Theo đó, từ ngày 28-1, toàn bộ các chuyến bay từ Trung Quốc đã tạm ngưng đưa khách đến Khánh Hòa. Các doanh nghiệp chỉ còn tập trung phục vụ hết lượng khách đã đón từ trước đó và tất cả sẽ bay về Trung Quốc vào cuối giờ hôm nay (31-1-2020).
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện nay tất cả các tuyến đường ở Nha Trang đều vắng bóng các xe 45 chỗ chở khách Trung Quốc, đường phố trở nên thông thoáng hơn. Tại chùa Long Sơn, Tháp Bà, Nhà Thờ Núi không còn xảy ra tình trạng kẹt xe, du khách chen nhau vào tham quan.
Cửa hàng chuyên phục vụ du khách Trung Quốc đóng cửa
Dãy ki-ốt trước đây buôn bán các sản phẩm mỹ nghệ, đặc sản ở đường Trần Hưng Đạo phải đóng cửa, sang quán
Hàng loạt các cửa hàng chuyên phục vụ mỹ nghệ, trầm hương trước đây nườm nượp khách Trung Quốc, giờ đến 90% là đóng cửa. Các quầy hải sản, trái cây không còn tấp nập như trước.
Một chủ khách sạn trên đường Trần Phú - TP Nha Trang cho biết hiện nay rất nhiều tour trong và ngoài nước đến Nha Trang đã bị hủy, lượng phòng lưu trú trong dịp Tết tụt giảm. Ngày mùng 1 Tết đơn vị phía Trung Quốc báo hủy 30 phòng, ngày mùng 2 Tết báo hủy tiếp 40 phòng, đến ngày mùng 3 Tết thì báo hủy toàn bộ gần 100 phòng.
"Lượng khách hụt khoảng 60% khiến khách sạn lao đao mặc dù đã ký hợp đồng trước nhưng làm ăn lâu dài nên phải trả cọc cho các tour. Buồn quá, không thiết tha gì Tết nữa. Mình đã chuẩn bị tâm lý trước nên cơ cấu 60% phòng cho khách đoàn, còn lại để khách lẻ, đặt qua mạng, tour trong nước nhưng không thể ngờ là tụt thẳng đứng như vậy"- người này cho biết.
Cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc đóng cửa
Hàng loạt cửa hàng đóng cửa khi lượng khách Trung Quốc đến Khánh Hòa dừng đột ngột
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa – đơn vị quản lí Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng, cho biết đến ngày hôm nay (31-1) hầu như không còn bóng dáng của một du khách Trung Quốc nào nữa. Lượng khách tụt giảm đến 60-70% so với những ngày trước đó. Bình thường Tháp Bà đón khoảng 7.000 lượt khách/ngày nay chỉ còn khoảng 2.000 lượt; Hòn Chồng từ 4.000 – 5.000 lượt thì nay chỉ còn 1.000 – 1.200 lượt khách.
Đường phố vắng bóng xe 45 chỗ
Đường phố Nha Trang trước đây chật kín xe
Các điểm du lịch trước đây đông kín khách Trung Quốc còn...
Bây giờ vắng bóng du khách
Nhiều địa điểm đã ngừng đón khách tham quan
Ban quản lý Vịnh Nha Trang cho biết lượng khách đi tour biển đảo giảm mạnh sau khi ngừng đưa khách Trung Quốc đến Nha Trang. Hiện lượng khách tham quan biển đảo giảm hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái với hơn 4.000 lượt khách. Đến hôm này thì chỉ còn hơn 1.000 lượt.
Theo các đối tác Trung Quốc, dự kiến 2-3 tháng nữa mới đưa khách trở lại. Nếu tình hình này kéo dài thì ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch Khánh Hòa và tình hình kinh tế của Khánh Hòa.
Các quán hải sản cùng chung số phận, thiệt hại kinh tế do virus corona Vũ Hán rất lớn
Theo báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa, tính đến tháng 12-2019, Khánh Hòa đã đón 7,2 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, đánh giá khách Trung Quốc chiếm thị phần du lịch lớn ở Khánh Hòa. Do đó, việc ngừng bay ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch. Hàng loạt tour, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi phục vụ khách Trung Quốc đều ngừng trệ... "Đây là thiên tai, các doanh nghiệp đành ngậm ngùi chấp nhận. Bây giờ phải trông chờ vào nỗ lực của ngành y tế Trung Quốc và thế giới để sớm dập dịch bệnh do virus corona ở Vũ Hán"- ông Thành nhận định.
Đà Nẵng: Du khách hủy phòng liên tục, công suất buồng phòng giảm 50%-70%
Ngày 31-1, UBND TP Đà Nẵng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã có cuộc họp với các sở - ngành về tình hình phòng chống dịch do virus corona.
Tại cuộc họp, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, đã chia sẻ về những khó khăn mà ngành du lịch đang gặp phải do ảnh hưởng từ virus corona.
Theo bà Hạnh, thời gian gần đây, từ khi bùng phát dịch viêm phổi cấp ở Vũ Hán - Trung Quốc, khách quốc tế đến Đà Nẵng giảm 17%. Trong khi đó, công suất buồng phòng vài ngày qua giảm 50-70%. "Khách quốc tế liên tục hủy phòng, khách Trung Quốc thì ngừng hẳn, các hãng tàu biển cũng dừng đón khách Trung Quốc" – bà Hạnh thông tin. Theo bà Hạnh, do có một số thông tin xuyên tạc, khách nội địa đến Đà Nẵng cũng có dấu hiệu hủy tour, hủy phòng.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, phát biểu tại cuộc họp
Ngoài ra, một khó khăn nữa xảy ra trong thời gian này với ngành du lịch Đà Nẵng là tình trạng "phân biệt đối xử" đối với khách nói tiếng Trung. Theo bà Hạnh, các thị trường khách như Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Singapore… nói tiếng Trung thì lại bị nghĩ là người Trung Quốc. "Khách Trung Quốc thì hiện ngừng khai thác rồi, trong khi các thị trường trên thì chưa có dấu hiệu hủy phòng nhưng người dân lại không hiểu, nghĩ nói tiếng Trung là khách Trung Quốc nên có một số ứng xử không đẹp" - bà Hạnh nói.
Nêu ví dụ, bà Hạnh cho biết vừa qua, có trường hợp 2 du khách Trung Quốc đến lưu trú tại một khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng. "Khi cả hai du khách này bị sốt thì họ đi bệnh viện khám, trong đó một du khách được bệnh viện giữ lại điều trị cách ly, khách còn lại được cho về vì bệnh nhẹ, hết sốt. Khi về thì du khách trên bị khách sạn không cho lưu trú nên phải lang thang ngoài đường giữa đêm" - bà Hạnh cho hay.
Sau đó, Sở Du lịch phải tìm cách liên lạc với các khách sạn trên địa bàn, có nhận khách Trung Quốc để tiếp nhận du khách này. Bà Hạnh đề xuất Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các quận, huyện nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, nhằm tạo ứng xử văn minh với du khách.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng để xảy ra tình trạng "đuổi khách ra đường" là không nên mà phải có cách ứng xử văn minh. Trong trường hợp nghi ngờ khách nhiễm bệnh, có thể chọn tình huống khác như đề xuất bệnh viện giữ khách lại để cách ly.
Ông Phạm Trúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Đà Nẵng, cho biết dù Thủ tướng đã yêu cầu dừng cấp visa Trung Quốc nhưng vẫn xuất hiện tình trạng một số hành khách đi qua nước trung gian rồi mới đến Đà Nẵng. "Vừa qua, chúng tôi phát hiện một số người Trung Quốc, trong đó có cả người Vũ Hán, đi từ Campuchia qua. Rất may sau đó, cơ quan chức năng phát hiện được và đã yêu cầu khai báo y tế" – ông Lâm nói.
Ông Lâm đề nghị các ngành chức năng, tăng cường kiểm tra du khách đi từ các nước khác, trong đó từng đi qua Trung Quốc hoặc vùng có dịch, thời gian 14 ngày.
Tại cuộc họp, ông Lê Tùng Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã lên phương án xây dựng bệnh viện dã chiến để chống dịch corona. Theo phương án này, địa điểm được chọn xây dựng là tại Bệnh viện Phổi TP Đà Nẵng. Sở Xây dựng đã chọn Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thuộc sở này, đủ điều kiện và năng lực để đảm đương vai trò xây dựng bệnh viện dã chiến.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho hay việc lựa chọn đơn vị xây dựng và cung ứng trang thiết bị, UBND TP giao toàn quyền cho Sở Xây dựng và Sở Y tế quyết định, để khi có tình huống dịch bệnh xảy ra thì thực hiện xây dựng ngay lập tức.
Bích Vân
Bình luận (0)