Chủ trương định hướng sử dụng quỹ đất ven sông Sài Gòn luôn là sự trăn trở trong nhiều năm qua của lãnh đạo TP HCM cũng như giới nghiên cứu, chuyên gia và cả người dân. Chính vì thế, vấn đề triển khai đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP HCM, giai đoạn 2020-2045" vừa được UBND TP HCM phê duyệt luôn được quan tâm và kỳ vọng sẽ là "gà đẻ trứng vàng" cho thành phố.
Chỉnh trang và khai thác dịch vụ
Một trong những mục tiêu mà khi phê duyệt đề án trên, UBND TP HCM đặc biệt nhấn mạnh là tầm nhìn phát triển hành lang sông Sài Gòn và kênh rạch nội thành thành phố nhằm phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trung độc đáo của đô thị, sức cuốn hút và tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ cho TP HCM và vùng thành phố sáng tạo.
TP HCM chia sông Sài Gòn ra 2 vùng, gồm: vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long, quận 12 và vùng trung lưu, hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn - sông Soài Rạp). Trong đó, vùng trung lưu, hạ lưu chia thành 5 khu vực với các giải pháp tương ứng. Theo đó, định hướng của TP HCM là sẽ từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh.Theo UBND TP HCM, lộ trình từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn - khu vực trung tâm TP HCM gắn với các đề án phát triển kinh tế dịch vụ. Ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước. Cùng với đó, triển khai một số dự án điển hình về đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp gắn với hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí.
Nếu hai bên bờ sông Sài Gòn được quy hoạch bài bản sẽ đem lại lợi ích kinh tế rất lớn cho TP HCM. Ảnh: LÊ PHONG
Giai đoạn 2025-2045, TP HCM sẽ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí theo kế hoạch. Đồng thời, hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông; liên tục rà soát, nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện các pháp lý quản lý khu vực dọc bờ sông theo hướng bảo đảm lợi ích chung của TP HCM, phù hợp với chủ trương, định hướng quy hoạch cấp cao hơn và đáp ứng với thị trường và tốc độ phát triển chung.
Cần quy hoạch bờ sông trước
Liên quan vấn đề này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng hiện vẫn chưa có quy hoạch bờ sông Sài Gòn. Do đó, cần nhất vẫn là quy hoạch bờ sông Sài Gòn và khu đô thị hai bên sông thì mới đi đến bài toán về khai thác kinh tế.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu cũng nhấn mạnh cần sớm có quy hoạch bờ sông trước để chỉnh trang đô thị bài bản. Trong đó, việc tổ chức khai thác kinh tế dịch vụ sẽ đánh thức tiềm năng ven sông Sài Gòn, hướng đến "đô thị sông nước".
Ông Châu cho rằng việc khai thác, kinh doanh không gian và quỹ đất ven sông Sài Gòn sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế lớn. Để kế hoạch không còn nằm trên giấy, cần có sự tham gia từ nhiều nguồn lực xã hội. Vì vậy, UBND TP HCM cần có quy chế quản lý, sử dụng khai thác hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, từ đó làm công cụ để tổ chức thực hiện dễ dàng hơn.
Trong khi đó, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM Khương Văn Mười cho biết đến giờ vẫn chưa có một quy hoạch dọc bờ sông Sài Gòn. "Chúng ta đã có quy hoạch chung chứ hình thành nên một thiết kế đô thị dọc hai bên bờ sông thì chưa" - ông Mười nói. Theo ông, khi TP HCM điều chỉnh quy hoạch chung, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần khai thác cảnh quan dọc hai bên bờ sông. Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM đang lấy ý tưởng của nhiều đơn vị, trên cơ sở những điểm hay đó sẽ tích hợp lại để phục vụ công tác quy hoạch chung.
Kiến trúc sư Khương Văn Mười nhấn mạnh khi quy hoạch sông Sài Gòn là phải phát triển, kết nối và khai thác dọc hai bên bờ sông. Tùy theo từng đoạn mà có quy hoạch phù hợp, có các công trình điểm nhấn, công trình công cộng, văn hóa và công trình khai thác lịch sử (nếu có) để làm điểm đến du lịch. Ngoài ra, cần kết nối những điểm đó bằng các bến tàu, bến du lịch, tô điểm thêm những công trình dịch vụ để giúp người dân địa phương khai thác, hưởng thụ. Đây cũng là điểm đến dành cho du khách.
Một điểm nữa cũng được kiến trúc sư Khương Văn Mười lưu ý là khi quy hoạch phải tạo giao thông đi lại thuận lợi. Các tuyến đường phải hoàn chỉnh cũng như có sự kết nối giữa giao thông thủy và giao thông bộ qua những phương tiện công cộng để người dân di chuyển, thay đổi phương tiện dễ dàng.
Ưu tiên phát triển đoạn qua khu trung tâm
Trong 5 khu vực thuộc vùng trung lưu, hạ lưu thì khu vực 4 có bờ Đông từ cầu Sài Gòn đến cầu đảo Kim Cương và bờ Tây từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (ngã ba Kênh Tẻ - sông Sài Gòn). Đây là khu vực đi qua trung tâm hiện hữu, tập trung các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghệ và có tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ ven sông.
Vì vậy, UBND TP HCM sẽ ưu tiên phát triển khu vực này nhằm xây dựng kết nối và đồng bộ hệ thống hạ tầng, gồm bờ kè sông, cầu cảng bến thủy, các tuyến đi bộ, xe đạp, bến bãi trung chuyển kết nối không gian mở công viên cây xanh và quảng trường đô thị (bao gồm Quảng trường Hồ Chí Minh), triển khai theo mô hình thí điểm ở một số dự án để có kinh nghiệm, nhân rộng cách làm...
Bình luận (0)