Chiều 28-9, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người", để điều tra làm rõ vụ thanh sắt rơi tại công trình xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê (đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) khiến 2 người thương vong vào chiều tối 27-9.
Ai cũng có thể là nạn nhân
Theo UBND quận Thanh Xuân, công trình do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai (phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội) làm chủ đầu tư. Nhà thầu phụ thi công lắp kính mặt ngoài là Công ty CP Thương mại Phát triển công nghệ Hà Nội Mới DHP (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).
Ngày 27-9, một số công nhân được phân công lắp kính mặt ngoài tầng 5, 6, 7 của tòa nhà. Trong quá trình lắp kính, các công nhân sử dụng hệ thống Gondola (sàn làm việc chuyên dụng trên cao) từ tầng 16 để di chuyển phía ngoài tòa nhà. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, cần trục bên trái của Gondola tuột ra khỏi bộ phận đối trọng rơi từ tầng 16 xuống mặt đường Lê Văn Lương, va vào đầu chị Dương Thị Hằng (SN 1987, quê Bắc Ninh) đang điều khiển xe máy, khiến chị tử vong tại chỗ. Cần trục này còn rơi trúng ông Nguyễn Hùng Cường (SN 1956, ngụ Hà Nội) làm ông bị xây xát phải nhập viện cấp cứu.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định Chất lượng công trình xây dựng - Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, từ đền bù thiệt hại, dừng công trình, phòng tránh tất cả vụ việc có thể xảy ra; đồng thời phải đợi đến khi phía công an điều tra, báo cáo xong rồi kết luận xem có được thi công hay không.
Theo đại diện của Công ty CP Thương mại và Phát triển công nghệ Hà Nội Mới DHP, xảy ra tai nạn chết người hoàn toàn do lỗi của công ty đã chủ quan trong quá trình dịch chuyển thiết bị. Công ty xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Hiện trường vụ tai nạn tại phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) ngày 27-9. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
"Quái vật" cần cẩu công trình
Hiểm họa từ các công trình xây dựng trên cao xuất hiện đầy rẫy ở các thành phố lớn. Tại TP HCM, các tòa nhà cao tầng xuất hiện ngày càng nhiều và cần cẩu tháp là thiết bị không thể thiếu trong quá trình xây dựng các công trình này.
Trưa 28-9, chiếc cần cẩu trên công trình dự án trung tâm thương mại dịch vụ - căn hộ - khách sạn Terra Royal (gần giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng; phường 8, quận 3) di chuyển liên tục để chuyển vật liệu xây dựng. Cẩu tháp có "cánh tay" cần dài hàng chục mét, phần đối trọng thì ngắn hơn nhưng có nhiều khối bê-tông lơ lửng. Phía dưới, người đi đường điều khiển xe qua lại mà chẳng hề biết những khối bê-tông cả chục tấn đang lơ lửng trên đầu. "Nhìn khối bê-tông, sắt thép treo dưới cẩu tháp cứ vù vù qua lại, chẳng may rớt xuống đường thì hậu quả khôn lường" - ông Trần Văn Tâm, ngụ đường Lý Chính Thắng, lo ngại.
Cách đó không xa, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần cầu Công Lý) cũng có cần cẩu tháp đang vận chuyển sắt thép cho công trình cao tầng. Phía ngoài công trình, đơn vị thi công đang lắp đặt khung để chuẩn bị cho một cẩu tháp mới. Số lượng cẩu tháp còn tập trung với số lượng lớn ở các quận có tốc độ đô thị hóa nhanh như quận 2, 7, 8, Thủ Đức… bởi nhiều tòa nhà cao tầng đang gấp rút xây dựng.
Những bất an như trên cũng xuất hiện ở nhiều thành phố khác. Đơn cử như TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), hàng loạt công trình khách sạn đang xây dựng với những cần cẩu lớn treo những khối bê-tông lơ lửng trên đầu người đi đường như công trình khu phức hợp thương mại - dịch vụ - y tế - văn phòng khách sạn - nhà ở chung cư Nha Trang Center 2 nằm trên đường Trần Hưng Đạo; nhiều công trình khách sạn trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương...
