xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Về quê hương

MINH KHÔI. Ảnh: giang sơn đông

Trong lúc rất cần thông tin cho kiều bào biết quan điểm của Đảng và nhà nước về hòa giải, hòa hợp dân tộc thì còn gì bằng thông qua báo chí của chính kiều bào.

Trong hanh hao nắng gió phương Nam một ngày cuối năm, tôi ngồi hàn huyên cùng đại sứ Lê Quốc Hùng - người đã 40 năm gắn bó với ngành ngoại giao, nay nghỉ hưu nhưng vẫn nhiệt tình tham gia các khóa giảng dạy về kỹ năng đối ngoại tại nhiều nơi ở TP HCM cũng như các tỉnh phía Nam.

Chuyện nào của hoạt động ngoại giao ông cũng nhớ kỹ đến từng chi tiết nhưng ấn tượng nhất với tôi là cái thời ông làm Tổng Lãnh sự Việt Nam ở San Francisco (Bắc California, Mỹ). Loanh quanh nhiều với những ký ức, rốt cuộc tôi với ông lại quay về với cuộc tiếp xúc của ông với báo giới người Việt tại Nam California vào dịp Xuân 2011.

Sự kiện này, ông Hùng nói là đáng nhớ nhất trong đời làm ngoại giao của mình. Bấy giờ, tuần báo Việt Weekly (trụ sở tại California) số từ ngày 17 đến 23-3-2011 không chỉ dành hầu hết các trang nội dung mà còn đăng nguyên ảnh bìa 1 về sự kiện này với dòng chữ lớn "Sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử báo chí Việt ngữ tại quận Cam. Các nhà báo phỏng vấn, thu hình trực tiếp Tổng Lãnh sự Lê Quốc Hùng".

Về quê hương - Ảnh 1.

Tổng lãnh sự gặp gỡ báo chí là hoạt động đối ngoại bình thường nhưng vì sao cuộc gặp này lại có một dấu ấn đặc biệt? Theo đại sứ Lê Quốc Hùng, có 2 lý do: "Thứ nhất, bấy giờ thông tin về tình hình trong nước đến với Việt kiều còn hạn chế. Nhiều người vì thiếu thông tin mà giữ quan điểm cực đoan, chống cộng quyết liệt. Thứ 2, đoàn của Tổng lãnh sự quán chỉ xuống đó để tôi chia tay Việt kiều và đối tác trước khi hết nhiệm kỳ nên phát sinh việc tiếp xúc báo chí thì chưa có sự chuẩn bị. Mà trong danh sách họ đề xuất, có cả những người như nhà báo Nguyễn Phương Hùng - chủ trang mạng KBC hải ngoại, là người tự nhận chống cộng quyết liệt".

- Nếu ngại thì ông vẫn có quyền từ chối cuộc tiếp xúc này?

Nghe tôi hỏi, đại sứ Lê Quốc Hùng cười:

- Vâng, thì anh em họ cũng khuyên thế. Báo giới họ hay xoay vấn đề, mình là nhà ngoại giao nên sơ hở câu chữ là không hay. Cuộc phỏng vấn lại không nằm trong chương trình khi tôi đi quận Cam để chúc Tết và cũng là chia tay với bà con trước khi kết thúc nhiệm kỳ hơn nữa cũng chưa có tiền lệ (Trước đây, khi muốn phỏng vấn, các nhà báo thường đưa câu hỏi trước để người được phỏng vấn chuẩn bị sẵn và trả lời bằng văn bản) lần này họ yêu cầu phỏng vấn trực tiếp. Sau khi cân nhắc các mặt, dù rất thận trọng nhưng tôi vẫn quyết định gặp.

- Ông có thấy như vậy là hơi liều không?

"Sau này nghĩ lại thì thấy đúng là liều thật" - ông Hùng thừa nhận, rồi tiếp: "Nhưng lúc ấy chỉ nghĩ là quan điểm của Đảng và nhà nước về hòa giải, hòa hợp dân tộc là nhất quán. Nói điều này là tôi nhớ chú Võ Văn Kiệt nguyên Thủ tướng Chính phủ. Ngày lên đường sang Mỹ, tôi đến chia tay chú, chú dặn làm gì thì làm nhưng phải luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, lấy lợi ích dân tộc làm thước đo thì chắc chắn không bao giờ sai. Lời căn dặn của chú đã làm tôi vững tin hơn trong quyết định của mình. Hơn nữa, trong lúc rất cần thông tin cho kiều bào rõ thì đây chính là cơ hội, còn gì bằng thông qua báo chí của chính kiều bào. Vấn đề là mình phải thẳng thắn, cởi mở nhưng trên tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc thật sự thì không có gì phải ngại cả".

Về quê hương - Ảnh 2.

