Đau đáu nhớ quê
Điều lạ là, về làng bà vất hết tiện nghi hiện đại, nuôi gà lợn, nấu bếp kiềng rơm... nhưng thú nhất là cách bà sử dụng đồng hồ.
Sáng sớm, nghe gà gáy, bà biết mấy giờ. Rồi tiếng chuông chùa. Ban ngày thì nhìn bóng nắng ngoài sân và lạ là hết sức chính xác. Nhìn bóng nắng bà nói đúng giờ, có phiên ra từng tháng từng mùa hẳn hoi. Tháng 10 nắng đến đâu là 11 giờ trưa, tháng 5 nắng đến đâu là 3 giờ chiều, cứ thế đều như... cái đồng hồ quả lắc treo trên tường mà bà không bao giờ ngó tới.
Tôi, trong những trang viết của mình, những dòng thích nhất là viết về ký ức, về nông thôn, về những ngày phập phồng gió ở bờ đê nơi tôi sơ tán thuở bắt đầu biết nhớ. Tôi sinh ra ở thị xã Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) nhưng thời chiến tranh phá hoại lẽo đẽo đi sơ tán cùng ba mẹ. Ba mẹ tôi đều là người ở quê, người ở Huế, người ở Ninh Bình, đi hoạt động cách mạng rồi làm ở thành phố nhưng rồi vẫn đau đáu nhớ quê nên về hưu là vù một phát về quê mua nhà ở. Và tôi, đến giờ, trong ký ức, vẫn coi những tháng ngày ấy là đẹp nhất, dù đấy là những tháng ngày khó khăn gian khổ đến cùng cực, luôn luôn đói, luôn luôn thèm ăn, luôn luôn co ro khép nép trước cái lạnh, cái nóng xứ Thanh.
Âm ỉ và mãnh liệt
Ra trường đi làm, tôi lên Tây Nguyên, lại cũng lăn lộn với làng. Làng Tây Nguyên là một thế giới khác đối với tôi - gã trai lớn lên từ đồng bằng, từ nền văn minh lúa nước.
Toàn bộ ngôi làng nó gắn quện và ăn khít với đời sống nương rẫy. Từ nhà sàn tới cầu thang, từ bếp lửa giữa sàn tới không có vườn, từ cách đi chân đất trong nhà tới cái chân cầu thang, cách ngủ cách ăn cách sinh hoạt ứng xử, tới những quan hệ tương hỗ, máu thịt với không gian rừng xung quanh, với suối, với cả những đêm trăng lạnh cọp về đầu làng ngồi... ngắm làng.
Khác với làng người Việt dưới xuôi, mỗi nhà là một thế giới nhưng liên kết chặt với nhau bởi quan hệ máu mủ ruột rà, dẫu có ngụ cư thì cũng vẫn là "bán anh em xa mua láng giềng gần" và hết sức chặt chẽ bởi quy tắc "phép vua thua lệ làng", mỗi làng là một quốc gia gần như độc lập, làng Tây Nguyên mở ra với rừng, dù khoảng cách làng này sang làng khác rất xa và họ thường dùng tiếng chiêng để thông tin cho nhau.
Ngày trước, làng Tây Nguyên đẹp lắm. Bao giờ cũng ở rìa các con suối, có các "giọt" nước dẫn về làng và làng thì chênh vênh trên đồi, giữa làng là nhà rông cao vút như lưỡi rìu ngược lên trời, xung quanh là nhà sàn như đàn gà con xúm xít quanh gà mẹ. Rẫy ở xa làng, trong rẫy cũng có nhà để người đi làm rẫy nghỉ lại, có khi cả tuần mới về. Thông thường là sáng đi tối về.
Làng Tây Nguyên tuân thủ luật làng, tuân thủ và tôn trọng tự nhiên, cụ thể là rừng. Tưởng là luểnh loảng nhưng té ra rất chặt. Ví dụ có những nguyên tắc bất di bất dịch khi anh muốn chặt một cái cây, lấy một tổ ong. Khi người phụ nữ đẻ con không có sữa, người ta làm lễ vay mủ cây sung và sau đấy phải trả. Có những phép tắc rất đàn ông khi đi săn, thường là chọn cách đối đầu chứ không bắn trộm, thể hiện rõ nhất là đi săn voi rừng (thời còn được đi săn) hoặc đấu tay bo với thú dữ.
