xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tuyển dụng không minh bạch, người tài thua thiệt

Văn Duẩn

Cần loại bỏ các cuộc thi tuyển công chức, viên chức mang tính hình thức, trái luật, chấm dứt tình trạng dấm dúi "con ông cháu cha" vào bộ máy hành chính

K hông ai phủ nhận về sự cần thiết của các kỳ thi tuyển công chức, viên chức nhưng làm sao để các kỳ thi đó thật sự công bằng, minh bạch và tạo cơ hội cho những người thực sự có tài vào làm việc ở các cơ quan nhà nước, là điều dư luận đang mong chờ.

Hàng loạt sai phạm

Thanh tra Bộ Nội vụ vừa công bố kết luận thanh tra về quản lý biên chế công chức, tuyển dụng công chức, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý, số lượng cấp phó... trong các cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2014-2016.

Theo đó, tỉnh Tiền Giang cơ bản thực hiện theo quy định pháp luật, tuyển dụng được 152 công chức (65 trường hợp qua thi tuyển; 87 trường hợp tiếp nhận không qua thi tuyển). Đối với tuyển dụng qua thi tuyển, nội dung thi tuyển, câu hỏi môn thi viết chuyên ngành không có nội dung, kiến thức về các lĩnh vực chuyên ngành; một số đề thi chuyên ngành của khối thi khác nhau lại giống nhau.

Tuyển dụng không minh bạch, người tài thua thiệt - Ảnh 1.

Một ứng viên tham dự kỳ thi tuyển ở Ban Tổ chức trung ương Ảnh: TẠP CHÍ XÂY DỰNG ĐẢNG

Về việc tuyển dụng không qua thi tuyển, Thanh tra Bộ Nội vụ nêu rõ UBND tỉnh Tiền Giang tiếp nhận 13 trường hợp có trình độ thạc sĩ không đúng đối tượng quy định tại điều 19 Nghị định 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Các trường hợp tuyển dụng không qua thi tuyển, tỉnh Tiền Giang cũng không có văn bản gửi xin ý kiến Bộ Nội vụ trước khi ban hành quyết định tuyển dụng; 6/13 trường hợp được tuyển dụng khi chưa đủ 5 năm có trình độ đại học là thực hiện không đúng quy định trong Thông tư 13 của Bộ Nội vụ. Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang rà soát những trường hợp đã được tuyển dụng không qua thi tuyển; hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định.

Còn tại tỉnh Gia Lai, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng kết luận có 6 trường hợp không có văn bản xin ý kiến của Bộ Nội vụ trước khi quyết định tuyển dụng; 3 trường hợp được tiếp nhận không qua thi chưa đủ 5 năm có trình độ đại học; 1 trường hợp tuyển dụng theo chế độ cử tuyển nhưng không thực hiện quy trình xét tuyển; 13 trường hợp tuyển dụng theo chính sách thu hút của tỉnh không đúng đối tượng theo quy định. Và mới đây, qua xác minh bước đầu của Báo Người Lao Động, nhiều người trong số 13 trường hợp trên là con, cháu lãnh đạo tỉnh, các sở - ngành...

Thanh tra Bộ Nội vụ đã kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai rà soát những trường hợp đã được tuyển dụng không qua thi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định về tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt và xét tuyển đối tượng cử tuyển. Đồng thời chấm dứt sử dụng 171 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Còn chỗ đâu cho người có tài!

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng muốn đất nước phát triển, khâu quan trọng là trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, công tác cán bộ đang có vấn đề báo động.

"Đó là hiện tượng cả họ làm quan, bổ nhiệm thân hữu. Gần đây, tôi nghe câu "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ", như vậy không còn chỗ cho... trí tuệ. Đầu tiên là con cháu họ hàng, sau có tiền, sau nữa là gửi gắm, trao đổi thì làm gì có chỗ cho người tài" - ĐBQH Lê Thanh Vân nói. Ông Vân cũng dẫn chứng thêm "thậm chí có trường hợp giám đốc bệnh viện ở Đồng Tháp bổ nhiệm con trai bị động kinh làm phó khoa".

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, cho rằng muốn ngăn chặn được tình trạng thi tuyển hình thức, "chạy việc" hay nhét "con ông cháu cha" vào bộ máy công quyền thì trước tiên, Bộ Nội vụ cần phải ban hành được quy trình thi tuyển, tuyển dụng thật chặt chẽ, cụ thể, chuẩn xác để các bộ - ngành, địa phương căn cứ để thực hiện; tiếp đến là phải tăng cường công tác thanh tra.

"Đã ban hành quy định rồi nhưng phải thanh - kiểm tra, giám sát để ai làm sai xử lý ngay, xử lý nghiêm chứ không phải "giơ cao đánh khẽ". Đồng thời phải công khai thông tin vi phạm trên báo chí để răn đe, chứ nếu cứ thanh tra, xử lý mà không công khai thì hiệu quả cũng thấp" - ông Cuông nhấn mạnh.