Đại sứ Lê Quốc Hùng (giữa) trả lời phỏng vấn của các nhà báo Ảnh: Anh Hùng

Buổi tiếp xúc chiều ấy đã diễn ra trong hơn 1 giờ, tại quận Cam - nơi được mệnh danh là trung tâm chống cộng số 1 của nước Mỹ và cũng của cộng đồng hải ngoại. Theo Việt Weekly, ông Lê Quốc Hùng đã trả lời thẳng thắn tất cả các câu hỏi nên cuộc trò chuyện là "nghiêm túc, tôn trọng lẫn nhau và đạt được nhiều giá trị thông tin cần thiết cho độc giả".

Ông Lê Quốc Hùng còn nhớ với câu hỏi nhạy cảm "có những người tham gia các hoạt động chống đối nhà cầm quyền Việt Nam, liệu khi họ về thăm thân nhân có bị nhà nước trả thù, bắt bớ không?", ông đã khẳng định: "Nhà nước Việt Nam luôn khuyến khích bà con về thăm quê hương với điều kiện là không lợi dụng chuyến thăm để có những hoạt động vi phạm pháp luật hoặc xâm phạm an ninh quốc gia. Nếu các anh thấy có trường hợp nào bị làm khó dễ, xin cứ cho chúng tôi biết, Tổng lãnh sự quán sẽ hỗ trợ cho các anh về. Miễn là đừng lợi dụng để hoạt động chính trị".

Trước câu hỏi của các nhà báo Việt kiều về quan điểm đối với những người có quan điểm khác biệt, cụ thể là tham gia biểu tình ở Mỹ để chống đối chính quyền trong nước, Việt Weekly tường thuật rằng ông Lê Quốc Hùng đã trả lời: "Chiến tranh qua đi đã hơn 30 năm nhưng một bộ phận trong cộng đồng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để đồng hành cùng dân tộc. Hoàn cảnh bỏ nước ra đi của mỗi người mỗi khác nên việc khác nhau về quan điểm cũng là bình thường. Tôi thực sự rất buồn và luôn trăn trở với câu hỏi tại sao Việt Nam với Mỹ là hai cựu thù mà đã bắt tay nhau, cùng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai trong khi một bộ phận trong cộng đồng vẫn nuôi dưỡng hận thù với quê hương đất nước? Điều này nói lên hòa giải, hòa hợp dân tộc không hề đơn giản và phải có thiện chí từ cả hai phía. Nhìn lại quá khứ để rút ra bài học cho hiện tại và tương lai chứ không nhắc lại quá khứ để khơi sâu thêm thù hận. Một dân tộc mạnh là một dân tộc biết khép lại quá khứ để vươn tới tương lai".

Sau cuộc phỏng vấn này, được sự bảo đảm của Tổng Lãnh sự quán nhiều nhà báo Việt kiều đã lần lượt trở về Việt Nam trong đó có nhà báo Nguyễn Phương Hùng. Trên báo chí người Việt ở Mỹ, ông cho biết vì tin tưởng lời của ông Lê Quốc Hùng mà ông quyết định về Việt Nam sau 35 năm ly hương. Ngày ra thăm mộ cha mẹ ở Đồng Nai, ông Nguyễn Phương Hùng đã khóc, xin lỗi cha mẹ và tự ví mình là "đứa con bất hiếu" do bị mờ mắt vì sự xuyên tạc của truyền thông chống cộng để đến nỗi ngày cha mẹ mất cũng không dám về đưa tiễn.

Từ đó tới nay, hầu như hằng năm, nhà báo Nguyễn Phương Hùng đều về thăm quê hương. Ông cũng đã có dịp được cùng vợ là ca sĩ Lệ Hằng ra thăm và giao lưu cùng các chiến sĩ ở Trường sa. Năm 2017, ông Nguyễn Phương Hùng lại được tham gia đoàn các nhà báo quận Cam đến để đưa tin về Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Những chuyến về thăm quê hương, được mắt thấy tai nghe về tình hình đất nước đã làm thay đổi tư duy của nhà báo một thời chống cộng Nguyễn Phương Hùng và gây xôn xao trong nhóm người chống cộng cực đoan ở quận Cam. Đã có những vụ kiện tụng, những làn sóng kêu gọi tẩy chay không chỉ ông Nguyễn Phương Hùng mà cả với vợ ông.

Trong một lần gặp lại, đại sứ Lê Quốc Hùng hỏi ông Nguyễn Phương Hùng:

- Theo tôi được biết, việc anh về nước và đưa những thông tin, hình ảnh chân thực về đất nước cho bà con bên đó đã gây phản ứng rất mạnh từ phía những người chống cộng cực đoan bên Mỹ. Họ còn nói là anh "trở cờ", anh không sợ sao?

- Tôi làm theo phận sự và lương tâm của một nhà báo, đưa những thông tin xác thực, khách quan cho độc giả về quê hương đất nước - nhà báo Nguyên Phương Hùng trả lời.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo