Chúng tôi đến thôn Tùng Nùn (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) vài ngày sau trận lũ quét và lở đất kinh hoàng ở đây. Đó là trận lũ quét lịch sử, cướp đi sinh mạng của 2 người, làm sập hoàn toàn 7 ngôi nhà, nhiều ngôi nhà khác bị đất đá vùi lấp một phần; xóa nhiều diện tích hoa màu, trong đó có những nương ngô sắp thu hoạch. Tùng Nùn là thôn thiệt hại nặng nhất ở huyện Quản Bạ.
Ám ảnh đêm "vỡ núi"
Giàng Mí Cháng, Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ thôn Tùng Nùn, thẫn thờ kể: "Trận lũ quét khủng khiếp lắm chú ạ. Đúng là vỡ núi! Suốt mấy ngày liền trời mưa to như đổ nước, không lúc nào dứt".
Rồi Cháng kể tiếp: "Quả núi lớn, nơi người dân Tùng Nùn coi như núi Mẹ, nửa đêm về sáng ngày 24-6 bỗng rùng mình. Tiếp đó là nước xối, đất lở từ trên cao trút xuống. Tiếng sấm sét, tiếng các tảng đá lăn trên núi xuống va đập vào nhau nổ dữ dội tưởng như trời sập. Người dân thực sự bị bất ngờ, không biết lối nào mà lần, hoảng loạn đến tối tăm cả mặt mũi. Lúc ấy, cháu chỉ biết cầm đèn pin chạy đến các nhà dân dưới chân núi Mẹ, gọi mọi người mau chóng chạy khỏi dòng "nước ma" kèm đất đá đang ầm ầm xối xuống. Vậy mà vẫn không kịp. Nhà Lò Chính Cồ bị nước lũ cuốn đổ sập, đất đá vùi kín. Vợ và một đứa con gái mấy tuổi của Cồ bị chết thảm trong bùn đất. Sáu nhà khác cũng bị sập, may mà người không sao. Sáng ra, chẳng còn ai nhận ra thôn bản. Tan hoang, ngổn ngang hết cả. Trời tiếp tục mưa to, lũ cuồn cuộn đổ về, đất đá vẫn ầm ầm đổ xuống khiến việc cứu hộ gặp vô vàn khó khăn".
Cháng ngừng kể , nhìn lên ngọn núi Mẹ nham nhở những mảng đất đá sạt lở, giống như quả bí đỏ bị vạc bởi lưỡi dao cùn. Lát sau, anh nén tiếng thở dài: "Nhà Cồ sập đổ, không có chỗ làm ma cho vợ con. Cồ phải đưa vợ về nhà bố mẹ chồng, đưa con gái về nhà em chú để làm đám ma. Việc chôn cất diễn ra trong cơn mưa sầm sập. Tội lắm! Các cụ già ở thôn bảo sống gần hết đời chưa thấy có trận lũ nào kinh hãi như lần này và cũng chưa thấy đám ma nào tội tình đến vậy. Chẳng biết dân bản đã làm điều gì phật ý để thần linh nổi giận gây ra nước lũ và lở đất thế này? Đã một tuần trôi qua rồi mà đêm vỡ núi vẫn ám ảnh lắm chú ạ!".
Tôi tin lời Cháng, vì trên gương mặt những người dân Tùng Nùn mà tôi gặp vẫn đọng nét bàng hoàng, đờ đẫn.
Tình người trong hoạn nạn
Bí thư Đảng ủy xã Lùng Tám Nguyễn Ánh Dương nói: "Ngay sau khi nhận được tin lũ quét gây thiệt hại cho một số thôn trong xã, lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai ngay các biện pháp cứu hộ khẩn cấp để ổn định đời sống của bà con gặp nạn, sơ tán các hộ gia đình ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến những chỗ an toàn hơn. Chúng tôi huy động lực lượng công an, dân quân, đoàn viên thanh niên làm nòng cốt giúp bà con khắc phục hậu quả của thiên tai; đồng thời lên mạng xã hội kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng".
Từ hôm đó đến nay ngày nào huyện, xã cũng cử lực lượng thay phiên nhau vào các thôn bản bị thiệt hại nặng hỗ trợ mọi mặt cho đồng bào. Đã có hàng chục đoàn cứu trợ ở các nơi đem lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết đến các thôn Tùng Nùn và Lùng Tám Thấp. Nhờ vậy, không có hộ gia đình nào bị đứt bữa, bị đói, rét".
