Trong báo cáo kết quả nghiên cứu về Đề án thu phí ôtô vào nội đô của Hà Nội gửi Sở Giao thông Vận tại Hà Nội, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Tramoc) đề xuất lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, các cửa ngõ…. Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt ôtô. Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí ôtô vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỉ đồng.
Theo đề án, từ nay đến năm 2023, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ khảo sát, xây dựng lắp đặt các trạm thu phí, thời gian dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô là trong năm 2024.
Chuyện giao thông, đi lại sau dịch ngày càng trở thành vấn đề lớn với người dân thủ đô nên đề xuất lập gần 100 trạm thu phí ôtô vào nội đô đã khiến dư luận xôn xao với những ý kiến trái chiều nhau. Thực ra, đề án này không phải mới có mà đúng 1 năm trước, Sở Giao thông Vận tải đã không trình UBND TP Hà Nội đề án lập 87 trạm thu phí ôtô vào nội thành với lý do "chưa được hoàn chỉnh".
Sau 1 năm, số trạm thu phí ôtô được tăng thêm chục trạm, song xem ra vẫn chưa thuyết phục, trong đó tỉ lệ số người ủng hộ qua khảo sát online còn thấp (chưa tới 40%). Điều quan trọng nhất là đề án mới chỉ đưa ra việc lập các trạm thu phí, đặt ở đâu, mức thu phí, lộ trình thực hiện… nhưng lại chưa chỉ ra được nếu đặt trạm thu phí (nhằm hạn chế ôtô) thì người dân sẽ đi bằng gì vào nội đô để làm việc, học hành, mưu sinh.
Ngay đơn vị quản lý giao thông công cộng của Hà Nội cũng cho biết mạng lưới vận tải hành khách công cộng của thành phố tới nay mới chỉ đáp ứng gần 17,5% nhu cầu đi lại của người dân. Như vậy, đại đa số người dân ở Hà Nội vẫn phải dùng phương tiện cá nhân để đi lại hằng ngày. Lập các trạm thu phí nhằm hạn chế ôtô đi vào nội đô, trong khi phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại thiết yếu thì đương nhiên người dân phải tìm phương tiện giao thông cá nhân khác để thay thế.
Đề án lập gần 100 trạm thu phí ôtô vào nội đô của Hà Nội, vì thế, khiến không ít người băn khoăn về tính khả thi. Trước những ý kiến, phân tích về tính khả thi của đề án, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết các thông tin về đề án có thể mới "chỉ một phía từ Tramoc". Theo giám đốc sở này, hiện các cơ quan liên quan đang tiếp tục nghiên cứu, chưa có phương án chính thức.
Một năm trước đề án lập 87 trạm thu phí đã bị "bác", vậy đề án lập gần 100 thu phí sẽ ra sao? Câu trả lời là của cơ quan hữu trách của Hà Nội, tuy nhiên có thể thấy một đề án với mục đích hạn chế phương tiện giao thông cá nhân chỉ khả thi khi giải quyết được vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân thì người dân sẽ đi bằng gì?
Bình luận (0)