xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Về "làng ở đô thành", quá đã!

Bài và ảnh: Nguyễn Các Ngọc

Nhớ mỗi lần đi chợ quê ở Củ Chi không nhiều thì ít, ai cũng xách túi lỉnh kỉnh nào bánh, khoai mì, rau choại, rau móp chua, đọt lang, đọt bầu, đọt bí, đậu rồng, nấm, trứng vịt chạy đồng

Thành phố trong những ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 yên ắng, vắng vẻ không thể tả, đến nỗi biết bao người thèm lại cảnh ồn ào, đông đúc, thậm chí cả kẹt xe từng làm mình mệt nhoài.

Vắng hai mùa đi chơi vườn

Nhóm bạn dã ngoại chúng tôi ai cũng nhớ những lần muốn xa sự ồn ào, đông đúc của đô thị này đã hay rủ nhau đi Củ Chi, về một làng quê bên sông Sài Gòn còn giữ bao nét mộc mạc, có những vườn cây, ruộng đồng trong các xóm ấp bình yên. "Về làng ở đô thành" là cách mà chúng tôi gọi những chuyến đi Củ Chi thay đổi không gian sống ấy, dù chỉ một ngày.

Tới Củ Chi, thích nhất là dịp hè, khi các vườn cây ở xã Trung An vào mùa trái chín. Nhiều gia đình ở đây có vườn trái cây rộng trồng chôm chôm, măng cụt, bòn bon, dâu da, mít... Để đón khách suốt mùa, vườn nào cũng được dọn dẹp, tạo những khoảng không gian sạch sẽ dưới các hàng cây trĩu quả cho khách có chỗ ngồi chơi, ăn uống.

Về làng ở đô thành, quá đã! - Ảnh 1.

Đến Củ Chi (TP HCM), khách được hái chôm chôm ở vườn ăn “bao bụng”

Tâm sự với chúng tôi qua điện thoại, ông Hồ Văn Sĩ, chủ vườn trái cây Chín Quến, giọng buồn thiu: "Năm ngoái, dịch bệnh rơi đúng vào đầu hè, chúng tôi thất thu một mùa đón khách du lịch. Cả năm chăm sóc lại vườn cho tươi tốt, hy vọng mùa du lịch hè năm nay. Đùng một cái, dịch bùng trở lại. Tết Đoan ngọ được xem là ngày mở đầu mùa du lịch, vậy mà các vườn trái cây ở Trung An phải đóng cửa hết từ tháng 4 âm lịch. Vừa rồi, chôm chôm chín rộ, nhà vườn phải hái bán rẻ cho thương lái; còn bòn bon, măng cụt, dâu da, mít đem bán bị trả rẻ quá, tôi hái chia cho bà con lối xóm ăn còn có cái tình hơn".

Nhiều người sống ở TP HCM lâu năm vẫn chưa chắc biết thú đi chơi vườn vào dịp Tết Đoan ngọ ở Củ Chi. Hồi trước, chúng tôi hay đi chơi vườn ở miền Tây hoặc qua Lái Thiêu (Bình Dương). Từ khi biết khu Trung An có cả chục vườn trái cây lớn mở đón khách từ Tết Đoan ngọ đến hết mùa hè thì chúng tôi đi Củ Chi, hưởng cảm giác "về làng ở đô thành" thấy thú vị hẳn.

Các vườn trái cây thu phí kiểu "bao bụng", chỉ khoảng 40.000-50.000 đồng/người; được cắm trại không tính giờ, chụp ảnh, hái trái cây trong vườn ăn thỏa thích nhưng ai nấy nhắc nhau đừng hái quá nhiều, ăn không hết thì phí của chủ vườn, còn muốn mang trái cây về thì cứ cân rồi trả tiền theo giá chủ vườn đã niêm yết.

Chủ vườn Chín Quến mà chúng tôi hay ghé, giới thiệu bà Ba nấu ăn khá ngon, thích nhất là món gỏi gà rau móp. Ở Bình Dương, Tây Ninh cũng có rau móp nhưng người Củ Chi đã "xí phần" rau móp là đặc sản của địa phương mình và quảng bá các món ăn từ rau móp gần 20 năm rồi. Có lần đến vườn trái cây Tư Tuấn, chúng tôi ngỏ ý muốn có dịp trải nghiệm hái rau móp như thế nào, ông chủ vườn đồng ý ngay và dẫn ra ao rau móp của nhà mình.