Điều băn khoăn nhất, theo ông Dương là có rất nhiều đoàn thiện nguyện đến hỗ trợ bà con nhưng xã chưa thống kê đầy đủ được vì nhiều đoàn đến không báo qua xã. "Chúng tôi chỉ lo nhỡ có điều gì sơ suất đối với các đoàn cứu trợ. Thông qua nhà báo, xã Lùng Tám xin gửi lời cảm ơn đến tất cả nhà hảo tâm đã đến giúp đỡ kịp thời, thiết thực trong lúc hoạn nạn" - ông Dương nhắn gửi.
Ngày chúng tôi đến Tùng Nùn đúng dịp huyện Quản Bạ và xã Lùng Tám ra quân giúp những hộ gia đình bị sập nhà san nền, đào móng dựng nhà mới. Hàng trăm cán bộ các ban, ngành, lực lượng vũ trang của huyện, xã và nhân dân các thôn đến giúp đỡ với tinh thần trong gian khổ, hoạn nạn có nhau.
Tôi gặp hình ảnh khá xúc động ở một điểm san nền tại thôn Tùng Nùn. Người mẹ trẻ Lù Thị Say, dân tộc Mông, 18 tuổi, lưng địu đứa con gái 5 tháng tuổi, tay dắt đứa con gái lớn ba tuổi đến nơi đào đất. Tôi hỏi sao không để chồng đi làm? Say bảo: "Chồng mình đi làm ăn xa. Mình đi thay chồng". "Con nhỏ không được miễn à?" - tôi hỏi. Say hồn nhiên: "Không ai bắt mình đi đâu nhưng cùng thôn phải giúp nhau chứ. Việc này mình làm được mà". "Thế con gái ba tuổi ai trông?". Say nhìn tôi đầy vẻ ngạc nhiên, rồi cất lời ráo hoảnh: "Nó ba tuổi rồi. Tự chơi, làm gì phải trông nữa".
Bà con giúp nhau san nền, đào móng làm nhà mới ở Tùng Nùn
Chẳng có ngày nghỉ
Khi đến điểm trường Tùng Nùn (thuộc Trường PTDT bán trú tiểu học xã Lùng Tám) để trao tiền của cựu chiến binh Lê Duy Hảo (Công ty Sông Lô - Gốm sứ Na Son) - người có thời gian khoác áo lính bảo vệ Tổ quốc ở mặt trận Vị Xuyên đầu những năm 1980 của thế kỷ trước - ủng hộ dân, tôi suýt không nhận ra ông Lý Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Lùng Tám. Tôi với ông có thời gian cùng học với nhau ở một lớp quản trị kinh doanh tại tỉnh, vậy mà hôm ấy nhìn một lúc tôi mới nhận ra Sơn. Ông mặc bộ quần áo dân quân màu xanh, đội mũ cối, chân đi giày vải, mặt mũi hóc hác, trái ngược hẳn vẻ điển trai thường ngày. Gặp tôi, ông chỉ kịp bắt tay rồi nghe điện thoại tiếp.
Tôi phải chờ gần 20 phút mới nói được với ông mấy câu rằng chuyến đi này của tôi là trao tiền giúp bà con làm nhà do anh Lê Duy Hảo ủy thác, rồi tìm hiểu việc khắc phục hậu quả lũ quét để viết báo. Ông Sơn gật đầu, nói thật nhanh: "Nhìn thấy bạn lâu rồi mà mình chưa chào được, vì mắc nghe điện thoại. Cứ liên tục hết cuộc này đến cuộc khác. Phần nhiều là các nhà thiện nguyện hỏi đường đến thôn, cách thức trao quà cứu trợ, cán bộ giúp việc xin ý kiến chủ tịch… nên thông cảm nhé".
Nghe tôi đề nghị cho gặp các hộ có nhà sập để trao tiền hỗ trợ, ông Sơn bảo: "Có 6 hộ đang ở điểm trường này rồi. Các hộ bị sập nhà đã được bố trí đến ở đây. Hôm nay, các hộ khác ở thôn Lùng Tám Thấp bị sập nhà cũng đến đây nhận quà cứu trợ".
