Để lật tẩy bác sĩ tư vấn sức khỏe tại các phòng khám có người Trung Quốc ở TP HCM, phóng viên (PV) tìm cách thâm nhập mạng lưới này dưới "mác" người ứng tuyển vị trí "nhân viên tư vấn sức khỏe online (trực tuyến)".
Học một tuần thành "bác sĩ"
PV bắt đầu từ việc tạo hồ sơ xin việc trực tuyến trên các mạng tuyển dụng. Mặc dù ghi rõ là sinh viên, không học ngành y nhưng PV vẫn được Công ty TNHH Công nghệ mạng Sinbad chủ động xác nhận "hồ sơ của ứng viên phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của công ty ở vị trí nhân viên tư vấn/chăm sóc sức khỏe online" và hẹn phỏng vấn.
Điểm hẹn phỏng vấn là một tòa nhà 6 tầng nằm trên đường Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6. Một phụ nữ tên M.T.H.N xưng là quản lý bộ phận nhân viên tư vấn sức khỏe của phòng khám tiến hành phỏng vấn PV. Bà N. cho biết công ty đang tuyển nhân viên tư vấn sức khỏe làm việc tại TP nhưng phục vụ cho Phòng khám Đa khoa Trung Trực ở 267 Nguyễn Trung Trực, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Khi PV tỏ ra lo lắng không có chuyên môn y tế, bà N. trấn an: "Vào tay chị đào tạo sau một tuần là em thành bác sĩ. Công việc chỉ đơn giản là tư vấn làm sao cho bệnh nhân đến phòng khám". Bà N. cũng không quên dặn đối tượng chủ yếu là người miền Tây để thu hút họ đến Phòng khám Đa khoa Trung Trực.
Văn phòng làm việc của “bác sĩ” tư vấn sức khỏe tại tòa nhà trên đường Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6, TP HCM
Để tăng độ hấp dẫn cho công việc, bà N. hứa hẹn: "Lương thử việc là 4 triệu đồng/tháng. Sau 1 tháng, nếu đạt "chỉ tiêu" 35 bệnh nhân đến phòng khám/tháng thì sẽ hơn 10 triệu đồng. Từ bệnh nhân thứ 10 là bắt đầu tính hoa hồng và sẽ tăng dần theo số bệnh nhân".
Đồng ý giờ giấc và mức lương, PV được nhận việc ngay hôm sau. Văn phòng làm việc nằm ở lầu 4 của tòa nhà, rộng hơn 20 m2. Bên trong dán nhiều hình ảnh bệnh lý và chú thích tiếng Hoa. Bộ phận tư vấn sức khỏe có khoảng 20 nhân viên là người Việt lẫn người Trung Quốc. Phần lớn người Việt là sinh viên, học sinh trung cấp các ngành nhân văn, xã hội, kinh tế… Bắt đầu tuần đào tạo, PV được cung cấp tài liệu về nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp điều trị những bệnh lý mà phòng khám này chuyên điều trị như phụ khoa, bệnh xã hội, bệnh trĩ, da liễu, xương khớp và cả dịch vụ phá thai. Toàn bộ tài liệu được viết bằng song ngữ Hoa - Việt, mỗi loại bệnh dài khoảng một trang giấy A4 nên chưa đến một tuần có thể nắm được hết. Sau đó, PV được bà N. kiểm tra kiến thức thông qua hỏi đáp nhanh. Sau 15 phút "vượt vũ môn", PV chính thức gia nhập "đội ngũ bác sĩ online" và bắt đầu tư vấn, dẫn dắt bệnh nhân đến phòng khám như những ứng cứ viên khác. Vòng kiểm tra này không có tiền lệ nhân viên bị loại.
Phán bệnh như thánh!
