Hàng loạt vi phạm trong quá trình biên soạn, thẩm định, duyệt, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa (SGK) vừa được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra trong thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo, thời kỳ thanh tra từ đầu năm 2014 đến hết năm 2018.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB) là đơn vị duy nhất được tổ chức biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in và phát hành SGK biên soạn theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội, nhưng đã để xảy ra nhiều vi phạm, gây lãng phí cho phụ huynh học sinh, xã hội.
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện một số vụ việc có dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) với NXB, đã chuyển cơ quan điều tra để làm rõ.
Các vi phạm của NXB Giáo dục Việt Nam dẫn đến việc phụ huynh học sinh phải mua sách đắt hơn
Theo TTCP, NXB khi xây dựng giá trần của gói thầu in đã tính chung thuế giấy in (thuế suất 5%) vào với mức thuế suất của dịch vụ in SGK có thuế suất giá trị gia tăng là 10%, làm giá trần gói thầu tăng thêm 5%. Việc này dẫn đến gia đình học sinh phải mua SGK bằng giá NXB đã đăng ký từ năm 2011, cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá số tiền hơn 14 tỉ đồng.
NXB Giáo dục Việt Nam không thực hiện thu thập báo giá trang in thành phẩm của các nhà in để xác định đơn giá từng trang in theo giá thị trường để làm cơ sở xây dựng giá trần của gói thầu in sách, mà tự xây dựng định mức công in, trong khi cơ sở để xây dựng định mức công in không chính xác do căn cứ vào văn bản đã hết hiệu lực.
Việc tổ chức đấu thầu in SGK chia thành nhiều gói thầu nhỏ chưa đảm bảo phù hợp với Luật Đấu thầu, làm giảm hiệu quả của công tác đấu thầu in SGK. NXB giao in gia công cho các nhà in là công ty con của NXB chưa tiết kiệm được chi phí in, dẫn đến tăng chi phí SGK; định mức công in của NXB còn quy định đơn giá gia công in đối với một số nội dung công việc không hợp lý.
Cơ quan thanh tra cũng nêu rõ do thời kỳ thanh tra từ năm 2014-2018, trong khi đó SGK được NXB thực hiện đăng ký giá từ năm 2011, nên chưa xác định được cụ thể, chính xác số tiền gia đình học sinh đã mua SGK cao hơn giá SGK mà NXB phải đăng ký đúng giá từ năm 2011.
TTCP dẫn kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ vào tháng 1-2022 cho thấy Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra về các yếu tố hình thành giá SGK.
Từ những vi phạm, tồn tại nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan chấn chỉnh, khắc phục. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam khi biên soạn SGK mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 hạn chế tối đa dạng bài tập điền, viết; có giải pháp rõ ràng, triệt để hạn chế tối đa việc học sinh có thể viết vào sách.
Đồng thời, xây dựng lộ trình (trong ngắn hạn) không thực hiện in SGK theo hình thức giao in gia công, chuyển sang hình thức đấu thầu rộng rãi (bao gồm cả giấy in SGK), tiết kiệm chi phí sản xuất SGK, chống độc quyền, thao túng giá đối với SGK.
Trong thời gian chưa chuyển sang hình thức đấu thầu rộng rãi, cơ quan thanh tra đề nghị NXB Giáo dục Việt Nam cần thực hiện ngay việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Đồng thời, thực hiện ngay việc bổ sung đăng ký kinh doanh nhập khẩu giấy in hoặc tổ chức thực hiện ngay việc ủy thác nhập khẩu giấy in để giảm bớt chi phí trung gian, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành SGK. Đặc biệt, cần sử dụng giấy in đảm bảo chất lượng in, độ trắng giấy in theo tiêu chuẩn quốc gia.
Cơ quan thanh tra đề nghị NXB Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, phân tích, tính toán, đồng thời làm việc với đối tác để xác định, thống nhất giảm tỉ lệ chiết khấu, ban hành văn bản về tỉ lệ chiết khấu, điều kiện hưởng chiết khấu hàng năm để áp dụng giảm trừ giá bán khi ký hợp đồng mua bán SGK, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành SGK. Điều chỉnh tỉ lệ hưởng chiết khấu (hiện là 5%) của Tổng công ty sách, thiết bị giáo dục các miền.
Cũng tại kết luận thanh tra, NXB Giáo dục Việt Nam cần thực hiện rà soát cơ cấu chi phí và giá thành, định mức, kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực hiện tiết kiệm chi phí, thực hiện tái cấu trúc và nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, thực hiện đúng các chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Từ đó, xác định lại và điều chỉnh giảm tỉ lệ tăng giá SGK cũ, giá SGK lớp 1 (mới) theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và chống độc quyền, thao túng giá đối với SGK.
TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các đơn vị, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ theo từng thời kỳ có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm đã nêu trong kết luận thanh tra.
Bình luận (0)