Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, tăng cường tiêm vắc-xin, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao và sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.
Ca mắc COVID-19 tăng mạnh
Theo thống kê của Bộ Y tế trong 8 ngày qua (từ ngày 5-4 đến ngày 12-4), cả nước đã ghi nhận 900 ca mắc COVID-19, riêng ngày 13-4 cả nước ghi nhận 497 ca nhiễm mới.
Chiều 13-4, thông tin mới nhất về tình hình dịch COVID-19, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tại khu vực phía Bắc đang có sự gia tăng ca mắc COVID-19, song tỉ lệ nặng/ca mắc không có sự thay đổi. Từ ngày 1-4 đến nay, số ca nặng trên tổng số mắc thấp hơn so với tháng 3. "Trên thế giới, biến thể chiếm ưu thế gây dịch COVID-19 vẫn là Omicron với đặc tính lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng. Những nơi có tăng ca nặng là do số mắc tăng tương ứng" - ông Lân nói.
Ghi nhận tại một số cơ sở y tế ở Hà Nội cũng cho thấy số ca COVID-19 tăng so với tuần trước. Ngày 8 và 10-4, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận gần 100 ca mắc. Lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết trong tháng 3 bệnh viện ghi nhận 25 bệnh nhân, tuy nhiên trong 10 ngày đầu tháng 4, có 75 bệnh nhân, phần lớn là người cao tuổi và mắc bệnh nền. Trong khi đó, tại huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai, từ ngày 7 đến 10-4 đã ghi nhận 52 ca mắc đều là cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THCS Khánh Yên.
Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân điều trị COVID-19 nặng tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 tại Hà Nội. Ảnh: NGỌC DUNG
Theo Bộ Y tế, đến thời điểm này ổ dịch ở Lào Cai đã được khống chế, còn tại Hà Nội đang triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây lan của bệnh. Nhận định về tình hình dịch hiện nay đại diện Bộ Y tế khẳng định dù số ca mắc tăng nhưng dịch vẫn trong tầm kiểm soát. "Với số mắc hiện nay, nếu đánh giá sơ bộ về cấp độ dịch tại từng địa phương tất cả là "màu xanh", có nghĩa là không vượt qua cấp độ 1. Đánh giá này dựa trên nhiều yếu tố: số ca mắc, ca bệnh nặng, tiêm vắc-xin, thu dung người bệnh, đáp ứng điều trị..." - GS-TS Phan Trọng Lân nói.
Tại TP HCM, theo bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, bệnh viện vẫn có khoa chuyên nhận bệnh nhân COVID-19 nặng của thành phố và sẵn sàng kích hoạt, mở cửa hoạt động bệnh viện dã chiến 12 khi có quyết định của lãnh đạo thành phố. Các phương án chống dịch đã chuẩn bị đầy đủ, đúng theo yêu cầu của Bộ Y tế và sở.
Không được chủ quan
Các chuyên gia nhận định số ca COVID-19 gia tăng, nhất là các tỉnh miền Bắc với lý do đang trong giai đoạn chuyển mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển. Bên cạnh đó, biến thể Omicron có đặc tính lây lan nhanh, nhất là trong bối cảnh hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống, việc đi lại sau 3 năm dịch gia tăng mạnh. Thêm nữa, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan trong phòng bệnh, không sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng, không thực hiện khử khuẩn thường xuyên. Ngoài ra, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin COVID-19 cũng giảm dần theo thời gian…
Theo GS-TS Phan Trọng Lân, các nhà khoa học và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo SARS-CoV-2 vẫn tồn tại. Để điều này không ảnh hưởng đến cuộc sống, cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu, tránh quá tải hệ thống y tế. Hiệu quả của vắc-xin trong phòng lây nhiễm đối với biến thể Omicron còn hạn chế nhưng vắc-xin được khẳng định có hiệu quả ngăn ngừa ca nặng. Mục tiêu trong giai đoạn tới là giảm nhập viện, trở nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả. Do đó, người dân cần tiêm chủng đúng lịch, đủ liều và thực hiện 2K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tỉ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với một năm trước đây, song một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh, gồm nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai… Đến nay, WHO vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng virus các biến thể mới trong tương lai.
GS-TS Phan Trọng Lân cho biết với tình hình dịch hiện nay Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế bất cứ hoạt động nào trong xã hội. Tuy nhiên, các địa phương cần tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng để người dân biết và phòng chống, tránh sự hoang mang cũng như chủ quan của người dân. Khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng; tại các địa điểm tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ tới sắp tới.
Phòng dịch trong giai đoạn chuyển tiếp
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng hiện nước ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ một tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng sang bệnh lưu hành. Do đó, cần tính toán khi COVID-19 trở thành bệnh lưu hành thì các hoạt động phòng chống dịch sẽ tiếp tục như thế nào. Đồng thời, vẫn phải giám sát để đánh giá nguy cơ, từ đó đáp ứng phù hợp để không bị bất ngờ. Dù COVID-19 có trở thành bệnh lưu hành giống như cúm mùa vẫn phải tiêm vắc-xin vì vẫn có nhiều ca bệnh nặng và nguy cơ tử vong.
Bình luận (0)