Trước kia, cây móp gai mọc dại. Món ngon từ loại rau sạch này được ưa thích, nhanh chóng phổ biến thành đặc sản. Nhu cầu ngày càng nhiều, người dân làm mương, đào ao, ruộng chuyên canh móp.

Rau móp không phải muốn hái là bước xuống ao liền. Phần lá già của cây móp có nhiều gai giữa thân nên người đi hái phải mặc quần áo dài phủ hết tay chân, đeo bao tay để không bị xước da. Kỹ hơn, nhà ông Tư Tuấn còn sắm quần bảo hộ bằng nhựa dẻo dày không thấm nước, kéo kín từ chân đến lưng để lội xuống ao hái rau móp không bị ướt. Chúng tôi được cho mượn quần đặc biệt và bao tay để trải nghiệm, được chỉ cho là hái phần thật non, suôn dài, màu xanh nhạt hay hơi nâu, lá búp.

Nghe bà Ba nói rau móp tươi có thể chần nước sôi rồi bóp gỏi hay xào, nấu canh chua, nhúng lẩu đều ngon. Bà cũng chỉ cách làm rau móp chua. Thế nên, lần nào chúng tôi cũng mua 20-30 kg rau móp về vừa để ăn vừa làm quà.

Còn mấy lần vào Khu Nông nghiệp công nghệ cao, thú vị nhất là được tự thu hoạch những tai nấm bào ngư mới bung từ bịch phôi, mát cả tay. Nấm mới hái giòn dai và vị ngọt, về nấu món nào cũng ngon.

Giờ đã hết mùa trái cây ở Củ Chi. Nhớ những gương mặt chân chất của nhà vườn vui vẻ đón khách. Tuân thủ giãn cách xã hội theo chỉ thị phòng chống dịch mà ước "hết dịch, đi hái rau móp thôi cũng được".

Mong được đi chợ quê

Những đường làng hầu như đã trải nhựa cho thuận tiện giao thông nhưng Củ Chi vẫn không mất đi dáng dấp một làng quê. Chợ ở Củ Chi còn giữ nét chợ nông thôn.

Về làng ở đô thành, quá đã! - Ảnh 2.

Khi chưa có dịch, khách thành thị lên chợ ở Củ Chi thấy cá, cua, ếch đồng là mê

Về làng ở đô thành, quá đã! - Ảnh 3.

Hàng bánh trong chợ Tân Thông ở Củ Chi lúc chưa có dịch Covid-19

Trong xã Tân Thông Hội có một chợ nho nhỏ họp trên đường làng vào buổi sáng đậm nét chợ quê. Ngoài những người bán thường xuyên, có không ít người dân mang rau trái nhà trồng, gà, vịt nhà nuôi, trứng vịt chạy đồng, trứng gà nuôi thả, rau móp muối chua nhà làm ra để bán kiếm tiền đi chợ.

Củ Chi nằm bên sông Sài Gòn, lắm kênh, rạch nên tép sông, cá, cua, ếch đồng, ốc ruộng nhiều. Hầu như ngày nào cũng có người đi bắt, mang ra chợ trên đường làng này vài rổ tép nhảy xoi xói, cá lóc, cá trê đồng; vài thau ốc bươu, cua đồng bò lổn ngổn; mùa mưa còn có thêm ếch mới đi soi đêm trước. Dân thành thị thấy mấy thứ này là mê.

Còn tới chợ Tân Thông lần nào cũng vậy, chúng tôi thích vô khu bán hàng đồng quê ở mé bên phải. Bước vào ngay đầu ngõ bán bánh đã không cưỡng nổi với nồi khoai mì hấp nước cốt dừa thơm lừng, rồi đến hàng bán các loại bánh hấp, bánh nướng, hàng bánh tét, bánh ú, bánh ít, không ai mà không mở ví tiêu tiền.

Nhớ mỗi lần đi chợ quê ở Củ Chi không nhiều thì ít, ai cũng xách túi lỉnh kỉnh nào bánh, khoai mì, rau choại, rau móp chua, đọt lang, đọt bầu, đọt bí, đậu rồng, nấm, trứng vịt chạy đồng... Ngày hên còn mua được dưa lưới, dưa hoàng kim người dân trồng tự mang bán, dấu cắt cuống trái dưa còn tươi rói.

Nhiều món dân dã, ngon, lạ

Các món ăn từ rau móp chỉ là một phần nhỏ trong kho ẩm thực dân dã ở Củ Chi.