Gần 10 phút sau, ông Sơn gọi đủ 11 người đại diện cho 11 hộ thuộc đối tượng nhận tiền cứu trợ làm nhà. Mỗi hộ được 7 triệu đồng, riêng hộ Lò Chính Cồ được nhận 10 triệu đồng. Nhận tiền xong, một số bà con vội sang nhận hàng cứu trợ của đoàn CLB thiện nguyện Trái tim xanh đến từ Hải Phòng và Hội Lái xe 15-16 của Hải Phòng - Hà Giang phối hợp thực hiện.
Tôi toan hỏi thêm mấy câu nữa nhưng ông Sơn bảo: "Giờ mình phải xuống chỗ san nền nhà. Có gì hỏi thêm trưởng thôn Cháng nhé". Nói rồi ông rảo bước đi ngay. Nhìn dáng đi tất tả của vị chủ tịch xã, trong tôi toát lên sự cảm mến và một niềm tin vào lớp cán bộ nơi đây. Họ biết lo cho dân, biết hành động vì dân đến quên cả bản thân.
Chương trình trao hàng cứu trợ của các đoàn thiện nguyện diễn ra hết sức khẩn trương khiến ông Sơn và trưởng thôn Cháng cứ chạy ngược xuôi, quay như chong chóng. Cháng bảo: "Vất vả một tí nhưng chúng cháu thấy vui, vì có nhiều hàng cứu trợ thì bà con đỡ khổ chú ạ". Lát sau, Cháng ra chỗ phát hàng dặn bà con phải biết sử dụng quà và tiền tiết kiệm, đúng mục đích, không tiêu pha hoang phí. Cháng nói với đồng bào bằng tiếng Mông, rồi dịch lại cho tôi.
Được lúc rỗi, Cháng kể: "Từ hôm vỡ núi đến nay cháu và các cán bộ xã chẳng được về nhà, chẳng có ngày nghỉ. Mọi người thay nhau bám trụ gần như 24/24 giờ để lo khắc phục hậu quả, hỗ trợ bà con. Hôm trước tranh thủ ghé nhà, cháu hết hồn khi thấy tờ giấy vợ cháu để trên bàn, cứ tưởng là đơn ly hôn! May quá, đấy là tờ giấy vợ cháu sai đứa con gái học lớp ba viết rằng mẹ và các con ở nhà nhớ bố, lo cho bố và dặn bố phải giữ gìn sức khỏe, lúc nào xong việc thì về nhà ăn mèn mén do mẹ đồ. Đọc xong, cháu rớm nước mắt và thêm yêu vợ con nhiều hơn. Tuy không thạo chữ nhưng vợ cháu rất biết sống, chú ạ".
Tình người trong hoạn nạn
Trên đường về, khi chúng tôi dừng lại ăn cơm trong một quán nhỏ ở khu Tráng Kìm của xã Đông Hà, gặp khá nhiều người đi làm từ thiện. Có cả người trong tỉnh và ngoài tỉnh. Tôi bắt chuyện với mấy người ngồi gần. Thì ra họ là hai gia đình ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), tự bỏ tiền túi và kêu gọi bà con khu phố góp thêm để mua nhu yếu phẩm đóng thành 53 suất quà ủng hộ 53 hộ trong thôn Tùng Nùn và 11 suất quà bằng tiền giúp các hộ bị sập nhà.
Bác Nguyễn Gia Khánh - thành viên cao tuổi nhất đoàn - kể: "Hai gia đình chúng tôi lập kế hoạch chuẩn bị đi tắm biển ở Hà Tĩnh nhưng xem tivi thấy bà con ở đây bị thiệt hại nặng do lũ quét nên bàn với nhau hoãn đi, dành tiền làm từ thiện. Duyên ngộ thế nào mà khi con gái tôi gọi xe từ bến Mỹ Đình lên đây, nhà xe Ngọc Sơn biết chúng tôi đi cứu trợ nên nhận chở miễn phí 8 người và 5 tạ hàng lên tới Hà Giang. Chúng tôi nghĩ việc nghỉ mát sang năm đi cũng được, anh nhỉ".
Tôi lặng người khi nghe bác Khánh nói. Và tôi hiểu hơn lúc nào hết, tình người trong cơn hoạn nạn mãi mãi là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ta.
Trong những ngày gian khổ này, lời dạy của Bác Hồ "Cán bộ là người đầy tớ của nhân dân" được thể hiện rõ hơn bao giờ hết.
Bình luận (0)