Thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, các quận - huyện ở TP HCM đang triển khai quyết liệt việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Diễn biến phức tạp
Theo Sở Xây dựng TP HCM, từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019, có 6.825 công trình vi phạm. Trong đó, có 4.252 công trình được cấp phép xây dựng và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp phép xây dựng, với hành vi phổ biến là xây dựng vi phạm chỉ giới xây dựng, xây dựng trên khoảng lùi công trình, xây dựng lấp ô thông tầng; công trình đã hoàn công nhưng lại tiếp tục xây dựng không phép. Có 2.573 công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng, với hành vi phổ biến là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được cấp phép xây dựng... Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành 1.156 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền và trình Chủ tịch UBND TP ban hành 185 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Kiểm tra một dự án xây dựng không phép ở xã Xuân Thới thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM Ảnh: LÊ PHONG
Cũng theo Sở Xây dựng TP, tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng (xây dựng không phép, sai phép) vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như quận 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được đánh giá là do pháp luật chưa đủ chế tài để xử lý các vi phạm xây dựng. Điển hình, Nghị định 139/2013/NĐ của Chính phủ không quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm nhà ở riêng lẻ (không phép, sai phép) ở khu vực nông thôn dẫn đến khó khăn trong việc xử lý. Một số công ty kinh doanh bất động sản lợi dụng nhu cầu nhà ở của người dân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp để kinh doanh. Về phía nhà nước, một số địa phương buông lỏng quản lý, đánh giá chưa đúng thực trạng, chưa phân tích, dự báo tình hình dẫn đến phát sinh các trường hợp vi phạm. Công tác phối hợp giữa địa phương và lực lượng thanh tra xây dựng còn bất cập, chồng chéo…
Xử lý, kỷ luật cán bộ
Trước diễn biến phức tạp trong hoạt động xây dựng, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã ban hành Chỉ thị 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Quán triệt Chỉ thị 23-CT/TU, các quận ủy, huyện ủy đã nhanh chóng tổ chức hội nghị triển khai thực hiện với nhiều giải pháp.
Tại quận 12, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận 12, nhấn mạnh ngoài việc công khai quy hoạch, thông tin thời gian thực hiện quy hoạch các công trình giao thông, công viên cây xanh, công trình công cộng…, quận sẽ xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự trường hợp buông lỏng quản lý, có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm trật tự xây dựng. Đặc biệt, quy trách nhiệm cao nhất cho người đứng đầu các cơ quan liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn nếu để xảy ra các sai phạm.
Tại quận Bình Tân, ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận, cho biết quận sẽ tập trung tăng cường và bố trí cán bộ có uy tín, có trách nhiệm đến các điểm "nóng" về xây dựng; kiên quyết xử lý, kỷ luật, thậm chí đuổi việc hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, xem xét xử lý hình sự những cán bộ tiêu cực, thiếu trách nhiệm để công trình không phép, sai phép phát sinh, tồn tại kéo dài.
Cũng xác định phải xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu khẳng định trong thời gian tới, mỗi đảng viên trên địa bàn huyện cam kết không vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch và xây dựng. Bí thư, chủ tịch UBND các xã, thị trấn cam kết về việc lập lại trật tự xây dựng trước tháng 4-2020, nếu không cam kết thì cấp ủy bố trí công tác khác. Xã, thị trấn để xảy ra xây dựng trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức Đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch vững mạnh, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Các nơi khác như huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 3, quận 4, quận 7, quận 10, quận 11… cũng đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Phát biểu tại hội nghị mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tình trạng vi phạm; đồng thời, tổ chức cưỡng chế ngay những công trình vi phạm xây dựng không phép, trái phép. Cán bộ, công chức nào làm sai sẽ bị xử lý về mặt chính quyền, về mặt Đảng. Ngoài ra, nếu tình trạng xây dựng trái phép còn tiếp diễn, người đứng đầu địa phương và các sở, ngành phải chịu trách nhiệm. Trong thời gian tới, cần sắp xếp lại lực lượng tham gia giám sát, xử lý vi phạm xây dựng để có một lực lượng đủ mạnh; phối hợp các lực lượng để phản ứng kịp thời trước những vi phạm về trật tự xây dựng ngày càng tinh vi của các đối tượng vi phạm...
Bình luận (0)