khả năng cất cao mình để tung đòn đá.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy gà chọi Bình Định còn có các "tính trạng đặc biệt" khác, như thể chất tốt, sức chịu đòn và thi đấu bền bỉ, nhiều con "thượng đài" được tới 40 hiệp đấu liên tục (mỗi hiệp dài 20 phút, thời gian giải lao giữa các hiệp là 5 phút). Gà chọi Bình Định "tung chiêu" triệt hạ đối thủ bằng sức mạnh của bàn chân chứ không phải bằng khả năng đâm xuyên của cựa.
Một con gà chọi Bình Định trước giờ thi đấu
Thời gian qua, nhiều con gà chọi Bình Định đã thi đấu và nổi tiếng ở các trường gà Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan... Hai dòng gà chọi Bình Định nổi tiếng nhất là Ngân Hàng và Bảy Quéo.
Ông Bùi Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn - cho biết vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã cho phép UBND huyện Tây Sơn sử dụng tên địa danh "Tây Sơn" trong đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Gà nòi đất võ Tây Sơn".
Huyện Tây Sơn đang lấy ý kiến các ngành liên quan để xây dựng quy chế, sử dụng nhãn hiệu "Gà nòi đất võ Tây Sơn". Khi các quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu hoàn thiện, huyện sẽ giao cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng nhãn hiệu trong hoạt động phát triển nuôi, bán sản phẩm gà nòi ra thị trường.
Người dân huyện Tây Sơn lập trại chăn nuôi để bảo tồn giống gà chọi Bình Định
Theo ông Mỹ, gà nòi Bình Định dòng Tây Sơn đã có tuổi đời hàng trăm năm từ thời ba anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Lữ - Nguyễn Huệ xưng bá một vùng; là một trong những dòng gà lâu đời nhất tại Việt Nam hiện nay. Từ niềm cảm hứng này, Nguyễn Lữ đã cho ra đời bài "Hùng kê quyền" lưu danh sử sách.
"Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, nghề nuôi gà nòi ở huyện Tây Sơn mai một dần. Hiện nay, trên địa bàn huyện, số hộ nuôi gà nòi đã giảm khá nhiều, mỗi xã chỉ còn khoảng 5 - 10 hộ nuôi với quy mô nhỏ. Do vậy, xây dựng nhãn hiệu tập thể "Gà nòi đất Võ Tây Sơn" là hướng đi đúng đắn gắn với hoạt động phát triển văn hóa, du lịch ở địa phương" - ông Mỹ nhìn nhận.
Bình luận (0)