Điển hình như việc xử lý những sai phạm tại chung cư Khang Gia Tân Hương (377, đường Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP HCM) do Công ty CP Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư. Năm 2016, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư có các vi phạm như thay đổi kết cấu các tầng và buộc phải tháo dỡ diện tích vi phạm xây dựng. Tuy nhiên đến nay, những vi phạm tại công trình nêu trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hay việc xử lý công trình vi phạm Gia Trang quán - Tràm Chim resort (7/23E đường Đoàn Nguyễn Tuấn, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh) do bà Trần Thị Minh Trang làm chủ cũng rất gian nan.
Tồn hơn 4.700 quyết định xử phạt
Đó là 2 trong rất nhiều vụ vi phạm trật tự xây dựng mà cơ quan chức năng gặp khó khăn khi xử lý. Theo thống kê của Sở Xây dựng, từ năm 2013 đến năm 2019 có 9.724 vụ vi phạm xây dựng bị phát hiện và xử phạt. Cơ quan chức năng đã ban hành 9.724 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 174 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ có gần 5.000 quyết định được thực hiện. Nguyên nhân là do các đối tượng vi phạm không có khả năng nộp phạt, việc tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm ảnh hưởng đến nơi ở, làm việc của đối tượng vi phạm. Hơn nữa, việc cưỡng chế tháo dỡ công trình rất phức tạp, dễ gây mất an ninh trật tự nên UBND cấp huyện, xã chưa quyết liệt tổ chức cưỡng chế.
Việc xử lý công trình vi phạm Gia Trang quán - Tràm Chim resort rất gian nan vì thủ tục Ảnh: LÊ PHONG
Về phía địa phương, ông Lưu Trọng Nghĩa, Phó Phòng Quản lý đô thị, Đội trưởng Đội Trật tự đô thị quận Thủ Đức, cho biết việc cưỡng chế các công trình xây dựng không phép gặp rất nhiều khó khăn. Chưa nói đến việc một số trường hợp người vi phạm cố tình cản trở lực lượng làm nhiệm vụ như khóa cửa, không cho cơ quan chức năng vào công trình kiểm tra nên rất khó để ban hành văn bản xử phạt hành chính. Các công trình cưỡng chế chủ đầu tư không có mặt, quận phải bỏ tiền ra trả, không thu được tiền vi phạm theo quy định.
Ông Võ Tấn Khoa - Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, quận 12 - cho hay trong quyết định cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng thì ghi là tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, phải dùng phương tiện cơ giới để tháo dỡ khiến người dân có phản ứng. Ông Khoa cho rằng Luật Xử lý vi phạm hành chính không trùng khớp với Luật Xây dựng. Bởi điều 118 Luật Xây dựng cho phép phá dỡ công trình, còn Luật Xử lý vi phạm hành chính lại là tháo dỡ. Nên chăng cần nghiên cứu sửa luật?
Đơn giản thủ tục, tập trung cưỡng chế
Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, phân tích chủ công trình xây "lụi" rất nhanh nhưng để lập biên bản, cưỡng chế rồi tháo dỡ thì mất rất nhiều thời gian, bởi thủ tục phức tạp. Điển hình một số trường hợp chỉ trong vòng 1 đêm đã dựng xong căn nhà cấp 4 mà chính quyền không hề hay biết. Sau khi làm xong nhà, nếu bị phát hiện họ đóng cửa lại rồi bỏ trốn khiến lực lượng làm nhiệm vụ không thể xử lý được. Từ đó, ông Đức nêu quan điểm nên đơn giản hóa các thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong trật tự xây dựng, nếu chủ đầu tư vắng mặt, địa phương có thể cưỡng chế được ngay, không để kéo dài thời gian. Nếu để thời gian kéo dài thì vụ việc càng phức tạp, đối tượng có thể xây thêm một số công trình không phép. Ngoài ra, hôm nay hiện trạng công trình như thế này, ngày mai lại thay đổi khác cho đến khi ra quyết định cưỡng chế thì hiện trạng không như ban đầu. Như vậy phải khảo sát, đánh giá lại hiện trạng, gây khó khăn trong việc cưỡng chế những công trình trái phép như hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng TP là địa phương thường xuyên nóng về tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Trong đó, có những vụ không chỉ người dân vi phạm mà cả lãnh đạo HĐND quận, chánh thanh tra quận cũng xây nhà không phép như ở quận Thủ Đức và quận 10. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính là bảo đảm nhanh, đúng và phải thật sự nghiêm minh, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là tâm lý người dân.
Nói về tình hình triển khai Chỉ thị 23 của Thành ủy TP HCM về quản lý trật tự xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết trong 6 tháng (1.9.2019-15.2.2020), TP đã phát hiện 576 công trình vi phạm. So với thời điểm trước đó, số vụ vi phạm bình quân đã được kéo giảm từ 8,6 vụ/ngày xuống còn 3,5 vụ/ngày. Tuy số vụ vi phạm giảm nhưng theo ông Võ Văn Hoan, việc chấp hành và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các đối tượng vi phạm chưa cao. Việc thuê đơn vị cưỡng chế còn gặp nhiều khó khăn vì phần lớn các đơn vị này không muốn thực hiện nhiệm vụ. Việc xác minh tài khoản của người vi phạm cũng còn vướng mắc do đối tượng vi phạm không hợp tác, ngân hàng không tích cực phối hợp. "Để giải quyết các khó khăn này, từ nay đến hết năm 2020, UBND TP đã giao các sở, ngành tham mưu cho UBND TP để chuẩn bị sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy thanh tra xây dựng và đội quản lý trật tự xây dựng của 24 quận, huyện sau khi được Thủ tướng chấp thuận. Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ tổ chức tập trung cưỡng chế một số công trình vi phạm trật tự xây dựng quy mô trên địa bàn TP trong năm 2020" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Dùng "chiêu" khiếu nại để kéo dài thời gian
Theo đại diện UBND huyện Bình Chánh, thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị 23 của Thành ủy TP HCM nên tình hình vi phạm trật tự xây dựng giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc khó khăn.
Cụ thể, người vi phạm lấy nhiều lý do để cho rằng không vi phạm, khiếu nại các quyết định của cơ quan chức năng làm kéo dài việc xử lý của cơ quan nhà nước. Ví dụ: Người vi phạm khởi kiện các quyết định hành chính của huyện ra tòa án, sau đó tòa án ban hành quyết định tạm hoãn quyết định cưỡng chế. Hay người vi phạm liên tục gửi đơn đến cơ quan trung ương, TP và huyện nhằm để kéo dài vụ việc. Cũng có trường hợp người dân khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì cho rằng Nghị định 139 không xử lý nhà xây dựng sai kiến trúc mặt ngoài, công năng sử dụng khu vực nông thôn…
Tr.Hoàng
Bình luận (0)