Những ngôi nhà sàn là một bố cục chặt chẽ về kiến trúc, thượng thách hạ thu. Nhà rông lại là sự kinh ngạc nữa về cái tài xây dựng của người Tây Nguyên khi họ chỉ bằng kinh nghiệm (rất ít vì một làng thì mươi mười lăm năm, thậm chí lâu hơn mới làm nhà rông một lần), chỉ bằng những vật dụng rất thô sơ là rìu và rựa, không sử dụng các vật liệu hiện đại như đinh, dây thép... mà họ làm nên những nhà rông sừng sững, nặng hàng trăm tấn và cao như những tòa nhà mười mấy tầng, nóc chót vót. Và nó chống chọi rất tốt với mưa với nắng gió Tây Nguyên, bởi ai cũng biết, làng Tây Nguyên thường làm trên đồi cao, nhà rông là nơi cao nhất của làng.
Nhà rông xây bằng bê-tông lợp tôn chói lòa. Nhà mồ cũng thế, các ngôi làng được dịch chuyển theo quy hoạch, không còn bám theo các triền suối, đặc biệt là đất đai bị thu hẹp, người dân phải đi làm thuê ngay trên đất của mình. Rừng giàu không còn, nay chỉ nhiều rừng nghèo, là rừng trồng cao su lên đấy. Nhưng không phải giao cho dân mà giao cho các doanh nghiệp. Người dân bị dồn dần vào núi xa.
Hiện nay đang có chủ trương xây dựng nông thôn mới, có những tiêu chí chung, rất chi tiết và cụ thể nhưng nếu thực hiện không khéo thì sẽ vô hình trung phá hết phần hồn của làng. Mà nếu làng Việt, của cả người Kinh và dân tộc thiểu số, mà thiếu đi phần hồn làng, cái tạo nên sức sống âm ỉ và mãnh liệt, làm nên bản sắc và sức mạnh, truyền thống và trường tồn... thì nông thôn chỉ còn là vùng đất chết. Ở đó mọi thứ giống nhau, hội trường giống nhau, đường làng giống nhau, nghĩa địa giống nhau, bếp núc giống nhau... thì có còn là làng nữa không?
Đừng tưởng tượng ra làng
Xin kể 2 chuyện nhỏ về văn học nghệ thuật tham gia vào nông thôn.
Một họa sĩ mang đến bức tranh có tên là "mùa xuân Tây Nguyên", có núi và mấy cô gái chàng trai Tây Nguyên đang đánh chiêng. Trang phục thì có vẻ Tây Nguyên nhưng tôi nói "ông ghép núi phía Bắc vào Tây Nguyên rồi". Anh này cãi, tôi phải bảo: "Núi phía Bắc là núi đang lớn, núi trẻ, nên nó nhọn như ông vẽ; còn Tây Nguyên, nó là núi già, đầu tròn chứ không nhọn hoắt thế kia". Anh này phải công nhận.
Một nhà văn khác, viết truyện ngắn liên quan đến làng Tây Nguyên, cho một nhân vật vào làng mua lông gà lông vịt là cái thứ mà không thể có ở làng Tây Nguyên. Thứ nhất, lông vịt thì quý hơn lông gà, người ta mua chủ yếu là lông vịt, tiện thể thì mua lông gà với giá rẻ hơn rất nhiều. Nhưng vịt thì người Tây Nguyên không có truyền thống nuôi, vì nó là loài thủy cầm. Thứ hai, người Tây Nguyên làm thịt gà không nhúng nước vặt lông như người Kinh, mà họ đốt, đã đốt thì làm gì còn lông mà mua.
Kể vậy để thấy cái nguy nhất là chúng ta ngồi tưởng tượng ra làng, ra nông thôn, rồi bắt nó phải thế, phục vụ cho ý muốn chủ quan của chúng ta.
Nhưng, Tết mà về làng thú vị hơn rất nhiều lần ở phố, dù có khi ta sẽ phải trải qua "một cuộc hành xác vĩ đại" trên đường để về được với làng, với ngôi nhà êm ấm của đại gia đình chúng ta, ở đấy có ông bà, bố mẹ, có đêm giao thừa, có những lễ hội đang chờ, có mùa Xuân phập phồng thức mở với chỉ riêng đặc trưng làng.
Bình luận (0)