Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết đến 16 giờ ngày 27-1, lực lượng chức năng đã khắc phục xong sự cố tàu SE1 trật bánh tại ga Sông Lòng Sông (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Tuyến đường sắt Bắc - Nam sau hơn 12 giờ tê liệt đã thông tuyến trở lại.
Hàng ngàn người mệt mỏi chờ tàu tại ga Sài Gòn do sự cố trật bánh tàu SE1 Ảnh: NGỌC HÂN
Trước đó, khoảng 4 giờ cùng ngày, tàu SE1 khởi hành từ Hà Nội đi TP HCM, khi đến ga Sông Lòng Sông thì gặp sự cố, toa xe thứ 8 của tàu bị trật bánh 4 trục không chạy được. Ngay khi xảy ra sự cố, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị cứu hộ đến hiện trường để khắc phục hậu quả; đồng thời dùng ôtô đón hành khách trên tàu SE1 vào ga Sông Mao (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Hai chiếc cẩu cứu hộ cũng được điều từ Ninh Thuận và Khánh Hòa vào để khắc phục sự cố.
Sự cố tàu SE1 trật bánh không gây thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đường sắt khi nhiều đoàn tàu phải chậm giờ trong mùa cao điểm vận chuyển khách từ TP HCM về quê đón Tết.
Tại ga Sài Gòn, vào trưa 27-1, hàng trăm hành khách phải vật vạ chờ chuyến tàu TN2 - theo kế hoạch xuất phát lúc 13 giờ nhưng bị chậm bởi sự cố trên. Nhiều người trải chiếu nằm, ngồi la liệt trong sảnh chờ của nhà ga. Bà Hoàng Thị Thuyên (56 tuổi, quê Thái Nguyên) lo lắng: "Tôi đến ga lúc 12 giờ nhưng phải dời đến sau 18 giờ mới có thông báo. Giờ cũng chẳng làm được gì, đành ngồi đợi, mong sau 18 giờ tàu khởi hành, không trục trặc nữa".
Sau tàu TN2, gần 10 đoàn tàu khác như TN6, SQN4, SE4, SE2, SE20, SE14, SE18, TN10… cũng bị thông báo trễ chuyến. Lượng khách đến ga chờ cứ thế dồn ứ, buộc lãnh đạo ga Sài Gòn phải tăng cường lực lượng để hướng dẫn hành khách, giữ trật tự.
Sau khi sự cố được khắc phục, tuyến đường sắt Bắc - Nam được nối tuyến. Tuy nhiên, theo lịch trình điều chỉnh lúc 6 giờ ngày 27-1, có khá nhiều chuyến tàu phải dời giờ khởi hành từ ngày 27-1 sang 28-1. Cụ thể, tàu SNT2 dự kiến xuất phát từ khoảng 22 giờ ngày 27-1, lùi sang 1 giờ ngày 28-1; các tàu SE2, SE4 dự kiến xuất phát từ 23 giờ ngày 27-1, dời lại vào 1 giờ ngày 28-1; các tàu TN2, TN6, SE14 và TN10 dời thời điểm khởi hành từ 0 giờ sang 2 giờ ngày 28-1…
Đến tối cùng ngày, lượng khách tại ga Sài Gòn tuy giảm bớt nhưng không ít người vẫn trong cảnh vật vạ, mỏi mệt chờ về quê đón Tết.
Rồng rắn xếp hàng mua vé xe Tết
Tại TP HCM, từ sáng 27-1, lượng khách đến các bến xe Miền Tây, Miền Đông mua vé về quê ăn Tết tăng mạnh.
Hành khách xếp hàng mua vé tại Bến xe Miền Đông Ảnh: GIA MINH
Hai sảnh chờ mua vé tại Bến xe Miền Tây gần như chật kín người, trong đó các quầy vé của hãng xe Phương Trang chạy các tuyến về miền Trung, các tỉnh - thành ĐBSCL đông người đến mua vé nhất. Anh Nguyễn Mạnh (ngụ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết ngày thường anh mua vé tuyến TP HCM - Cái Tắc chỉ 135.000 đồng nhưng nay lên hơn 180.000 đồng. Do lượng khách về quê quá đông nên chờ hơn 30 phút anh mới mua được vé và phải chờ thêm 3 giờ mới có xe quay đầu.
Tại Bến xe Miền Đông, từ đầu buổi sáng đông nghẹt người đến tìm mua vé. Tại các quầy vé của nhiều hãng xe lớn như Phương Trang, Chín Nghĩa... chạy tuyến về miền Trung là cảnh hành khách xếp hàng dài chờ đợi. Ở khu vực bãi đậu xe, hành khách chật kín, tay xách nách mang đủ loại hành lý, chờ lên xe để về quê đón Tết. Ước tính trong ngày lượng khách di chuyển qua 2 bến xe trên tăng hơn 20% so với những ngày trước đó và dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới.
Theo lãnh đạo Bến xe Miền Đông, hiện nay đang có tình trạng một số đơn vị vận tải lợi dụng tình hình đi lại tăng cao nên nâng giá vé cao gấp 2 lần giá vé quy định. Do đó, bến xe khuyến cáo hành khách cần tìm hiểu kỹ thông tin, trường hợp bị nhà xe nâng giá vé cao bất thường thì phản ánh ngay qua các đường dây nóng dưới đây để được can thiệp: 028 389 84441, 028 389 84442, 028 35116858. Mọi trường hợp vi phạm sẽ bị bến xe xử phạt, tùy mức độ có thể bị thu hồi phù hiệu, đình chỉ xuất bến.
Bình luận (0)