Trong phân khúc hẹp này, nhiều năm qua, số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã nở rộ ở các đô thị lớn; riêng tại TP HCM, ngoài các công ty trên địa bàn đăng ký kinh doanh còn có các công ty từ ngoài Bắc vào. Thấy làm ăn được, các công ty thi nhau rao quảng cáo "không lấy phí khi chưa đòi được nợ", "giảm phí dịch vụ lên đến 5%", "đòi nợ chuyên nghiệp, bảo đảm thu hồi không mất một xu"... Cạnh tranh gay gắt dần, dịch vụ đòi nợ thuê trở nên biến tướng, làm trái quy định pháp luật.
Quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ cho phép các công ty trong lĩnh vực này được thực hiện các biện pháp thích hợp để thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan, xác định rõ các khoản nợ; thông báo việc đòi nợ và đề nghị khách nợ cung cấp thông tin, phối hợp hỗ trợ hoặc áp dụng các biện pháp thích hợp, phù hợp với luật pháp để khách nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ; nhận tài sản do khách nợ hoặc tổ chức, cá nhân khác liên quan giao để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách nợ... Nhưng thực tế thì không như vậy, các vụ việc và vụ án đã xảy ra có nguyên nhân từ hành vi của những người đi đòi nợ thuê cho thấy họ hiểu sai "quyền lực" của mình, tự làm thay cho tòa án lẫn cơ quan thi hành án ngay cả khi chưa hoặc không có bản án. Thay vì đàm phán, thương thuyết, họ trấn áp tinh thần, đe dọa bằng vũ lực, thậm chí sử dụng công cụ hỗ trợ để trấn áp, bắt giữ người, có trường hợp hành hung gây thương tích con nợ... Hành xử côn đồ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng lại đòi được tiền, họ xem đó là giải pháp hữu hiệu nên vận dụng tối đa, do đó thường xuyên gây mất an toàn xã hội. Trong khi đó, các cơ quan pháp luật không dễ theo dõi, xử lý. Bản thân doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này cũng không quản xuể nhân viên của mình. Đó là chưa nói nhiều doanh nghiệp cố tình tuyển "dân anh chị" vào làm nhân viên đòi nợ.
Sự biến tướng của dịch vụ này, suy cho cùng, là do bên đi đòi nợ thuê coi trời bằng vung, khinh nhờn luật pháp. Và, ẩn nấp sau đó là những đường dây cho vay lãi nặng. Một xã hội thượng tôn pháp luật không thể để tồn tại những hiện trạng vô lối như vậy, nhất là khi nhiều bộ - ngành, địa phương và các tổ chức tín dụng đang quyết liệt vào cuộc, chung tay tuyên chiến tín dụng "đen".
Trước tình hình đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn tất dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, theo đó đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành, nghề bị cấm. Đây cũng chính là đề xuất của TP HCM từ năm 2018 gửi các bộ hữu quan.
Khi cấm, ắt sẽ có tiếng bấc tiếng chì, đồng thời không ít doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, song trong tình hình hiện nay là cần làm. Chỉ nên áp dụng điều cấm này trong khoảng thời gian nhất định để hoàn thiện khung khổ pháp lý, sau đó tạo điều kiện cho dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động trở lại. Vấn đề là phải nâng tầm quản lý lên chứ không phải đi ngược xu thế theo kiểu "quản không được thì cấm"!.
Bình luận (0)