Dự án đường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong 3 thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, được đầu tư theo hình thức PPP. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, do Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện liên danh nhà đầu tư.
Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã thu xếp đủ nguồn vốn để triển khai thi công
Mặc dù là dự án ký hợp đồng BOT cuối cùng nhưng đã thu xếp đủ nguồn vốn bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác để triển khai thi công, trong khi 2 dự án khác đang lâm vào nguy cơ "tắc" vốn tín dụng.
Ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho biết liên danh nhà đầu tư đã góp hơn 731 tỉ đồng phần vốn chủ sở hữu vào dự án, vượt tiến độ khoảng 200% theo quy định của hợp đồng BOT. Về nguồn vốn huy động khác, thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), nhà đầu tư đã chủ động huy động hơn 2.000 tỉ đồng. Đồng thời, ngày 10-11 vừa qua, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã ký thông báo phê duyệt cấp vốn tín dụng cho dự án với hạn mức 1.700 tỉ đồng.
Được biết, dự án này được Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư ký kết hợp đồng BOT ngày 31-7-2021. Trong quá trình đàm phán hợp đồng BOT, Tập đoàn Đèo Cả đã đề cập đến các nội dung liên quan đến tài chính như quy chế, cơ chế giải quyết nguồn vốn nhà nước, việc điều chỉnh bổ sung các hạng mục mà không do lỗi của nhà đầu tư và cơ chế chia sẻ rủi ro theo quy định của Luật PPP. Đây đều là những bài học "xương máu" được đúc kết qua quá trình thực hiện các dự án lớn và khó như Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận…
Thời gian qua, dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực của các địa phương nơi dự án đi qua và nỗ lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đến nay, Ban điều hành dự án đã huy động hơn 1.000 cán bộ, công nhân và hơn 300 máy móc, thiết bị để phục vụ công tác thi công.
Theo thông tin của Ban điều hành dự án, hiện vẫn còn khoảng 2,2km trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chưa bàn giao mặt bằng và gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến vị trí làm bãi thải, nguồn vật liệu để thi công.
Ban điều hành dự án đã làm việc với địa phương và lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung xử lý, tháo gỡ các kiến nghị liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Ninh Thuận, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà đầu tư thực hiện.
Bình luận (0)