Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), thực tế đã cho thấy các nước phát triển có tỉ lệ chủng ngừa trong dân cao đã giảm được số người mắc bệnh, giảm số ca bệnh nặng và số ca tử vong và họ đã có thể tập trung phục hồi về kinh tế. Điều này khẳng định vắc-xin là vũ khí hiệu quả nhất để cho đời sống trở lại bình thường, xã hội được vận hành.
Mục tiêu chính của phòng chống dịch là phòng dịch từ xa, để người dân không bị bệnh, nếu bị bệnh thì chỉ bệnh ở mức độ nhẹ và không tử vong - đó cũng chính là những gì vắc-xin mang lại. Điều trị cá thể hóa, ít ca thì việc điều trị sẽ tốt, còn nếu quá nhiều ca bệnh, nhất là bệnh nặng thì hậu quả sẽ rất lớn. "Dưới góc độ của một BS điều trị, tôi nghĩ ngoài thần tốc chống dịch, còn cần thần tốc tạo ra miễn dịch cộng đồng thì sự an nguy của người dân mới được bảo đảm, giữ được mặt trận của ngành y tế, vì ngành y tế không chỉ chống dịch, mà còn phải điều trị các bệnh khác cho người dân" - BS Trần Ngọc Hải nói.
BS Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), nhận định: "Muốn cuộc chiến này chiến thắng sớm mà không thiệt hại nhiều về kinh tế, tinh thần và sinh mạng thì chỉ có vũ khí duy nhất là tiếp cận vắc-xin sớm. Với một thành phố lớn, đông dân cư như TP HCM, có thể thấy việc giãn cách xã hội trong 2 tuần qua chưa đạt được hiệu quả nhiều như mong muốn và gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế. Có thể nói vắc-xin Covid-19 còn mang sứ mệnh giúp khôi phục kinh tế".
Theo BS Trương Hữu Khanh, với hệ thống tiêm chủng mở rộng của nước ta, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là hoàn toàn trong tầm tay. Nhưng muốn tiêm chủng nhanh thì trước hết phải có vắc-xin và bắt đầu tiêm. Càng nhiều người được tiêm vắc-xin, bệnh lây ít, ít ca nặng, ngành y tế nhất là y tế dự phòng bớt phải chia sức vào các công việc lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, cách ly... thì càng có nhân lực để đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng.
"Tác dụng của vắc-xin thì không cần bàn cãi nữa, vì đã thấy rõ ở nhiều nước trên thế giới: ít lây hơn và bệnh nhẹ đi. Chùm ca 55 người đã tiêm vắc-xin ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM cũng cho thấy điều đó: họ có tải lượng virus SARS-CoV-2 thấp, bệnh nhẹ. Từ trước đến nay không có vắc-xin nào giúp 100% không nhiễm bệnh cả. Chỉ cần vắc-xin giúp bệnh ít lây, nếu có lây cũng chỉ bị bệnh nhẹ, ít ca nặng là đạt được mục tiêu" - BS Khanh phân tích.
Bình luận (0)