Hai bài báo "Khám sức khỏe siêu tốc" và "Sở Y tế TP HCM vào cuộc, dưới vẫn dễ dãi" đăng ngày 13-9 và 2-10 trên Báo Người Lao Động đã thu hút rất nhiều ý kiến bạn đọc và chuyên gia. Trong đó, đa số ý kiến cho rằng khi nhân viên y tế đã và đang bất chấp những nỗ lực kiên quyết xử lý của Sở Y tế TP HCM, vẫn tham gia vào quy trình cấp giấy khám sức khỏe (KSK) quá dễ dãi thì đã đến lúc ngành y tế cần tính đến việc thay đổi mô hình.
"Câu khách" thì khó thực chất
Bình luận về nguyên nhân của hoạt động KSK siêu tốc, một thạc sĩ - bác sĩ (BS) tại TP HCM (xin giấu tên) nhìn nhận để "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", nhiều cơ sở y tế sẵn sàng phớt lờ quy định, đơn giản hóa quy trình nhằm mục đích hút khách. Cũng theo bác sĩ này, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, giấy KSK là hồ sơ bắt buộc khi đi xin việc, đi học… Do nhu cầu lớn nên hoạt động KSK mang lại nguồn thu ổn định. Đặc biệt, trong bối cảnh các cơ sở y tế hiện nay đều tự chủ, nguồn thu này càng trở nên quan trọng.
BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho rằng: "KSK mang lại nguồn thu lớn, cụ thể là ở những cơ sở có dịch vụ KSK tổng quát định kỳ cho các đơn vị, doanh nghiệp".
Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Như Thảo - chủ chuỗi 5 cửa hàng ăn uống tại quận Phú Nhuận và Bình Thạnh, TP HCM - phân tích ở lĩnh vực như ăn uống, sản xuất chế biến thực phẩm, giới tài xế, lái tàu, người mở nhà thuốc…, người lao động còn là người tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Thế nên, để hạn chế những hậu quả đau lòng, đội ngũ này phải được theo dõi và đánh giá sức khỏe chính xác. "Là người làm trong lĩnh vực thực phẩm, tôi rất quan tâm đến giấy KSK của nhân viên vì đây là cơ sở nhằm kịp thời loại bỏ những người mắc bệnh truyền nhiễm. Thế nhưng, trước thực tế giấy KSK chỉ là đối phó, quy trình khám thực hiện qua loa, cẩu thả như hiện nay thì tôi thật sự lo ngại" - bà Thảo lo lắng.
Phát triển mô hình bác sĩ gia đình
Theo Bộ Y tế, qua kiểm tra và đánh giá, phần lớn cơ sở khám để cấp giấy KSK đều thực hiện tốt các quy trình nhưng cũng có nơi chưa bảo đảm. Do đó, bộ đề nghị các nơi cần kiểm tra, giám sát để có sự chấn chỉnh kịp thời.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết theo quy định, những cơ sở đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực mới được thực hiện việc KSK. Tình trạng KSK qua loa như Báo Người Lao Động phản ánh có nhiều yếu tố nhưng cũng có thể do việc sắp xếp, tổ chức của đơn vị đó chưa hợp lý. "Quá trình KSK này nếu như không bảo đảm, không đầy đủ, không đúng thì đơn vị sử dụng lao động có quyền kiện cơ sở thực hiện KSK" - PGS-TS Lương Ngọc Khuê nói.
Còn theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Nội thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, một phần nguyên nhân khiến nhiều cơ sở y tế công khai "nở rộ" dịch vụ KSK siêu tốc còn xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. "Bản thân người khám chỉ xem giấy KSK là một loại thủ tục bắt buộc phải hoàn tất theo quy định. Và nhu cầu của họ là làm sao để hoàn tất nhanh nhất. Nếu người khám yêu cầu, đòi hỏi nhiều hơn ở các cơ sở KSK, chắc chắn quy trình sẽ được tuân thủ nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn. Vì vậy, rõ ràng việc này không siết thì rất khó thực chất" - BS Trương Hữu Khanh nhận định.
Vậy nếu kết quả của quy trình KSK hiện nay không còn thực chất, nên chăng phải thay đổi để phù hợp hơn? Nhiều BS đưa ra giải pháp: Thay vì khám sức khỏe, nên để đội ngũ BS này thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Nhân rộng và phát triển mô hình BS gia đình (BSGĐ) thay vì thực hiện KSK đối phó. BSGĐ sẽ là người theo dõi, lưu trữ thông tin về tình trạng sức khỏe của người dân trong thời gian dài. Như vậy, kết quả này là cơ sở khách quan, đáng tin cậy để nhà tuyển dụng, người dân có thể yên tâm.