Về làng ở đô thành, quá đã! - Ảnh 4.

Nông dân Củ Chi thu hoạch rau móp

Nhớ một chuyến đi có 10 người, chúng tôi đã đặt chị Cẩm ở xã An Nhơn Tây làm bữa trưa với các món đồng quê Củ Chi. Chị Cẩm hấp khoai mì nước cốt dừa rồi quết nhuyễn mịn cho chúng tôi cuốn bánh tráng chung với tép và cá ruộng rang, cuốn thêm ít rau thơm, đậu rồng, dưa leo, rồi chấm với mắm chua. Khoai mì bùi và béo kết hợp với vị ngọt của tép - cá ruộng, vị thanh mát của rau, quyện vào vị mặn mặn chua chua của mắm cá chua (cũng là một đặc sản Củ Chi) thì thật tuyệt!

Ếch đồng đầu mùa mưa đã có. Chị Cẩm làm món ếch rim nước mắm, ăn kèm các loại rau rừng. Ốc bươu cuộn thịt ba chỉ nướng chấm nước mắm thấm cũng là món lạ miệng khôn tả. Nước mắm thấm là một loại nước chấm đặc biệt để ăn với các món nướng rất "bắt", người dân Củ Chi tự pha chế theo bí quyết riêng, ở chợ không có bán, mà bảo đảm dùng thử rồi đều muốn xin một ít. Hình như đã từng biết ý khách thành thị như vậy nên chị Cẩm chuẩn bị nước mắm thấm khá nhiều để tặng cho chúng tôi mang về. Còn mắm cá chua, chị chỉ chúng tôi cứ ghé chợ xã nào cũng có.

Món kết của bữa ăn mà chị Cẩm mang ra là cháo cá lóc bầu. Cá lóc ruộng không to như cá lóc nuôi nhưng thịt dai chắc và thơm hơn. Bầu là loại bầu sao, nấu trong nước, ngọt vị. Múc muỗng cháo nóng, vừa thổi vừa húp, hương vị cứ đậm đà nơi miệng, ăn no mà không nghe nặng bụng.

Lần khác gặp chị Nguyễn Thị Gái ở xã Tân Thông Hội, chúng tôi được biết bánh ú nhân hạt điều là một món đặc biệt, thường dịp giỗ, Tết, các gia đình ở Củ Chi mới làm để đãi khách. Thấy chúng tôi muốn làm bánh ú hạt điều, chị Gái hẹn lần lên sau nhớ báo trước. Thế là 2 tháng sau đó, chúng tôi hẹn lên, chị Gái mua sẵn nếp, hạt điều, thịt ba rọi, lá chuối, dây lạt về gói cho chúng tôi hơn 100 cái bánh ú. Quả là bánh ú nhân hạt điều ngon hơn bánh ú nhân đậu xanh. Không phải vì hạt điều mắc tiền hơn mới nói vậy, mà thiệt là hạt điều làm cho bánh ú thơm bùi khác hẳn, cắt bánh ra trông cũng hấp dẫn.

Làng bánh tráng Phú Hòa Đông ngày nay đã lên sản xuất công nghiệp gần hết nhưng lò tráng bánh của chị Quế Châu vẫn còn làm thủ công. Muốn mua bánh tráng để cuốn thì chỉ cần vào siêu thị là có hàng của Củ Chi. Chúng tôi ghé lò thủ công là vì ghiền bánh tráng tôm, bánh tráng gừng mè chị Châu làm.

Bao nhiêu món dân dã được ăn, đã mua, vậy mà lần nào trên đường về, ghé vào quán nước mía Vườn Cau, uống ly nước mía sầu riêng, nước mía đậu xanh ngọt thơm, ai nấy cũng mang về thêm bánh ít khoai mì nữa mới chịu.

Nhớ nước mắm thấm có thể hỏi chị Cẩm cách làm, dù làm không ngon bằng nhưng muốn ăn bánh ú nhân hạt điều thì phải chờ dịch Covid-19 qua đi thôi. Nhớ quá những ngày "về làng ở đô thành"! Mong TP HCM nhộn nhịp lại như ngày nào. 

"Thành phố đã vào mùa mưa, bỗng nhớ mấy rổ tép nhảy xoi xói, cá lóc, cá trê đồng quẩy tung tóe, cua đồng bò lổn ngổn ở chợ làng, nhớ cảnh mua ốc bươu hay xách liền xâu ếch người dân mới đi soi đêm trước mang ra bán...
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo