Ngày 2-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã có buổi tiếp xúc trực tuyến với 150 cử tri là đại diện doanh nghiệp (DN), hội, ngành nghề của TP HCM.
DN thiếu "máu" trầm trọng
Gửi gắm kiến nghị của cử tri DN, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) Chu Tiến Dũng cho biết làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 thứ 4 ở Việt Nam khiến DN ở hầu hết ngành nghề, lĩnh vực rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh. Khảo sát của HUBA cho thấy tỉ lệ DN "tạm ngừng hoạt động do dịch" chỉ còn dòng tiền để duy trì hoạt động "ít hơn 1 tháng" chiếm gần 40% và 17,7% ở các DN đang "duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh". Tỉ lệ DN có dòng tiền hiện tại có thể duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng khoảng 46%. Số DN giải thể, đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh cao hơn nhiều so mới số DN thành lập mới.
Trước thực trạng này, HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có biện pháp để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay và kéo giãn thời gian trả nợ vốn, lãi vay tương ứng với thời gian cơ cấu lại các khoản nợ; đồng thời mở rộng cho vay để DN có vốn phục hồi sản xuất. Ngoài ra, các địa phương rà soát lại toàn bộ những thủ tục hỗ trợ theo Nghị quyết 68/2021; Chính phủ, bộ, ngành có chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp DN giảm chi phí sản xuất.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel, phản ánh ngành du lịch đang chịu tổn thất nặng nề nhất. Nhiều DN du lịch không còn tài sản bảo đảm, không có doanh thu, lợi nhuận để tiếp cận tín dụng. Ông Kỳ bày tỏ: "Nhà nước nên tăng cung tiền để các tổ chức tín dụng cho vay. Điều này rất quan trọng vì nó như là ôxy, mà thiếu ôxy thì DN sẽ chết. Chính phủ nên coi DN là đối tác, tránh coi là đối tượng.
Đồng tình với đề xuất này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, đề xuất Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 khẩn trương ban hành sớm hướng dẫn tạm thời "Thích ứng, linh hoạt với Covid" thay thế Chỉ thị 15, 16, Quyết định 2686/2021 về quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình đặc thù của TP HCM để DN sớm có thể sản xuất và phục hồi sản xuất.
Bà Lý Kim Chi cũng kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên tiêm phủ vắc-xin diện rộng cho các đối tượng ưu tiên tham gia trong chuỗi cung ứng tại các khu vực phía Nam để trước mắt giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa được ổn định, DN mở cửa sản xuất - kinh doanh an toàn; quán triệt tất cả các tỉnh, thành, nhất là các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, triển khai nhất quán những quy định từ trung ương, không được tự ý quy định trái quy định chung.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp xúc cử tri doanh nghiệp. Ảnh: THANH NHÂN
Sẽ có chính sách hỗ trợ cụ thể
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nêu quan điểm của TP là bảo vệ sức khỏe của người dân và sức khỏe nền kinh tế. Trước thực tế các chỉ tiêu phát triển kinh tế TP 9 tháng năm 2021 giảm rất sâu, thu ngân sách khó có khả năng hoàn thành nhiệm vụ..., TP cần 6, 9 tháng hoặc 1 năm để phục hồi kinh tế DN lẫn TP. "Cần phân loại ra từng nhóm DN và từng "nhóm sức khỏe DN" để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Thời hạn hỗ trợ cũng phải kéo dài chứ không gói gọn theo từng năm" - ông Võ Văn Hoan đề xuất. Riêng với ngành du lịch, ông Hoan thông tin UBND TP đã có kiến nghị Chính phủ cho phép miễn 100% tiền thuê đất năm 2021-2022.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Đoàn ĐBQH TP, cho rằng hoàn cảnh hiện nay là chưa từng có nên giải pháp cũng phải là chưa từng có. Theo ông Nhân, Chính phủ có kế hoạch chi hỗ trợ khoảng 100.000 tỉ đồng, tương đương 4 tỉ USD. Đây là khoản chi lớn nhưng vẫn chưa đủ so với thực tế. Từ kinh nghiệm của các nước, ông Nhân góp ý cần có tổng gói tài trợ tương đương 6,5% GDP, chủ yếu từ nguồn nợ công để hỗ trợ DN và kích thích nền kinh tế.
Phản hồi ý kiến của các DN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định sắp tới, NHNN sẽ đồng hành mức cao nhất với DN, đặc biệt là khu vực TP HCM. Theo đó, sẽ tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản nợ đến ngày 30-6-2022. Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh để phù hợp với mức độ dịch bệnh và khó khăn của DN.
Sau khi lắng nghe đại diện các DN phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Đoàn ĐBQH TP HCM tổng hợp đầy đủ các ý kiến để gửi Thường vụ QH, Chính phủ, Thành ủy và UBND TP. "Đảng, Nhà nước và Chính quyền TP HCM cùng các bộ, ngành trung ương đang và sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới dần giãn cách xã hội, giúp phục hồi kinh tế TP HCM. Đặc biệt sẽ có chính sách cụ thể hỗ trợ cho DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay về tài chính, tiền tệ" - Chủ tịch nước khẳng định.
Trước nhiều đề nghị của DN liên quan đến chính sách tài khóa, Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tăng cường phân cấp cho TP HCM thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ DN trong khả năng cân đối ngân sách của TP; về đề xuất chính sách miễn giảm thuế đến năm 2022, Bộ Tài chính ghi nhận và báo cáo Chính phủ trình QH trong kỳ họp tới; về chính sách tiền tệ, ngành ngân hàng cần chia sẻ nhiều hơn nữa với những khó khăn của DN, đặc biệt tiếp tục chủ động giảm lãi suất cho vay.
Giữ chân người lao động
Để "thích ứng an toàn với Covid-19" ở phạm vị quốc gia và TP HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần có những biện pháp cụ thể hóa chiến lược này. Theo đó, tạo thuận lợi cho sự di chuyển hàng hóa, con người, từng bước khôi phục lại sản xuất. Mở dần các đường bay thương mại, tạo điều kiện cho những người tiêm 2 mũi vắc-xin, có xét nghiệm âm tính di chuyển trên các loại hình phương tiện vận tải, có giám sát y tế an toàn. Không áp dụng giãn cách xã hội quá dài, phạm vi quá rộng khi dịch bệnh dần được cải thiện.
"TP HCM cần phối hợp tốt với các địa phương, hỗ trợ người lao động, DN bảo đảm nguồn cung lao động khi mở cửa lại nền kinh tế. Muốn sản xuất trở lại bình thường, ngay lúc này đây, TP HCM phải bảo đảm hỗ trợ để giữ chân người lao động" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bình luận (0)