Ngày 6-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2021, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.
Nhiều khó khăn, thách thức
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết nền kinh tế vĩ mô 8 tháng cơ bản ổn định; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội cho thấy những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng bị ảnh hưởng nặng nề, giảm 33,7% so với cùng kỳ.
Nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương có khu công nghiệp lớn, phải thực hiện giãn cách xã hội nên không có đủ lực lượng lao động, hoặc phải chịu chi phí sản xuất cao để thực hiện các công đoạn cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Từ thực tiễn khách quan, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, trên cơ sở đó đưa ra mục tiêu, giải pháp để thực hiện, trên tinh thần biến nguy thành cơ, làm tiền đề để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã giao.
Thủ tướng cho rằng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp, dịch vụ của doanh nghiệp (DN).
Theo Thủ tướng, về cơ bản, đến nay chúng ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại các địa phương phía Nam sau khi thực hiện giãn cách xã hội. Nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm…
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận về những khó khăn, thách thức, như: Nhiều địa phương phải kéo dài thời gian giãn cách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, làm gián đoạn nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh của một bộ phận DN. Các lĩnh vực kinh tế có xu hướng giảm, đặc biệt là các khu vực công nghiệp và dịch vụ. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, đến nay mới đạt 40,6% kế hoạch, trong đó vốn ngoài nước đạt 7,94%. Bên cạnh đó, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; tình hình sản xuất, kinh doanh nhiều lĩnh vực bị ngưng trệ, có hơn 85.000 DN rút lui khỏi thị trường...
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8Ảnh: Nhật Bắc
An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn
Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình cả ở trong nước, khu vực và quốc tế; ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.
Thủ tướng lưu ý trước mắt, cần ưu tiên cao nhất cho việc kiểm soát dịch bệnh để từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phương châm đặt ra là "bảo vệ vững chắc vùng xanh", "xanh hóa vùng vàng", "thu hẹp vùng đỏ". Thủ tướng quán triệt: "Giãn cách xã hội là quyết định; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; vắc-xin và thuốc điều trị là chiến lược; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng".
Đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là TP HCM và một số tỉnh phía Nam, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện nghiêm ngặt hơn, ưu tiên tiêm vắc-xin, điều trị hiệu quả để sớm kiểm soát dịch bệnh. Tại các địa phương sớm kiện toàn trung tâm chỉ huy phòng chống dịch, có phân công, phân nhiệm rõ ràng, tổ chức ứng trực 24/24, bảo đảm tiếp nhận nhanh nhất, hỗ trợ kịp thời nhất cho nhân dân tại địa bàn.
Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vắc-xin bao phủ diện rộng. Các bộ, ngành liên quan có biện pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; phối hợp xây dựng tiêu chí về vùng an toàn; hướng dẫn, hỗ trợ DN tổ chức lại, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn", mục tiêu là không được để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương triển khai Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh sau khi được ban hành. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, DN, nhất là tại TP HCM và các trung tâm kinh tế, vùng động lực tăng trưởng.
Theo Thủ tướng, phấn đấu trong tháng 9 cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo Nghị quyết 86/NQ-CP ở tất cả các địa phương. "Chúng ta phải hy sinh nhiều lợi ích khi thực hiện giãn cách xã hội. Các lực lượng, người dân đã và đang rất vất vả, khó khăn thì phải làm thật nghiêm, thật chặt để đạt mục tiêu, để sự vất vả, hy sinh này không vô nghĩa" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Chiều tối cùng ngày đã diễn ra họp báo thường kỳ tháng 8 của Chính phủ, thông tin những nội dung quan trọng của phiên họp; các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 9 và những tháng cuối năm 2021.
Nghiên cứu miễn, giảm học phí
Về công tác giáo dục, Thủ tướng yêu cầu triển khai, tổ chức năm học mới thích ứng với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời, sớm nghiên cứu việc miễn giảm học phí; có biện pháp ngăn chặn tình trạng thu gộp, thu cao hơn quy định, lạm thu gây bức xúc trong nhân dân, nhất là ở thời gian đầu năm học.
Bình luận (0)