xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

U Minh Hạ phập phồng trong "chảo lửa"

Bài và ảnh: DUY NHÂN

Chỉ cần một tàn thuốc lá hay một tia sét thôi cũng đủ gây thảm họa khôn lường cho Vườn Quốc gia U Minh Hạ

Những cơn mưa "vàng" xuất hiện nhiều nơi ở miền Tây mấy ngày qua nhưng lại lảng tránh khu vực rừng U Minh Hạ đang nóng như chảo rang. Hiện nay, toàn bộ 8.500 ha rừng tràm ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ được đặt trong tình trạng báo động cháy cấp cao nhất. Từ sau vụ cháy rừng đầy ám ảnh năm 1995, chưa năm nào rừng U Minh Hạ lại đối mặt nguy cơ cháy cao như lúc này.

Rừng đang "nín thở"

Đứng trên đài quan sát cao gần 30 m, anh Ngô Văn Kháng, Phó Phòng Quản lý và Bảo vệ rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ, căng mắt qua kính viễn vọng lia bốn phía. Anh trầm ngâm: "Chưa bao giờ nắng khốc liệt như năm nay, dự báo hạn hán sẽ còn kéo dài. Mấy tháng nay căng thẳng quá, anh em chúng tôi chưa ngày nào được yên giấc. Có vất vả đến mấy cũng không sao, đừng phải ăn cơm với củ cải muối là được".

U Minh Hạ phập phồng trong chảo lửa - Ảnh 1.

Một kíp tuần tra xuyên rừng

Anh Kháng vừa dứt lời, cả không gian mênh mông giữa đại ngàn im phăng phắc như nín thở. Một mùa khô kỳ lạ, chỉ có nắng mà không có gió, dù chúng tôi đang ở độ cao gần 30 m.

Hướng tầm mắt về phía các cánh rừng xa tắp, tôi chỉ thấy mờ mịt những ngọn tràm đã mất màu xanh. Câu "ăn cơm với củ cải muối" theo anh Kháng giải thích là ký ức kinh hoàng từ vụ cháy rừng lịch sử xảy ra ở rừng U Minh Hạ cách đây 25 năm. Khi đó, anh em phải căng sức chữa cháy hàng tháng trời trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, phải ăn cơm với toàn củ cải muối.

Mùa khô năm nay ở U Minh Hạ kéo dài và khốc liệt gấp nhiều lần những năm trước. Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ Lê Thanh Dũng cho biết hiện đơn vị có 150 người túc trực 24/24 giờ để PCCC cháy rừng. Trong đó, cán bộ, viên chức vườn quốc gia là 78 người; lực lượng hợp đồng bên ngoài là 36 người. Những người này được bố trí ở 22 chốt canh rải rác trên toàn lâm phần.

U Minh Hạ phập phồng trong chảo lửa - Ảnh 2.

Cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia U Minh Hạ căng mắt quan sát từng phút, phòng có sự cố xảy ra

Chúng tôi luồn rừng trong đỉnh điểm khô hạn để vào chốt 23-96 đóng ở giữa ruột rừng tràm nguyên sinh, qua vài con kênh đã cạn khô. "Các tuyến kênh lớn còn giữ được chừng hơn 1 m nước, còn những kênh nhỏ hầu như đã cạn hết rồi. Nếu sự cố xảy ra thì rất căng" - chốt trưởng Phan Chí Cường lo âu.

Kíp tuần tra nhìn nhau ái ngại rồi đào kiểm tra mực nước dưới chân rừng khô khốc. Họ hì hục đào sâu gần nửa mét mà vẫn chưa thấy nước. U Minh Hạ vốn là rừng ngập. Bình thường, nước luôn ngấp nghé dưới chân rừng mà giờ đây cạn khô, không khác gì những cánh rừng ở miền Đông Nam Bộ. Bao quanh những gốc tràm cổ thụ là lớp thực bì và dớn khô trắng xác, giống như một ngọn đuốc khổng lồ.

"Chỉ cần một tàn thuốc lá hay một tia sét xẹt qua thì lớp thực bì này sẽ bốc lửa ngay tức khắc, cả thân tràm sẽ bùng lên như một ngọn đuốc" - anh Cường nói, như cố tránh nhắc tới từ cháy.

Giữ rừng như giữ sinh mạng

5 giờ sáng, tất cả những người giữ rừng bắt đầu vào ca trực mới. Các trưởng kíp trực leo lên đài quan sát, báo cáo bằng bộ đàm về trung tâm chỉ huy. Rồi mỗi người lót dạ bằng một gói mì ăn liền, phân công lực lượng tuần tra xuyên rừng ở địa bàn mình phụ trách trước 6 giờ.

Những người còn lại thay phiên trực đài quan sát, mỗi ca 2 giờ. Bữa ăn, giấc ngủ cũng hối hả, tạm bợ, tâm trí của hàng trăm con người dường như hướng về mục tiêu duy nhất là bảo vệ rừng trong cao điểm nắng hạn.

Chốt 23-96 cũng là chốt nằm sâu nhất giữa Vườn Quốc gia U Minh Hạ, vừa thành lập thêm bởi tình hình khô hạn diễn biến khó lường. Ở đây không điện, không nước, cách trụ sở vườn quốc gia gần 5 km. Lán trại được dựng lên từ cây tràm và mái che chắn bằng thiếc, nóng hầm hập như lò thiêu, 20 chốt khác trong rừng U Minh Hạ cũng vậy. Vài bình nước lọc ít ỏi chỉ đủ dành cho việc nấu ăn và uống. Các anh phải tắm bằng nước bơm từ dưới kênh cạn queo, nhiễm phèn đỏ tía.

