Chộn rộn
Tham gia cách mạng từ những ngày còn rất trẻ, 3 cô gái Nguyễn Thị Xuân (SN 1947), Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1951; nguyên cán bộ Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 1, TP HCM) và Nguyễn Thị Cúc (SN 1952, bí danh Mười Thu, nguyên Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - đã mất) thuộc các tổ khác nhau của Đội Võ trang tuyên truyền Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định. Họ đều chung hoàn cảnh bị địch bắt và đày ra Côn Đảo.
Trải qua những tháng ngày bị tra tấn, hành hạ dã man, 3 cô vẫn giữ vững khí tiết, được kết nạp Đảng trong tù. Năm 1974, sau khi được trao trả tại Lộc Ninh, họ cùng 2 nữ chiến sĩ khác (được vinh danh là "5 nữ chiến thắng") được tiếp nhận công tác, học tập tại căn cứ R (Trung ương Cục miền Nam).
Tháng 4-1975 bắt đầu với những chiến thắng vang dội. Cả khu căn cứ R luôn chộn rộn. Giữa tháng 4, cả "5 nữ chiến thắng" vốn xuất thân từ Sài Gòn được tập trung đi học tại một khu bí mật ở Tà Thiết - Bình Phước. Sau này, khi thăm lại, họ mới biết đó là cơ quan Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Trong những buổi học này, các nữ chiến sĩ được dặn dò về đường lối, chính sách; về cách đối xử với phía bên kia như thế nào khi ta tiếp quản; sinh hoạt và hoạt động ra sao khi trở về thành phố...
Các nữ chiến sĩ tham gia lớp học vào tháng 4-1975 tại căn cứ R Ảnh: THÉP MỚI
Bà Nguyễn Ngọc Ánh nhớ lại: "Tại lớp học, các cấp lãnh đạo luôn nhắc nhở khi về thành tiếp quản, cán bộ, chiến sĩ phải thực hiện đúng chính sách, đường lối: Không được đập phá, phải gìn giữ tài sản của chính quyền cũ. Với những người từng phục vụ chính quyền Sài Gòn, chúng ta không được phân biệt đối xử mà phải giúp họ hiểu đúng về cách mạng, về những người giải phóng, để họ có thể trở về hòa nhập cùng gia đình, người thân và đồng bào".
Riêng với nhóm nữ chiến sĩ nêu trên, các cô còn được tập luyện lái xe máy, ôtô để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những ngày đầu tiếp quản.
Vỡ òa
Sáng 30-4-1975, khi 5 cánh quân bắt đầu tiến vào Sài Gòn cũng là lúc các cô được tập hợp và nhận lệnh trở về thành phố thân yêu. Cảm xúc dâng trào khi nhóm 5 nữ chiến sĩ được chuyển công tác về Ủy ban Quân quản.
Các nữ chiến sĩ từ căn cứ R về Sài Gòn ngày 30-4-1975
Trong đó, 3 nữ chiến sĩ Xuân, Ánh, Cúc giỏi bắn súng, lái xe và rành đường phố Sài Gòn được giao nhiệm vụ làm giao liên hỏa tuyến của Văn phòng Ủy ban Quân quản. Khi ấy, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Cục miền Nam Phạm Ngọc Lân (Mười Tê) tin tưởng: "Tôi bảo đảm 3 đồng chí Xuân, Ánh và Cúc sẽ làm tốt nhiệm vụ. Các đồng chí ấy từng là giao liên và chiến sĩ biệt động của lực lượng võ trang Thành Đoàn".
Bà Nguyễn Thị Xuân (bìa trái) và bà Nguyễn Thị Cúc tại Dinh Độc Lập ngày 1-5-1975 Ảnh: THÉP MỚI
Ngày trở về thành, khi đoàn dừng chân tại Bến Súc - Củ Chi để ăn trưa, tin chiến thắng khiến các cô gái xúc động vỡ òa. Chứng kiến giây phút ấy, nhà báo - nhà văn Thép Mới, đang ngồi chung chiếc xe Com-măng-ca, đề nghị chụp một tấm ảnh các nữ chiến sĩ xinh đẹp.
