Sáng 25-7, chúng tôi có mặt tại tỉnh Attapeu sau chuyến xe đường dài xuyên đêm từ TP HCM đến cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) rồi từ đây tiếp tục di chuyển bằng xe khách, xe máy. Lúc này, hàng trăm người và phương tiện cứu hộ cũng hối hả hướng về huyện Sanamxay để trợ giúp khẩn cấp cho người dân bỗng dưng mất nhà cửa, người thân bởi dòng nước dữ.
Đường đi khó không cản được tình người
Một người dân địa phương cho chúng tôi mượn xe máy đã khuyên chúng tôi cân nhắc bởi trời đang mưa mà đường vào các bản của huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu rất khó đi.
Chị Vy Thị Thoa nằm điều trị tại bệnh viện huyện Sanamxay Ảnh: LÊ PHONG
Con đường duy nhất vào huyện Sanamxay sau những trận mưa như trút nước và dòng nước lũ tràn qua đã xuất hiện chi chít ổ gà, ổ voi. Suốt quãng đường hơn 40 km từ tỉnh lỵ đến trung tâm huyện Sanamxay đầy bùn lầy, trơn trượt. Nhiều phương tiện phải nhích từng chút một. Khó khăn hơn khi một cây cầu đang thi công bị dòng nước cuốn trôi. Chỉ có ôtô, xe tải nhỏ, xe máy mới có thể đi qua bằng một cái phao tạm.
Phóng viên Báo Người Lao Động vượt qua đoạn đường bị chia cắt ở Attapeu - Lào Ảnh: GIANG NAM
Xe máy chạy với tốc độ 10 km/giờ, vượt qua bùn lầy đưa chúng tôi đến trung tâm huyện khi trời đã về chiều. Nước đã rút đi nhưng nhiều nơi trong huyện vẫn còn bị cô lập. Một quan chức của huyện xác nhận đã có gần 3.000 người được đưa từ vùng bị nạn đến nơi an toàn. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể cung cấp thức ăn, nước uống, chăn màn để người dân sống tạm trong các trường học.
Anh Nukhon Buavongsay (49 tuổi, ngụ huyện Sanamxay) cho biết 2 ngày nay, cả huyện như chết đứng khi tai họa đến quá nhanh, trở tay không kịp. Đây là lần đầu tiên trong đời anh Nukhon Buavongsay chứng kiến một thảm họa khủng khiếp đến vậy.
"Giờ hàng ngàn người mất hết tài sản, chưa biết người thân sống chết ra sao. Họ thật sự khủng hoảng về tinh thần. Mất mát này quá lớn, chắc phải nhiều năm sau mới khắc phục được" - anh Nukhon nói.
Anh Trần Đình Thông nhiều năm làm việc và sinh sống tại tỉnh Attapeu đã cùng bạn bè lập đoàn phát 300 thùng mì cùng 100 thùng nước suối cho bà con bị nạn. Trước đó, anh kêu gọi anh em ủng hộ để nhanh chóng giúp bà con có cái ăn, nước uống. Việc chuyển hàng cứu trợ vào gặp nhiều khó khăn nhưng đoàn của anh đã mang toàn bộ hàng hóa đến với người dân Lào.
Không tin mình sống sót
Tại bệnh viện huyện Sanamxay, chúng tôi gặp gần 100 người đang nằm điều trị từ giường bệnh xuống sàn nhà, trong số này có không ít người Việt Nam.
Tại khu hồi sức, chị Vy Thị Thoa (37 tuổi, quê Thanh Hóa) đang truyền nước biển. Chị cùng chồng và con gái 7 tuổi qua Lào sống được 5 năm bằng công việc buôn bán tạp hóa. Vẫn còn vẻ hoảng hốt, chị kể về khoảnh khắc nước lũ nhấn chìm căn nhà.
Đêm 23-7, chị và chồng con chuẩn bị trải chiếu đi ngủ thì nghe tiếng động lớn. Sau đó, nước từ phía sườn núi cuồn cuộn đổ tới. Chỉ vài phút sau, nước dâng cao hơn 10 m. Căn nhà của chị chìm nghỉm trong nước lũ. Trong lúc hoảng loạn, chị chỉ kịp trổ mái nhà cho từng người trèo lên trên nóc ngồi.
Đến 0 giờ, nước vẫn không ngừng chảy xiết. Chị Thoa chỉ biết ôm con và la thật to với hy vọng ai đi ngang qua nghe thấy. Thế mà đến sáng hôm sau, kêu khản cả tiếng, xung quanh chỉ bốn bề mênh mông nước.
"Trước đó vài giờ, tôi nhận được cuộc gọi thông báo sẽ xả lũ nhưng nghĩ bụng nước sẽ không cao vì mọi khi nếu có sự cố nghiêm trọng sẽ di dời dân đi nơi khác. Vì chủ quan mà gia đình tôi suýt mất mạng" - chị Vy nói.
Đến 10 giờ, tình cờ một người dân trong làng chèo xuồng ngang qua, bắt gặp chị và người thân đang ôm gối nằm gục nên kịp ứng cứu. Lúc này, chị đã ngất xỉu vì quá lạnh và đói.
Mấy ngày nay, cả nhà chị nằm viện nên chưa thể liên lạc với người thân để thông báo tình hình. "Bố mẹ ở quê đừng lo lắng cho con. Hiện con đang điều trị vì quá mệt thôi chứ sức khỏe vẫn tốt. Gia đình không ai mất mạng" - chị Vy nhắn nhủ thông qua Báo Người Lao Động.
Trong khi đó, tại một điểm tập kết cho người dân bị ảnh hưởng, chúng tôi bắt gặp ông Kamnakit (42 tuổi) liên tục ngất xỉu. Nước lũ đã khiến ông mất liên lạc với 5 thành viên trong nhà, trong đó có cả đứa con gái chỉ 3 tuổi. "Nếu không còn ai sống trở về thì tôi cũng chẳng muốn sống làm gì. Đêm đó thật khủng khiếp vì đứa con gái đã bị nước cuốn khỏi cánh tay tôi" - ông Kamnakit vừa nói vừa khóc.
Ông Võ Đại Khóa, Chủ tịch Hội Việt kiều tại tỉnh Attapeu, cho hay ngay sau khi xảy ra sự cố, hội đã triển khai ngay các phương án ứng cứu người bị nạn, không phân biệt người Lào hay người Việt.
"Đến 25-7, chúng tôi chưa nhận được tin người Việt nào chết hay mất tích, chỉ thiệt hại nặng về tài sản. Nhiều gia đình người Việt bị nước cuốn trôi nhà cửa. Hội đang tìm mọi cách giúp đỡ những người Việt bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống" - ông Khóa nói.
Bộ Quốc phòng hỗ trợ Lào khắc phục hậu quả
Theo báo cáo từ Văn phòng Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tính đến chiều 25-7, Bộ Quốc phòng đã điều động 140 cán bộ, chiến sĩ thuộc Binh đoàn 15 và Đoàn kinh tế Quốc phòng 206 sang Lào tham gia khắc phục hậu quả. Ngoài ra, 750 chiến sĩ cùng các trang thiết bị, phương tiện, 9 tấn lương khô, lực lượng quân y… cũng đã sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn tại Lào khi có lệnh.
Bình luận (0)