UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành 2 quyết định phê duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa với tổng diện tích 174.297 ha. Đây là 2 địa phương đang được UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong.
Đất ở đô thị tăng mạnh
Tại huyện Vạn Ninh (thuộc khu vực Bắc Vân Phong), với tổng diện tích đất được phê duyệt quy hoạch đến năm 2030 là hơn 57.221 ha. Trong đó, đất nông nghiệp được quy hoạch 41.064 ha, đất phi nông nghiệp 15.815 ha, đất chưa sử dụng 341 ha. Đáng chú ý, các loại đất ở đô thị, đất dành cho vui chơi giải trí được điều chỉnh tăng rất cao. Cụ thể, đất ở đô thị năm 2020 chỉ hơn 94 ha thì đến năm 2030 được quy hoạch lên đến trên 1.753 ha, tăng gấp 18 lần; đất dành cho vui chơi, giải trí từ 5,2 ha được tăng lên 380 ha, tăng hơn 73 lần.
Theo kế hoạch sử dụng đất, huyện Vạn Ninh sẽ chuyển hơn 7.456 ha đất nông nghiệp trở thành phi nông nghiệp tập trung ở các xã có lợi thế về du lịch, công nghiệp như: Vạn Thạnh với 2.182 ha, Vạn Hưng với 1.052 ha; các xã Vạn Khánh, Vạn Phú, Vạn Thọ… - mỗi nơi trung bình chuyển hơn khoảng 600 ha đất nông nghiệp.
Khu vực huyện Vạn Ninh đang được quy hoạch trở thành trung tâm đô thị, thương mại, công nghiệp, dịch vụ, cảng biển
Ông Trần Ngọc Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho rằng trong thời gian dài huyện Vạn Ninh dù được thiên nhiên ban tặng vùng biển rộng lớn, thuận lợi phát triển cảng biển, du lịch, trên có đường bộ, đường sắt, gần 2 sân bay lớn là Cam Ranh và Tuy Hòa rất thuận lợi phát triển công nghiệp, dịch vụ hàng hóa nhưng đến nay huyện Vạn Ninh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Dựa vào cơ cấu sử dụng đất hiện nay thì tương lai huyện sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ về đô thị, dịch vụ, thương mại, du lịch...
Theo ông Khiêm, huyện đang có 3 tập đoàn lớn nghiên cứu hình thành các dự án lớn là Công ty CP Phát triển Khu Công nghiệp (KCN) Viglacera Yên Mỹ - Hưng Yên xin đầu tư KCN Dốc Đá Trắng có diện tích khoảng 240 ha ở xã Vạn Hưng và 60 ha ở xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa). Hai nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Sun Group và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư tại khu vực xã Vạn Thọ và Vạn Thạnh để hình thành khu thương mại tự do Hòn Gốm.
Tương tự, tại thị xã Ninh Hòa (thuộc khu vực Nam Vân Phong) có tổng diện tích đất được phê duyệt quy hoạch đến năm 2030 là hơn 117.076 ha. Trong đó, 2 loại đất được các nhà đầu tư quan tâm nhiều là đất ở đô thị tăng mạnh từ 476 ha lên 3.545 ha và ở nông thôn từ 1.505 ha lên 2.127 ha vào năm 2030. Đặc biệt, đất dành cho vui chơi giải trí tăng mạnh từ 6,24 ha năm 2020 lên 784 ha vào năm 2030, tăng gấp 130 lần.
Đi trước quy hoạch chung!
Tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong. Điều thắc mắc hiện nay là việc ban hành quy hoạch sử dụng đất của huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa đang đi trước quy hoạch chung KKT Vân Phong. Liệu việc "đi trước" này có ảnh hưởng gì đến việc triển khai quy hoạch chung sau này hay không? Lý giải về điều này, phía UBND huyện Vạn Ninh cho biết phải có quy hoạch sử dụng đất thì huyện mới có thể triển khai các hoạt động trên đất như xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai tiếp các dự án cũng như người dân có cơ sở để thực hiện quyền và nghĩa vụ trên đất. "Về cơ bản, việc quy hoạch sử dụng đất của huyện Vạn Ninh này phải có từ đầu năm 2021. Nếu đợi quy hoạch chung KKT Vân Phong thì huyện sẽ ngừng hết các hoạt động triển khai trên đất ít nhất là 2 năm. Do vậy, việc ban hành quy hoạch này của UBND tỉnh là kịp thời giải quyết nhu cầu chính đáng của huyện" - đại diện UBND huyện Vạn Ninh cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Nghị, Phó Ban Quản lý KKT Vân Phong, cho rằng hiện nay việc điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong đang hoàn thiện về nhiệm vụ, chức năng và đồ án điều chỉnh. Quy hoạch này cũng thực hiện song song với quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có được sự đồng bộ. Quy hoạch sử dụng đất của Vạn Ninh và Ninh Hòa về cơ bản lấy ý tưởng từ Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung KTT Vân Phong. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6-2022 và trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, căn cứ vào đồ án đã được phê duyệt này sẽ có điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất để phù hợp.
Tín hiệu khả quan
Theo Ban Quản lý KKT Vân Phong, trong năm 2021 đã tiếp đón rất nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu cơ hội đầu tư vào KKT Vân Phong trong lĩnh vực cảng biển, logistics, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn IPPG, Tập đoàn Sun Group, Công ty CP Tập đoàn Sovico, Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland và Công ty CP Đầu tư Đất Tâm, Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Tập đoàn Flamingo, Công ty Millennium Energy (Mỹ), Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Tập đoàn FPT, Công ty Phương Đông... Dự kiến trong thời gian tới, KKT Vân Phong hứa hẹn sẽ thu hút vốn đầu tư hàng chục tỉ USD từ các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Trong năm 2021, KKT Vân Phong đã thu hút được 5 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký mới 2.531 tỉ đồng.
Bình luận (0)