xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ưu tiên dự án kết nối Ðông Nam Bộ

Bài và ảnh: THẢO NGUYỄN

Nhiệm vụ ưu tiên ngay từ đầu năm 2023 của tỉnh Bình Dương và Tây Ninh là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án mang tính kết nối vùng

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết ngay từ những ngày đầu năm 2023, Tây Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp để tập trung nguồn lực lớn cho phát triển hạ tầng giao thông. Ðây cũng là một trong 4 chương trình đột phá được tỉnh Tây Ninh xác định trong Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ưu tiên dự án kết nối Ðông Nam Bộ - Ảnh 1.

Năm 2023, Bình Dương sẽ đẩy nhanh dự án đường Vành đai 4 - TP HCM đoạn qua địa bàn. Trong ảnh: Ðường Vành đai 4 - TP HCM đoạn qua KCN Mỹ Phước, thị xã Bến Cát đã hoàn thành và đưa vào sử dụng

Ðồng loạt triển khai

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông, sẽ góp phần thúc đẩy, dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là du lịch, ngành được kỳ vọng đóng góp 10% GRDP cho tỉnh này. "Trong đó, chú trọng thúc đẩy dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài (53,5 km). Theo đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng, theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho Quốc lộ 22, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho Tây Ninh. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm Ðông Nam Bộ với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN" - ông Nguyễn Thanh Ngọc kỳ vọng.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, địa phương đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đẩy nhanh thực hiện các dự án đường tuần tra biên giới (35 km), vốn đầu tư 350 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025; dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát đoạn từ Gò Dầu đến TP Tây Ninh đã được Thủ tướng phê duyệt giao UBND tỉnh Tây Ninh thực hiện giai đoạn 1…

Ngoài những dự án trên, theo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh, năm 2023, đơn vị này sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Ðức Hòa để kịp hoàn thành trong năm 2025. Ðồng thời, đưa vào khai thác sử dụng 6 dự án trong năm 2023. Ðó là dự án nâng cấp, mở rộng đường ÐT.782 - ÐT.784 từ ngã ba tuyến tránh Quốc lộ 22B đến ngã tư Tân Bình, dự kiến hoàn thành vào quý II/2023; nâng cấp, mở rộng đường ÐT.795, dự kiến hoàn thành vào quý III/2023 và các dự án dự kiến hoàn thành vào quý IV/2023: đường Ðất Sét - Bến Củi, đường ÐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2), tiểu dự án đường mòn Bàu Tà On; tiểu dự án đường vào cầu Ông Sãi, dự án đường Trường Hòa - Chà Là (từ Nguyễn Văn Linh đến ÐT.784).

Ở Bình Dương, ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh, cho hay ưu tiên lớn nhất của tỉnh trong năm 2023 là tập trung đẩy nhanh dự án đường Vành đai 3 - TP HCM đoạn qua địa bàn và thúc tiến độ dự án mở rộng Quốc lộ 13. Đây là 2 dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa liên kết vùng cực kỳ quan trọng, qua đó tạo sức cạnh tranh và dư địa phát triển mới.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đang ra sức ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cầu Bạch Ðằng 2, nối Bình Dương và Ðồng Nai; dự án nâng cấp, mở rộng đường ÐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) đến ngã ba Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên); đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và chuẩn bị đầu tư các dự án đường Vành đai 4; cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…

Ưu tiên dự án kết nối Ðông Nam Bộ - Ảnh 2.

Ðường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2023

Quyết liệt ngay từ đầu năm

Ông Nguyễn Văn Thuận khẳng định thực hiện dự án Vành đai 3 - TP HCM, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để dự án đúng tiến độ và đến thời điểm này mọi việc đang thuận lợi, chưa có vướng mắc phát sinh. Ngày 30-12-2022, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án thành phần của dự án Vành đai 3 - TP HCM đoạn đi qua tỉnh, sau đó ban quản lý dự án thực hiện các bước tiếp theo như kế hoạch lựa chọn thầu; thiết kế kỹ thuật; đấu thầu… Ðể đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương đã phối hợp với UBND các xã, phường liên quan tổ chức mời người dân bị ảnh hưởng bởi dự án để thông tin về dự án, qua đó vận động người dân có đất thu hồi đồng thuận, tạo thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng. Hiện TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An đã bàn giao mốc cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) đợt 1 và đợt 2 cho Trung tâm Phát triển quỹ đất. Tính đến hết tháng 11-2022, dự án đã kiểm kê được 164 hộ/164 thửa đất thuộc địa bàn TP Thủ Dầu Một, 209 hộ dân thuộc địa bàn TP Thuận An.