Hoạt động khám sức khỏe đã mang lại nguồn thu đáng kể cho nhiều cơ sở y tế. Ảnh: Ý LINH
Vai trò quan trọng của y học gia đình
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng từ tuyến cơ sở, Bộ Y tế đang phát triển y học gia đình (YHGĐ) gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Bộ Y tế cho biết ngày 15-10, Thông tư 21/2019/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về hoạt động YHGĐ do bộ này ban hành chính thức có hiệu lực. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cơ sở YHGĐ chính là nơi đầu tiên tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa theo nguyên lý YHGĐ cho cá nhân, hộ gia đình.
PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức thành công mạng lưới BSGĐ trong hệ thống y tế, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, hiệu quả với chi phí hợp lý. Mạng lưới BSGĐ góp phần giải quyết căn cơ trình trạng quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện, góp phần xây dựng hệ thống y tế lành mạnh, thực hiện công bằng y tế, giảm nghèo trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. "Tại các quốc gia phát triển và có hệ thống y tế hiệu quả, toàn diện như Bỉ, Úc, Singapore…, YHGĐ được công nhận và đào tạo chuyên khoa sau đại học. Tỉ lệ BSGĐ chiếm trên 40% so với các chuyên khoa khác. Việc đào tạo BSGĐ tại những nước này giúp các BS tuyến đầu có thể giải quyết được hơn 80% các vấn đề sức khỏe của người dân" - BS Nguyễn Thanh Hiệp thông tin.
Tại TP HCM, ngành y tế TP cũng đặt ra mục tiêu hàng đầu và kỳ vọng triển khai hiệu quả các hoạt động theo nguyên lý YHGĐ tại các trạm y tế (TYT) để thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đánh giá thời gian qua, các TYT đã thực hiện tốt những hoạt động phòng chống dịch bệnh, triển khai hiệu quả các chương trình sức khỏe như phòng chống bệnh lao, tâm thần, HIV. Song, hoạt động khám chữa bệnh ban đầu còn khó khăn, chưa tạo niềm tin và thu hút được người dân.
Vì vậy, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, thời gian qua, Bộ Y tế đã chọn 4 TYT tại TP HCM cùng với 22 TYT phường, xã ở 8 tỉnh trên cả nước triển khai thí điểm hoạt động theo nguyên lý YHGĐ. "Nhận thấy 4 TYT này hoạt động hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho người dân, trong năm 2018, Sở Y tế chọn thêm 20 TYT thí điểm theo mô hình này, bảo đảm mỗi quận, huyện có một TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ nhằm quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, cũng như giải bài toán quá tải cho các bệnh viện tuyến trên" - PGS-TS Tăng Chí Thượng nhận xét.
Hoạt động lại sau khi chấn chỉnh vi phạm
Ngày 2-10, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, thông tin Bệnh viện quận 4 (một trong những bệnh viện KSK siêu tốc) đang trong quá trình hoàn tất công bố đủ điều kiện KSK trở lại (sau khi công bố tạm ngưng dịch vụ KSK từ ngày 20-9). Cũng theo bà Mai, đến thời điểm này, Bệnh viện quận 6 cũng công bố đủ điều kiện KSK trở lại ngay sau khi thực hiện khắc phục xong vi phạm mà trước đó đoàn kiểm tra đã đề nghị chấn chỉnh.
Y.Linh
Áp dụng thành công ở nhiều nước
BSGĐ là mô hình chăm sóc sức khỏe tuyến đầu khá phổ biến ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp. Các BSGĐ thường là người đầu tiên mà bệnh nhân tìm đến khi cần hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Họ kiểm tra và điều trị tổng quát cho bệnh nhân, sau đó đề nghị những người mắc bệnh nghiêm trọng đến gặp BS chuyên gia hoặc cơ sở điều trị thích hợp.
Để trở thành BSGĐ ở Mỹ phải trải qua 4 năm khoa học, 4 năm y khoa và 3 năm nội trú bệnh viện. Trong 3 năm nội trú, họ phải trải qua các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi, tâm thần, lão khoa, cấp cứu. Về mặt thực hành, các BSGĐ hoàn toàn làm việc ở phòng khám của mình và nhận một số bệnh nhân nhất định để theo dõi, quản lý.
Ở Anh, mỗi BS phụ trách từ 1.500 đến 2.000 bệnh nhân. Các bệnh nhân được đăng ký một BSGĐ chăm sóc sức khỏe cho họ. Việc thăm khám cho bệnh nhân hầu hết được thực hiện tại nhà. Lương của BS được tính trên cơ sở hiệu suất làm việc, ví dụ số bệnh nhân mà họ điều trị, tính chất của phác đồ điều trị cho bệnh nhân và địa điểm làm việc của BS.
X.Mai
Bình luận (0)