Sáng 24-2, lãnh đạo TP HCM đã có buổi gặp gỡ 170 thiếu nhi, đội viên tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và sinh hoạt đội. Đây là chương trình thường niên của lãnh đạo TP vào mỗi dịp đầu năm để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để thiếu nhi TP học tập, vui chơi và phát triển toàn diện.
Sợ xe buýt chạy ẩu
Phát biểu gợi mở, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắn nhủ: "Trong không khí ấm áp đầu năm mới, các em hãy mạnh dạn chia sẻ những điều quan tâm, trăn trở. Các cô chú sẽ lắng nghe. Tất cả ý kiến của các em sẽ được tiếp thu chân thành, nghiêm túc, cầu thị, từ đó tạo ra môi trường sống, học tập, sinh hoạt chất lượng hơn".
Các cháu thiếu nhi vui vẻ trò chuyện với các lãnh đạo TP HCM
Được lời như cởi tấm lòng, các em phản ánh tình trạng xe buýt chạy ẩu, đường "ổ voi" gây nguy hiểm cho người đi. Nguyễn Duy Nguyên - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Cư Trinh (quận 2) - cho rằng xe buýt chạy rất ẩu, gây mất an toàn cho hành khách lẫn các phương tiện giao thông khác. Trương Tấn Phát - học sinh lớp 7 Trường THCS Hoàng Quốc Việt (quận 7) - bày tỏ không hài lòng về phương tiện giao thông công cộng: "Tuyến xe buýt số 20 chạy từ Bến Thành - Nhà Bè quá cũ. Nhìn xe, tụi con không dám đi vì sợ xảy ra chuyện gì không hay". Việt đề nghị sớm thay thế bằng những xe buýt mới, an toàn hơn.
Cũng liên quan đến giao thông, Như Ngọc Huỳnh Như - học sinh lớp 4, quận 12 - cho hay gần Công viên Phần mềm Quang Trung có một con đường dài nhưng không được trang bị đèn đầy đủ dù rất đông học sinh, sinh viên, người dân thường xuyên qua lại. Chỉ rõ là đường Đông Bắc (khu phố 1, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12), cô học trò này nói: "Đường rất nhiều ổ gà, dằn xóc lại có đá, hố nước rất dễ té. Từ 18 giờ đường rất tối, rất nguy hiểm nhưng không có đèn, đoạn có đèn thì không bật. Bạn con và mẹ bạn ấy từng bị té rất nhiều lần. Con đề xuất các cô quan tâm cải thiện đường này". Còn Huỳnh Thị Kim Tuyết - học sinh 6A10, huyện Nhà Bè - cảnh báo tình trạng một số cầu ở địa bàn này có nguy cơ sập như cầu Long Kiểng vừa qua. Cụ thể là cầu Rạch Tôm, Rạch Dưa... Tuyết đề nghị có phương án cải tạo để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Trước quá nhiều bất an đến từ cơ sở hạ tầng giao thông được các em đặt ra, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bùi Xuân Cường cho biết ngành sẽ rà soát, kiểm tra, vấn đề nào khắc phục được thì sẽ tiến hành ngay. Theo ông Cường, trong những năm gần đây, TP đã thay mới rất nhiều xe buýt và sẽ tiếp tục trong năm 2018 để tăng chất lượng phục vụ. Đối với đường Đông Bắc, ông Cường thông tin đang vướng về pháp lý. Trong thời gian chờ gỡ điểm vướng này, Sở GTVT TP sẽ phối hợp quận 12 duy tu và lắp đèn trước. Về những cầu có nguy cơ sập ở khu vực Nhà Bè, giám đốc Sở GTVT TP cho hay TP đã có quyết định đầu tư 2.000 tỉ đồng cho 4 cầu ở đây nhưng do việc giải phóng mặt bằng khó khăn nên chưa thực hiện được.
Đừng tạo áp lực
Chuyện bị bắt học nhiều cũng được các em bày tỏ với lãnh đạo TP. Em Trần Văn Kiệt - học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) - nói nhiều phụ huynh đi làm từ sáng tới tối không có thời gian trò chuyện cùng con.
"Với một học sinh cuối cấp, áp lực cũng là điều cần thiết để các em cố gắng nhưng nhiều phụ huynh thiếu chia sẻ, gây áp lực quá khiến con cái rất căng thẳng" - Kiệt bày tỏ và hy vọng nhà trường có thể trao đổi riêng với phụ huynh, đừng tạo thêm áp lực cho con cái. Đây cũng là mong muốn của em Dương Ngọc Quỳnh Như - học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12). Ở khía cạnh khác, Đoàn Lê Sơn, học sinh lớp 9 Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) - trăn trở nhiều bạn học lớp 8-9 nhưng không biết quét nhà, lau nhà, nấu cơm… Sơn mong các bạn không chỉ học giỏi mà còn biết tự lập. Sơn đề nghị đưa tiết học kỹ năng sống vào chương trình học chính khóa.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng chia sẻ rằng ông đã chứng kiến những gia đình đi ăn sáng, thay vì nói chuyện trao đổi với nhau thì mạnh ai nấy "quẹt" điện thoại. Ông mong thiếu nhi TP dành thời gian tham gia hoạt động xã hội, không chỉ biết học mà phải biết kỹ năng và có kỹ năng sống tốt, nhất là trong điều kiện ngày càng hội nhập như hiện nay. Do đó, ông đề nghị các em hết sức quan tâm đến các môn học về xã hội, văn hóa, đặc biệt là môn lịch sử. Theo ông, các nhà quản lý giỏi, lãnh đạo tài ba đều có kiến thức rất sâu về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Nên chú trọng các môn toán, Anh văn, công nghệ thông tin là đúng nhưng đừng quên nền tảng căn bản tác động rất lớn đến phát triển con người là các môn xã hội nhân văn.
Chủ tịch UBND TP đánh giá ý kiến của các em rất hay, rất sát thực tế. "Tuy nhỏ mà ý rất lớn. Tôi đánh giá rất cao, đều là ý toàn diện các lĩnh vực" - ông Phong nói.
"Đặt hàng" thiếu nhi
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã "đặt hàng" ngược lại cho thiếu nhi nhiều vấn đề cần chung tay thực hiện. Thứ nhất là tham gia an toàn giao thông bằng các hành động cụ thể như tuân thủ pháp luật về giao thông, làm tuyên truyền viên cho chính những người thân trong gia đình. Thứ hai là cùng lãnh đạo TP thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Thứ ba là mặc dù TP đang xây dựng TP thông minh, người dân sử dụng các thiết bị điện tử thông minh ngày càng phổ biến nhưng học sinh không nên quá lệ thuộc vào thiết bị mà cần tăng cường văn hóa đọc, dành thời gian quan tâm người thân, bạn bè.
Lắng nghe con trẻ nhiều hơn cũng là điều mà Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân gửi gắm. Theo ông, học các môn chính rất cần nhưng không phải là tất cả. Học sinh cần có nền tảng xã hội tốt. Học làm người, học làm nghề. Học để có khả năng sáng tạo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bình luận (0)