Trước đây, khi bão số 12 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa (tháng 11-2017), 2 cần cẩu của dự án Panorama Nha Trang cũng bị bão đánh gãy đôi. Dự án này giáp các tuyến đường lớn đông người qua lại là Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai và phía sau hội trường lớn của TP Nha Trang. Hay tại khách sạn Queen Ann (96 Trần Phú, TP Nha Trang) cũng từng xảy ra vụ giàn giáo từ tầng 20 đổ ập xuống đường Trần Phú khi đang thi công, rất may không ai bị thương.
Lỗi do con người
Ông Đỗ Anh Tú, Giám đốc dự án Millennium thuộc Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, cho biết quy trình lắp đặt, vận hành cẩu tháp rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vẫn xảy ra các tai nạn liên quan đến cẩu tháp mà lỗi là do quá trình vận hành không tuân thủ quy định. Thứ nhất đó là sự không ăn ý giữa người vận hành cẩu ở cabin máy và người hướng dẫn ở phía dưới công trường. Các lỗi thường mắc phải là nâng hạ thiết bị vượt quá tải trọng, nâng vật liệu ở gần đầu cần trục, nâng vật liệu lên quá gần (dưới 2 m) cần trục sẽ làm đứt cáp và rơi vật tư, thiết bị từ trên cao. Thứ hai, do sự can thiệp của con người vào thiết bị điện tử rơ-le kiểm soát tải trọng của cẩu tháp.
Cậy nhiều tiền trốn tránh ra tòa
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong năm 2017 đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 9.173 người bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ gây chết người là 898 vụ, 928 người chết.
TP HCM là địa phương đứng đầu cả nước về số người chết vì TNLĐ với 1.517 vụ, làm chết 123 người; tiếp đến là Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Phú Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Thanh Hóa... Ngành xây dựng chiếm tỉ lệ 21% tổng số vụ và gần 20% tổng số người chết.
Đáng chú ý, nguyên nhân xảy ra TNLĐ do người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động chiếm khoảng 20%; số vụ TNLĐ do các nguyên nhân khách quan chiếm 34,5%. Tuy nhiên, số vụ TNLĐ bị xử lý hình sự rất ít, chỉ có 4 vụ được khởi tố, chính điều này là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác phòng ngừa TNLĐ.
Liên quan đến việc xảy ra nhiều vụ TNLĐ, trong một cuộc họp báo gần đây, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, khẳng định ngoài việc người lao động thường chủ quan thì nhiều doanh nghiệp lớn cậy nhiều tiền, nhiều của để trốn tránh ra tòa. Có vụ đáng ra phải khởi tố nhưng họ cậy nhiều tiền nên hòa giải với người nhà nạn nhân, tác động đến địa phương để giảm nhẹ xuống thành xử lý hành chính.
"Việc hình sự các vụ TNLĐ còn ít khiến chúng tôi sốt ruột vì giảm tính răn đe. Điển hình như vụ sập giàn giáo ở Formosa, lúc đầu rất khó khăn để khởi tố nhưng chúng tôi trực tiếp đi và có nhiều ý kiến, phân tích lời khai, nhân chứng. Bên cạnh đó, với sức ép của dư luận, Công an tỉnh Hà Tĩnh quyết định khởi tố vụ án và khởi tố 2 bị can" - ông Hà Tất Thắng nói.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết từ trước đến nay, những vụ việc chết người như trên thường được xem là những "tai nạn" và đàm phán với nhau cho êm xuôi vụ việc. "Đây là những hành vi vi phạm trật tự xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và nếu trong trường hợp không chứng minh được hành vi này thì vẫn có hành vi vô ý làm chết người. Bộ Luật Hình sự quy định rất rõ chứ không phải các bên muốn là thỏa thuận "mua với nhau bằng tiền" - luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.
Hình phạt ngoài tính răn đe còn có tính chất giáo dục, phòng ngừa chung. Xử lý nghiêm vụ việc này sẽ là bài học để xử lý những vụ việc khác. Nếu các cơ quan chức năng nương nhẹ đối với những hành vi vi phạm kiểu này đã dẫn đến nhiều mạng người chết oan uổng và nguy hiểm hơn có thể tạo ra hiện tượng "nhờn luật", coi thường tính mạng người dân của các chủ đầu tư, đơn vị giám sát và thi công trên công trường.
Nguyễn Hưởng - Văn Duẩn
Bình luận (0)