Để tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân trên website của phòng khám, PV được tạo một tài khoản cá nhân với tên gọi "bác sĩ X". Vì được ăn chia hoa hồng nên đội ngũ "bác sĩ" tư vấn ra sức dẫn dụ người bệnh. Ai cũng trong tình trạng làm việc hết công suất, nhiều người không có thời gian nghỉ giữa ca. Tiếng bàn phím lúc nào cũng vang lên, tiếng trò chuyện qua điện thoại rôm rả. Chốc chốc lại có "bác sĩ" quay sang hội ý bệnh nhân này nên "phán" bệnh gì phù hợp, bệnh nhân kia ở Cà Mau thì di chuyển thế nào để đến phòng khám… Thấy PV có vẻ bỡ ngỡ, "bác sĩ" Tâm động viên: "Công việc ở đây không khó, không ai học ngành y cả, làm riết thành quen. Chỉ cần chăm chỉ và chịu khó quan sát mọi người tư vấn sẽ nhanh chóng thành thục. Quan trọng là khả năng trò chuyện, thuyết phục làm sao cho họ đến phòng khám thì mình mới có thu nhập. Lương cứng không bao nhiêu nhưng hoa hồng rất cao".
Về phía bà N., bà luôn dặn đội ngũ tư vấn phải nói với bệnh nhân phòng khám này là bác sĩ Đài Loan chứ không phải bác sĩ Trung Quốc. Bệnh nhân có nhu cầu gặp bác sĩ Việt Nam thì phòng khám sẽ sắp xếp người Việt thăm khám. Không chỉ thế, bà N. còn yêu cầu đội ngũ tư vấn phải mạnh tay chẩn bệnh, phán bệnh nhân thật nhiều bệnh. Đặc biệt là bệnh nặng, nguy hiểm cho họ sợ để nhanh chóng tới khám. Tiếp đến là nhấn mạnh Phòng khám Đa khoa Trung Trực là cơ sở chuyên khoa duy nhất ở miền Tây với đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, từng tu nghiệp ở nước ngoài. "Nhưng lưu ý không được thể hiện lộ liễu mục đích là dẫn dắt họ đến phòng khám" - bà N. bật mí.
PV "vinh dự" được chứng kiến bà N. hành nghề. Ngày 27-10, bà N. thực hiện cuộc gọi cho một bệnh nhân nam ở tỉnh Kiên Giang. Sau khi nghe người này từng quan hệ đồng giới, lập tức bà N. khẳng định mắc 3 căn bệnh là trĩ, sùi màu gà và polyp vùng kín. Vừa nghe bà N. phán, bệnh nhân đã hoảng hồn hỏi địa chỉ phòng khám để đến điều trị. Một "bác sĩ" tư vấn khác tên Châu tiếp nhận thông tin một bệnh nhân ở TP Cần Thơ với triệu chứng đau phần bụng dưới trong ngày hành kinh. "Bác sĩ" Châu phân tích đau bụng kinh có 2 trường hợp. Một là bệnh lý, hai là sinh lý. Nhưng đa số là do bệnh lý gây nên. "Chị nghi ngờ em có thể bị u xơ tử cung, u nang buồng trứng. Em phải lên phòng khám điều trị sớm" - "bác sĩ’ Châu hù dọa. Bất ngờ mắc bệnh, phía bên kia đầu dây lo lắng tìm nơi khám. Chỉ đợi đến đây, "bác sĩ" Châu mạnh miệng: "Ở Cần Thơ không có cơ sở chuyên phụ khoa. Em phải qua phòng khám chuyên khoa bên chị ở Kiên Giang. Những bệnh lý như thế này bên chị đã nhận nhiều nên biết cách điều trị dứt điểm một lần. Thời gian khám, điều trị khoảng 1 giờ nên em có thể quay về Cần Thơ trong ngày".
Dùng mã khuyến mãi như bán hàng
Để tăng hiệu quả dẫn dắt bệnh nhân, "bác sĩ" tư vấn của phòng khám luôn hứa hẹn "phòng khám sẽ hỗ trợ hết sức, không quá tốn kém". Chưa kể, các "bác sĩ" tư vấn luôn được bà N. yêu cầu thông báo đến người bệnh chương trình ưu đãi 20% chi phí điều trị nếu đến phòng khám ngay hôm nay hoặc ngày mai. Kèm theo đó là ưu tiên đặt lịch khám trước để tránh trường hợp chờ đợi lâu. Cụ thể, "bác sĩ" sẽ cung cấp cho người bệnh một mã khuyến mãi. Khi đến phòng khám điều trị, bệnh nhân sẽ sử dụng mã này để được hỗ trợ 20% chi phí. Nhưng trên thực tế, mã ký tự này chỉ là cách để các "bác sĩ" đánh dấu, kiểm soát số lượng người do mình dẫn dụ được chứ không có chương trình khuyến mãi nào ở đây.
Bình luận (0)