Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên của chúng ta được áp dụng từ năm 2007 theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg (Quyết định 157) của Thủ tướng Chính phủ. Mức cho vay liên tục tăng từ mức 800.000 đồng cho đến nay là 4 triệu đồng/người/tháng. Từ nguồn vốn vay này đã có hàng vạn sinh viên được vay vốn học tập và qua chừng ấy năm đã có nhiều thế hệ sinh viên ra trường, làm việc và đóng góp không nhỏ cho xã hội. Nguồn vốn này rất cần thiết và mang lại lợi ích rất lớn cho từng cá nhân và gián tiếp là xã hội nên các chính sách liên quan luôn được cải tiến để nó mang lại tác dụng ngày càng lớn.
Đến nay chúng ta có hàng chục ngân hàng tham gia tín dụng học tập. Lớn nhất vẫn là Ngân hàng Chính sách Xã hội (VBSP), cho đến nay dư nợ các khoản vay này là gần 10.500 tỉ đồng với khoảng 45.000 sinh viên được thụ hưởng. Trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, Chính phủ giao VBSP triển khai các chính sách cho vay ưu đãi, trong đó tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỉ đồng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định 157.
Vay học tập là khoản nợ rất đặc biệt. Khoản nợ này được đầu tư cho tương lai mà món hàng là kiến thức và được trả ở tương lai. Nó không phải là hỗ trợ nên không cần thương cảm; không phải là tiêu dùng nên không cần phải sòng phẳng và cũng không phải là kinh doanh nên càng không nên đặt nặng lời lãi. Giá trị của nó nằm ở những con người đóng góp cho xã hội trong thời kỳ kế tiếp nên phải được nhìn nhận như là trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng lao động tương lai.
Chính sách kinh tế - xã hội như thế nào thì sẽ cần lực lượng lao động tương ứng. Sinh viên đại học là nguồn lực quan trọng trong cơ cấu lao động này. Nhiều ngành không chỉ được ưu tiên đào tạo, tổ chức cho vay vốn mà thậm chí phải miễn học phí, tạo điều kiện học tập tối đa thu hút người học để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Trở lại câu chuyện hợp tác giữa UBND TP HCM và Đại học Quốc gia TP HCM, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh rằng quy mô nguồn vốn tín dụng học tập phải lớn hơn, thủ tục đơn giản hơn và chấp nhận bù rủi ro. Điều này sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho sinh viên trong hành trình xây dựng ước mơ. Mà sinh viên thuộc diện khó khăn của nước ta còn nhiều, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Họ cần được tiếp cận nguồn vốn này thuận lợi nhất để sớm an tâm đến giảng đường.
Cởi mở cho vay vốn chỉ là một bước đơn giản của chính sách đầu tư học tập. Và đầu tư kiến thức cho nguồn nhân lực luôn được ưu tiên cao nhất của mọi nhà quản lý có tầm nhìn để xây dựng được các chính sách phát triển quốc gia.
Một số nước có đủ tích lũy tư bản đã miễn phí hoàn toàn cho sinh viên bậc đại học, như: Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Phần Lan… Họ không lo ngại sinh viên ra trường sẽ đi nước khác làm việc hoặc tham gia các công ty tư nhân. Họ tự tin vào môi trường lao động của mình và đặt câu chuyện học tập là đóng góp chung cho xã hội.
Bình luận (0)