Hiện nay, tình trạng "nhồi nhét" con, cháu, người thân, quen vào cơ quan nhà nước làm việc là khá phổ biến. Ngoài ra, tình trạng "chạy việc" cũng xảy ra rất nhiều mà dư luận đã lên tiếng từ rất lâu. Tuy nhiên trên thực tế, số vụ việc được phát hiện, xử lý còn rất ít, chỉ như phần nổi của tảng băng mà thôi.

Theo ông Lê Văn Cuông, phải có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, vì vấn nạn này liên quan đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Nếu không, những người có tài, có đức nhưng không có người thân quen làm quan to hoặc không có tiền để "chạy việc" thì lại bị loại ra ngoài bộ máy. Còn nhiều người chỉ học hành làng nhàng, kém năng lực nhưng có người thân làm to hay có tiền thì lại được vào biên chế. 

"Nếu không ngăn chặn kịp thời tình trạng đưa người nhà quan chức vào bộ máy nhà nước sẽ gây hậu họa rất lớn. Trong bộ máy công quyền sẽ có những cán bộ yếu kém cả về năng lực lẫn đạo đức, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó".

Ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu Quốc hội

BÙI THỊ AN (Hà Nội), nguyên ĐBQH:

Đầu vào không "sạch" không thể có cán bộ tốt

Phải bắt đầu ngay từ người tổ chức tuyển dụng, tức là từ ông thủ trưởng đơn vị. Người ta có cần lấy người tốt, người làm được việc thực sự hay không. Công tác cán bộ là công tác quan trọng nhất. Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng "chỉ tuyển người tài", do đó phải đặc biệt chú trọng công tác tuyển chọn "đầu vào". Đầu vào mà không "sạch" thì không thể có cán bộ tốt.

Hiện nay, tình trạng "con ông cháu cha" được tuyển dụng không minh bạch hay tình trạng bổ nhiệm người nhà xảy ra nhiều, mà dư luận, báo chí đã nêu. Và dường như nơi nào vi phạm cũng đều giải thích là làm "đúng quy trình". Nhưng quy trình đúng là phải cho ra sản phẩm tốt - tức là trong tuyển dụng, bổ nhiệm phải chọn được những người tài, xứng đáng. Còn cứ bảo đúng quy trình mà cho ra sản phẩm không tốt thì phải xem lại cái quy trình ấy bởi nó không ổn.

Đảng, nhà nước, nhân dân giao cho anh nhiệm vụ thay mặt đứng đầu quản lý đơn vị, địa phương chứ đó không phải của riêng gia đình, họ hàng nhà anh, để anh có thể ban phát hay gửi gắm công việc. Chính vì phải "chạy" vị trí làm việc nên khi được vào làm thì những cá nhân này tìm mọi cách để lấy lại "thu hồi vốn". Muốn "thu hồi vốn" thì bằng cách nào? Thu hồi từ cấp trên thì chắc chắn không bao giờ có. Vậy thì chỉ có thể thu hồi từ dân, những người mà công việc phải cần đến họ thông qua các thủ tục hành chính.

Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

"Bảo kê" người thân vào bộ máy công chức

Để chọn được người tài vào bộ máy hành chính nhà nước thì cần phải ngăn chặn có hiệu quả những vụ việc thi tuyển hoặc tuyển dụng công chức không minh bạch, sai quy trình, đặc biệt là tránh tình trạng tuyển dụng mang tính chất "nội bộ, bí hiểm, mất dân chủ". Hệ lụy của việc này là sẽ có tình trạng "con ông nọ, cháu bà kia" vào được biên chế nhưng con của những người khác thì không vào được.

Nếu cứ tuyển dụng theo kiểu con anh kém một tí cũng trúng tuyển thì con tôi cũng thế… và nó sẽ tạo thành một hội chứng "bảo kê" cho nhau để đưa người thân vào bộ máy. Và như thế thì chất lượng cán bộ đi xuống là tất yếu. Do đó phải làm theo đúng quy trình. Thực tế cho thấy quy trình không có lỗi, chỉ có con người có lỗi là làm không đúng.

Ông HOÀNG TẤN HÙNG, giám đốc tài chính một doanh nghiệp bất động sản:

Bất bình đẳng trong tuyển dụng

Tình trạng thi tuyển công chức không minh bạch, dễ nảy sinh tiêu cực và hệ quả là tuyển dụng phải những cán bộ kém về phẩm chất đạo đức cũng như năng lực vào bộ máy nhà nước.

Ngoài ra, tình trạng nhét "con ông cháu cha" cũng như "chạy việc" vào các cơ quan nhà nước có thể gây ra tình trạng bất bình đẳng trong tuyển dụng, gây thiệt thòi cho con em nhiều gia đình nghèo cũng như không có mối quan hệ.

Việc thi tuyển công chức, viên chức phải thực chất, minh bạch, công khai, công bằng để chọn người tài, nếu không,việc tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển hay không qua thi tuyển cũng chỉ là hình thức "sắp đặt", hợp thức hóa mà thôi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo