Ngày 28-11, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở Hội nghị chủ nợ Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (gọi tắt là Công ty Bồng Miêu; trụ sở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) lần thứ nhất.
Hết đường lựa chọn
24 chủ nợ của Công ty Bồng Miêu có mặt tại hội nghị. Công ty Besra Việt Nam - chủ nợ có đơn yêu cầu TAND tỉnh Quảng Nam mở thủ tục phá sản đối với Công ty Bồng Miêu - và đại diện Công ty Bồng Miêu đều vắng mặt.
Ba phương án về số phận của Công ty Bồng Miêu được đưa ra để các chủ nợ quyết định, gồm: đình chỉ yêu cầu mở thủ tục phá sản, phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, sau khi quản tài viên (người đại diện cho Công ty Bồng Miêu theo đề cử của TAND tỉnh Quảng Nam) công bố về tình hình kinh doanh, thực trạng tài chính của Công ty Bồng Miêu thì các chủ nợ không còn lựa chọn nào khác ngoài phương án phá sản doanh nghiệp (DN) trên.
Sau hàng chục năm đào vàng bán, Công ty Bồng Miêu phá sản, để lại khoản nợ khổng lồ
Quản tài viên cho biết theo báo cáo tài chính tháng 11-2017, tổng tài sản của Công ty Bồng Miêu là hơn 302 tỉ đồng, công nợ phải thu hơn 6 tỉ đồng (tiền ký quỹ phục hồi môi trường rừng). Trong khi đó, tổng nợ phải trả hơn 1.265 tỉ đồng (âm hơn 966 tỉ đồng), lỗ lũy kế hơn 1.000 tỉ đồng, vượt vốn chủ sở hữu hơn 966 tỉ đồng.
Kết quả kiểm kê cho thấy tài sản tại công ty gồm cơ sở hạ tầng, nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị đã qua sử dụng, hàng tồn kho, phế liệu có khả năng thu hồi có giá trị hơn 34,8 tỉ đồng. Trong đó, tài sản bảo đảm hơn 25,4 tỉ đồng, tài sản không bảo đảm hơn 9,4 tỉ đồng.
Toàn bộ tài sản của công ty là tài sản đặc thù của ngành khai khoáng và gắn liền trên đất tại mỏ vàng nên chỉ có giá trị khi tiếp tục phục vụ để khai thác vàng, còn khi thanh lý thì giá trị rất thấp. DN này cũng đã hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản từ năm 2016, hết hạn thuê đất từ năm 2017.
"Tài sản của công ty được định giá gần 35 tỉ đồng nhưng trên thực tế chỉ có giá trị khoảng 5 tỉ đồng thôi, giờ chủ yếu đem bán sắt vụn" - ông Bùi Ngọc Lượng, Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhật Minh (tỉnh Quảng Nam), chủ nợ của Công ty Bồng Miêu, nhận định.
Cùng... trắng tay
Chọn phương án cho Công ty Bồng Miêu phá sản, hàng chục chủ nợ rời hội nghị trong tâm trạng rối bời bởi không còn hy vọng đòi lại nợ.
Ông Trương Quốc Sỹ, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666, cho biết Công ty Bồng Miêu nợ công ty ông gần 2,4 tỉ đồng (chưa kể hơn 3 tỉ đồng tiền công chưa kịp quyết toán) nhưng chây ì không chịu trả. Số nợ này khiến công ty ông hoạt động rất khó khăn trong thời gian qua. Từ phận chủ nợ, bản thân ông trở thành con nợ của những người khác.
"Tài sản Công ty Bồng Miêu thanh lý không được bao nhiêu trong khi theo luật quy định những chủ nợ có bảo lãnh, bảo đảm sẽ được thanh toán trước; còn thừa mới đến lượt các chủ nợ không có bảo đảm. Như vậy, tôi và mấy chục chủ nợ với số tiền hơn 259 tỉ đồng xem như trắng tay" - ông Sỹ ngậm ngùi.
Lặn lội từ tỉnh Trà Vinh ra Quảng Nam dự hội nghị chủ nợ, ông Ngô Kinh Luân, đại diện Công ty CP Trà Bắc (TP Trà Vinh), nói rằng rất muốn Công ty Bồng Miêu khôi phục sản xuất để trả nợ. Tuy nhiên, giờ đây, Công ty Bồng Miêu phá sản, số nợ hơn 1,9 tỉ đồng tiền bán than hoạt tính xem như không thể nào lấy lại được. "Số nợ của Công ty Bồng Miêu khiến chúng tôi lâm vào cảnh khó khăn và phải rất vất vả mới có thể vượt qua" - ông Luân nói.
Có tới...100 chủ nợ!
Theo số liệu báo cáo của Công ty Bồng Miêu, tính đến ngày 12-11-2017, DN này có 100 chủ nợ với số tiền hơn 943,2 tỉ đồng, bao gồm cả 108 tỉ đồng tiền nợ thuế và hơn 4,2 tỉ đồng nợ BHXH (tính đến 31-10-2017). Trong số đó, có 44 chủ nợ không bảo đảm với số tiền hơn 259 tỉ đồng và 1 chủ nợ có bảo đảm với số tiền hơn 677 tỉ đồng (Công ty Besra Gold Inc) gửi giấy đòi nợ đến tòa.
Bình luận (0)