Trong báo cáo thẩm định quy hoạch cảng hàng không trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cơ quan tham mưu quy hoạch là Cục Hàng không Việt Nam đề nghị giữ nguyên số lượng 28 sân bay trên toàn quốc đến năm 2030; đến năm 2050 chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng.
Lý do không chấp thuận đề xuất của các địa phương nói trên, cơ quan tham mưu và các đơn vị tư vấn cho biết đối chiếu theo 6 tiêu chí chính và 22 tiêu chí chi tiết thì Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh không đáp ứng được.
6 tiêu chí đó là dự báo nhu cầu sản lượng hành khách, vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, khẩn nguy cứu trợ, điều kiện tự nhiên và tiếp cận đường bộ với trung tâm đô thị. Nói chung là phải đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, trong khi các địa phương nói trên chưa chứng minh được điều này. Thực tế, phần lớn trong 22 cảng hàng không trên cả nước đang thua lỗ thì việc mở thêm phi trường là vô lý.
Ngành GTVT tính toán: giai đoạn 2020-2030, vận tải hành khách hàng không dự kiến tăng trưởng 7,5% - 8%, vận tải hàng hóa đạt 8,4% - 9,7%, như vậy đến năm 2030, chỉ quy hoạch 26 sân bay là phù hợp, giảm 2 sân bay so với quy hoạch hiện nay là Nà Sản (tỉnh Sơn La) và Lai Châu.
Công bằng mà nói, tỉnh nào cũng có lý để giải thích vì sao muốn xây sân bay. Nhưng cái lý đó chỉ phù hợp với riêng địa phương, còn đối với cả vùng/ khu vực kinh tế hay tổng thể toàn quốc thì không thuyết phục, nói rõ hơn là thừa và lãng phí. Chẳng hạn, sân bay Vinh (tỉnh Nghệ An) trước nay lượng khách ít, cán cân tài chính chưa đạt tới ngưỡng hòa vốn, nếu có thêm sân bay Hà Tĩnh thì sẽ bị "chia sẻ" hành khách, dẫn tới cả hai cùng lỗ. Nhìn rộng ra nhiều trường hợp khác thì sẽ thấy hại nhiều hơn lợi. Khi "nhà nhà sân bay, người người sân bay" thì cung sẽ vượt xa cầu và tất cả sẽ trì kéo nhau, cùng chậm phát triển.
Bài học mỗi tỉnh một nhà máy đường và mỗi tỉnh một cảng biển đã thất bại, nay vẫn còn đó dư vị đắng chát. Cuộc chạy đua ưu đãi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) nhiều năm qua cũng đã bộc lộ nhiều mặt trái. Từ đó, cho thấy nếu còn tâm lý hơn - thua, người ta có mình cũng phải có thì sẽ còn tình trạng "nhắm mắt mà làm", gây hao tổn, lãng phí nguồn lực. Cho nên, để ngăn "bội thực" sân bay, việc Cục Hàng không Việt Nam tuýt còi là rất cần thiết.
Mà chẳng riêng lĩnh vực hàng không, rất cần tiếng còi khách quan như vậy cho nhiều lĩnh vực khác.
Bình luận (0)