Về đến Sài Gòn, nhóm được tăng cường 2 người, nhanh chóng tiếp quản một số dinh thự quan chức, trụ sở cơ quan chế độ cũ sau một đêm nghỉ tại Trường Kỹ thuật Phú Thọ (nay là Trường ĐH Bách khoa TP HCM).
Tự hào
Ngay khi về đến Sài Gòn và nhận nhiệm vụ giao liên hỏa tuyến của Ủy ban Quân quản giao, 3 cô Xuân, Ánh, Cúc vừa mừng vừa lo.
Họ vốn là dân Sài Gòn, từng hoạt động trong Đội Võ trang tuyên truyền Thành Đoàn, quen thuộc đường sá thành phố như lòng bàn tay. Thế nhưng, sau 6-7 năm xa Sài Gòn, các cơ sở cũ đã nhiều thay đổi, đâu đó vẫn lẩn khuất tàn quân chế độ cũ khiến tổ giao liên có nhiều lo lắng, căng thẳng.
Bà Nguyễn Thị Xuân bồi hồi: "Tôi được giao nhiệm vụ đưa thư mời dự họp đến cựu tổng thống chính quyền Sài Gòn Trần Văn Hương. Nội dung thư được giữ bí mật. Tôi với Ánh khi đến nhà ông Trần Văn Hương liền dõng dạc báo tên, nói mình là người của Ủy ban Quân quản. Chúng tôi đi riêng trên chiếc xe Honda 90 được cấp, không có lực lượng vũ trang hộ tống để tránh hiểu nhầm. Khi vào đến nơi, trao thư tận tay ông Trần Văn Hương xong và trở ra an toàn, 2 chị em mới thở phào nhẹ nhõm".
Trong khi đó, nữ giao liên Nguyễn Ngọc Ánh nhận nhiệm vụ giao thư đến Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn trên đường Phan Đình Phùng - nay là đường Nguyễn Đình Chiểu. Đường sá Sài Gòn lúc ấy vắng lặng, khu vực này lại nhiều nhà kín cổng cao tường.
Bà Ánh kể lại: "Vừa đi, chúng tôi vừa cảnh giác, súng lên đạn sẵn, cầm trên tay. Trên đường, chúng tôi phải liên tục quan sát để bảo đảm an toàn. Khi đến nơi, sự hòa nhã, tiếp đón ân cần của các linh mục khiến chúng tôi nhẹ nhõm. Chính nghĩa của cách mạng đã được ghi nhận từ phía những người mà chúng tôi từng lo ngại".
Ngày 1-5-1975, tổ giao liên được gọi vào Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) để gặp một cán bộ an ninh. Sau những câu chào hỏi thông thường, từng người trong tổ trả lời các câu hỏi liên quan lý lịch cá nhân, quá trình tham gia cách mạng, thời gian tù đày...
Vài ngày sau, tổ giao liên được điều ra sân bay Tân Sơn Nhất đón Bác Tôn Đức Thắng cùng đoàn cán bộ trung ương vào Sài Gòn. Tổ còn được đặc cách đi xe đầu tiên để dẫn đoàn tham quan thành phố vừa được giải phóng...
Sau này, trải qua nhiều cương vị công tác và nhiều thăng trầm trong cuộc sống nhưng với bà Nguyễn Thị Xuân và Nguyễn Ngọc Ánh, mỗi khi nhớ lại những ngày đầu về thành tiếp quản, quãng thời gian đó luôn là ký ức không phai mờ. Mỗi khi tụ hội cùng con cháu hay họp mặt với những đồng chí năm xưa, ánh mắt họ luôn ngời sáng niềm tự hào, hồi tưởng về một thời tuổi trẻ hăm hở xuống đường, chiến đấu ngày nào.
Bình luận (0)