Ðối với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú (TP Thuận An) đến nút giao Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một), dài 12,7 km, tuyến đường mở rộng về bên phải 2 làn xe lên 64 m. Ðến nay, việc GPMB đoạn từ ngã tư cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị và đoạn từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong đã giải ngân tổng cộng 760 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch. Riêng đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố đã phê duyệt phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ về đất đối với 118 hộ, 2 tổ chức với số tiền trên 567 tỉ đồng, đạt 84% kế hoạch (đã chi trả cho 35 hộ với số tiền trên 139 tỉ đồng). Hiện một số đoạn nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 đã đặt xong hệ thống cống thoát nước, lu lèn mặt đường để hoàn thiện tráng nhựa.

Ðối với cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh thông tin tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan thuộc TP HCM, các bộ, ngành trung ương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong quý I/2023. Song song đó, tổ chức thực hiện các bước tiếp theo như: Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; bồi thường GPMB; lựa chọn nhà đầu tư...

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh cũng chủ động phối hợp với TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, Long An thực hiện hiệu quả các chương tình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2025 đã được ký kết. Trong đó, tập trung nâng cấp luồng đường thủy nội địa sông Sài Gòn, quy hoạch và công bố luồng tuyến trong hồ Dầu Tiếng; đầu tư đường và cầu bắc qua sông Sài Gòn kết nối từ đường ÐT.789 (Tây Ninh đến ÐT.744 (Bình Dương), đầu tư đường và cầu bắc qua rạch Ðường Xuồng kết nối từ đường An Thạnh - Trà Cao (Tây Ninh) đến ÐT.838C (Long An). 

Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2023-2030, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Ðông Nam Bộ khoảng 413.000 tỉ đồng”.

Tập trung toàn lực cho đường vành đai

PGS-TS Trần Ðình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Ðông Nam Bộ là đầu tàu của cả nước, nếu đầu tàu chạy lùi thì nền kinh tế đất nước lùi lại. Do đó, việc ra đời Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Ðông Nam Bộ và Chính phủ triển khai thực hiện sẽ là thể chế, cơ chế cụ thể cho vùng này được hưởng lợi, tương xứng với sự phát triển của vùng. "Trước đây, bí nhất của vùng này là đường vành đai tắc nghẽn, không lưu thông được nên việc quan trọng nhất bây giờ là phải tập trung toàn lực để giải tỏa những đường vành đai này" - ông Trần Ðình Thiên nhấn mạnh.

Ðề xuất 2 cây cầu kết nối Ðồng Nai - TP HCM

Ngoài những cây cầu đã có trong quy hoạch, ngành giao thông Ðồng Nai và TP HCM vừa đề xuất nghiên cứu thêm cầu Phú Mỹ 2, Ðồng Nai 2 nhằm nối kết giao thương, đi lại giữa 2 địa phương.

Theo đề xuất, cầu Phú Mỹ 2 có 6 làn xe sẽ kết nối khu Nam (TP HCM) với huyện Nhơn Trạch, (tỉnh Ðồng Nai). Hướng tuyến từ sông Ðồng Nai đi theo đường Hoàng Quốc Việt kết nối nhánh rẽ với đường Nguyễn Lương Bằng (quận 7), sau đó kết nối vào đường Nguyễn Hữu Thọ. Vị trí giao nhau với đường Nguyễn Hữu Thọ sẽ được đề xuất phương án làm nút giao khác mức (dự kiến tuyến chính Nguyễn Hữu Thọ đi trên cao để hạn chế ảnh hưởng đến các đồ án quy hoạch).

Cầu Ðồng Nai 2 sẽ kết nối TP Thủ Ðức và huyện Long Thành, quy mô 6 làn xe. Ðiểm đầu cầu được tính toán sẽ nối đường Vành đai 3 - TP HCM tại nút giao Gò Công - đường nhánh từ tuyến vành đai ra xa lộ Hà Nội (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Ðức); điểm cuối nối đường ÐT.777 B (xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai).

N.Tuấn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo