Phóng viên: Ông có thể cho biết những kết quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật của TP HCM trong nhiệm kỳ vừa qua?
- Ông NGUYỄN THÀNH PHONG: Nhìn lại nhiệm kỳ qua (2015 - 2020), TP HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực; tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cả nước (tỉ trọng đóng góp trên 22% GDP, 27% thu ngân sách cả nước…), đóng góp nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình quản lý kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong nhiệm kỳ tới đây, TP HCM đặt ra những mục tiêu phát triển như thế nào, thưa ông?
- Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của trung ương. Cụ thể đến năm 2025, TP HCM là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.
Mục tiêu đến năm 2030, TP HCM là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số. GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP HCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao. GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Để đạt được các mục tiêu trên, TP HCM sẽ có những bước đi cụ thể như thế nào?
- Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP HCM đã đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trên 5 lĩnh vực như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm khoảng 8%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm…
Cụ thể, TP HCM tập trung tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế TP nhanh và bền vững, trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Triển khai thực hiện đề án phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Chủ trương này đã được đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021- 2030).
Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng khuyến khích sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, phần mềm, sản phẩm số. Hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, thương hiệu của TP, hỗ trợ các doanh nghiệp. Xây dựng TP thành trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo lớn nhất cả nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông qua quyết định thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM vào chiều 9-12-2020 Ảnh: NGUYỄN NAM
Bên cạnh đó, tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; huy động và khai thác mạnh mẽ tiềm năng các nguồn lực trong nước, ngoài nước để đầu tư phát triển TP.
Ngoài ra, phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho TP phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực ưu tiên (công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch và quản lý đô thị); tiếp tục phát huy vai trò trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước.
TP HCM cũng đổi mới quản lý, thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu thực hiện thành công, hiệu quả Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM và Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM.
Đặc biệt, trên cơ sở 3 đột phá chiến lược theo dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, TP HCM vận dụng sáng tạo để xây dựng 3 chương trình đột phá, đồng thời đề ra 1 chương trình trọng điểm với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn, là nhiệm vụ thường xuyên, cũng là lâu dài để tạo tiền đề vững chắc phát triển TP HCM.
Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh việc xây dựng TP HCM trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của TP mang tên Bác. TP HCM luôn bám sát chỉ đạo của trung ương, nghiên cứu sâu, kỹ dự thảo các nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng để vận dụng triển khai gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội NGUYỄN THỊ TUYẾN:
Tạo niềm tin, khí thế mới cho đất nước phát triển
Trong nhiệm kỳ qua, đất nước đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và sự quản lý, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Những kết quả quan trọng đạt được đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục tăng, bình quân ở mức 6%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp (3,15%), giảm mạnh so với mức 7,7% của giai đoạn trước, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, mức độ chống chịu của nền kinh tế được cải thiện đáng kể...
Đặc biệt, trong bối cảnh vừa quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam nổi lên là một quốc gia rất chủ động. Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã phát huy được tính ưu việt của hệ thống chính trị. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch Covid-19, không chỉ là của nhà nước mà là của cả hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân cả nước. Nhờ vậy, Việt Nam đã cơ bản khống chế, kiểm soát được dịch Covid-19. Qua đó, thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự chung tay, chung sức, chung lòng của toàn dân, thể hiện truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Chúng tôi rất mừng là đất nước trải qua những khó khăn nhưng cũng có những thời cơ và chúng ta đã cơ bản hoàn thành tất cả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo niềm tin, khí thế mới cho đất nước phát triển.
Phạm Văn Thế ghi
Bình luận (0)