"Nắng như thiêu cộng với tắm nước dớn, nước phèn nên anh em chúng tôi có nước da mà dân gian hay gọi là "đen như tràm cháy". Nhưng đã theo nghiệp này rồi thì dù gian khó đến đâu, miễn rừng được bình yên là anh em chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc" - vuốt mồ hôi trên mặt, anh Nguyễn Hoài Linh bày tỏ.

Anh Kháng cho biết tất cả anh em ở đây cùng chung tâm niệm coi rừng là sinh mạng của mình. Chỉ có thế mới trụ lại được trong mấy tháng mùa khô khốc liệt như năm nay. "Hầu hết anh em nhà ở xa, cách vài chục đến cả trăm cây số, nên một số người mấy tháng nay chưa về thăm nhà. Xin được phép về nhà thì cũng chỉ được buổi tối, sáng sớm phải trở lại rừng, không ai được bỏ ca trực" - anh Kháng nói.

Trên chốt canh duy nhất được xây dựng bằng bê-tông giữa rừng U Minh Hạ, anh Nguyễn Hoàng Quân, chuyên viên Phòng Tổ chức - Hành chính Vườn Quốc gia, cũng được huy động ra canh giữ. Cứ tầm 5 phút, anh lại đưa kính viễn vọng quan sát một lần. Một làn khói trắng mỏng manh ở phía ngoài lâm phần vườn quốc gia cũng không lọt khỏi tầm mắt.

Anh Quân giải thích: "Có khói, nhưng chỗ đó thuộc khu dân cư, ngoài phạm vi của vườn quốc gia nên không nguy hiểm. Nếu ngọn khói ấy nằm ở bên trong thì phải báo động cho anh em gần đó xử lý ngay. Trực ở đây, thèm điếu thuốc lá cũng ráng nhịn. Cao như vầy mà mấy ngày nay không có gió, nóng không chịu nổi".

Quy định của Ban Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ là cấm mắc võng vì sợ anh em nằm dễ ngủ quên; không được mang điện thoại vì sẽ không tập trung quan sát… Thấy gì bất thường là báo cáo ngay; ai không phát hiện mà xảy ra sự cố thì phải chịu trách nhiệm.

Là một trong những người canh rừng "nghiệp dư" - lực lượng mới hợp đồng, anh Trần Hoàng Thám ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời vẫn lạc quan khi nhận nhiệm vụ đầy gian nan. "Tôi mới vào rừng ở cùng anh em được khoảng hơn tháng nay. Cùng ăn, cùng ngủ với anh em cũng rất thoải mái. Mọi người đều hòa đồng, vui vẻ cùng nhau làm việc. Tôi dự định ở đến mùa mưa mới về nhà" - anh tâm sự.

Anh Thám đưa mắt về đám mây đen vừa kéo đến che mát một góc rừng. Nhiều người khác cũng nhìn theo đám mây ấy. Tôi thấy rõ trong mắt họ niềm đau đáu và khát khao một cơn mưa. Thế nhưng, chẳng ai tin sẽ có một đám mưa dội xuống khu rừng này. Đợt mưa trắng trời miền Tây vừa xảy ra chỉ quanh quẩn ngoài bìa rừng làm cho hàng trăm con người nơi đây phải thất vọng.

"Từ đầu mùa tới nay chỉ xuất hiện vài cơn mưa rào. Mà mưa rào thì không có tác dụng, thậm chí làm cho rừng nóng thêm. Đám mây này nếu thành mưa thì cùng lắm chỉ là một cơn mưa rào" - anh Kháng nói với vẻ thất vọng rồi bỏ vào trong lán trại ngồi uống ngụm trà nóng cho đỡ khát.

U Minh Hạ khắc khoải chờ đợi một cơn mưa như hàng trăm người đang ngày đêm canh giữ rừng. 

Dự báo đến giữa tháng 6 mới có mưa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa ở vùng ĐBSCL từ nay đến tháng 6 phổ biến ở mức thấp hơn cùng kỳ năm ngoái; từ tháng 7 đến tháng 9, lượng mưa tương đương trung bình nhiều năm. Thời điểm bắt đầu mùa mưa có thể vào giữa tháng 6, muộn hơn so với cùng kỳ năm 2019 và trung bình nhiều năm.

Dự báo trước tình hình khô hạn khốc liệt nên ngay từ đầu mùa khô 2019-2020, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã tiến hành đắp 97 cống, đập để giữ nước ngọt phục vụ PCCC rừng. Các chủ rừng chủ động phát quang hơn 753 km các tuyến giao thông đường bộ trong lâm phần nhằm tạo đường băng cản lửa; đồng thời khơi thông lòng kênh ở khu vực được giao khoán với tổng chiều dài hơn 277 km, thuận tiện hơn trong tuần tra, vận chuyển trang thiết bị chuyên dụng.

Theo ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cơ quan chức năng tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC rừng cho 29 tổ PCCC và 24 đơn vị chủ rừng cùng hàng trăm lực lượng bán chuyên trách. Toàn lâm phần U Minh Hạ luôn duy trì hơn 590 người luân phiên ứng trực PCCC rừng trên 107 chòi canh lửa và 74 tổ máy bơm. Trong trường hợp cần thiết có thể huy động lực lượng tham gia lên đến hơn 2.600 người.

"Tuy các điều kiện đều bất lợi so với mọi năm nhưng nhờ chủ động thực hiện tốt công tác PCCC rừng nên đến nay, lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo ở Cà Mau vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy vậy, các đơn vị chủ rừng không được lơ là, chủ quan; cần nghiêm cấm mọi hình thức đốt đồng" - ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh.

U Minh Hạ phập phồng trong chảo lửa - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo