Mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc một cơ sở đóng gói. Đây là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế. Muốn được cấp MSVT thì phải bảo đảm diện tích vùng trồng tối thiểu 10 ha với cùng một loại cây trồng, bảo đảm về yêu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)...
Thời gian qua, ĐBSCL đã tận dụng lợi thế để đưa ra chính sách xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhiều vùng nguyên liệu đã dần hình thành.
"Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu chưa được tổ chức và quản trị tốt, hạ tầng chưa bảo đảm, thiếu thông tin dữ liệu sản xuất để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, hàng hóa liên vùng phục vụ chế biến và xuất khẩu" - ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ, địa phương này đã cấp 28 mã số cho 13 vùng trồng cây sầu riêng, với diện tích hơn 200 ha. Ông Lý Văn Tịnh, Giám đốc HTX Trường Trung A (TP Cần Thơ), nói: "HTX đang đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn làm hồ sơ để cấp MSVT cho 28 ha trồng cây sầu riêng. Có một công ty xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc đã liên hệ bao tiêu sầu riêng của HTX nhưng điều kiện vùng trồng phải được cấp mã số. Khi được cấp, sầu riêng sẽ xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường khác, không riêng gì Trung Quốc".
Xây dựng mã số vùng trồng là điều kiện bắt buộc để xuất khẩu. Ảnh: NGỌC TRINH
Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây (Bến Tre), cho hay cơ sở này đã đăng ký chính thức 2 vùng trồng và đang lập hồ sơ 1 vùng trồng nữa cho bưởi da xanh với 50 ha, gửi Cục BVTV. Trong đó, cơ sở liên kết với hàng chục nông dân và HTX với diện tích trên 10 ha. Ông Hưng cho rằng khi nông dân tham gia làm MSVT sẽ được hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng theo chuẩn để nâng cao chất lượng và xuất khẩu đi nhiều thị trường, điển hình là Mỹ.
Theo ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Vạn Hòa (chuyên xuất nhập khẩu nông sản), MSVT là quy định bắt buộc của các nước nhập khẩu như: Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ... Trong đó có các điều kiện mà đơn vị sản xuất là HTX, tổ hợp tác phải cam kết trong quy trình sản xuất. Những mã định danh này là yêu cầu bắt buộc, gần như không có lựa chọn khác.
"Khi nông dân tham gia áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu thì dần dần năng lực sản xuất của họ sẽ chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt từ những thị trường dễ tính, căn cứ từ cơ sở đó tiến hành tiếp cận những thị trường khó tính hơn thông qua áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất" - ông Lê Anh Trung nhận định.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), cho rằng xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng MSVT thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn vì tập quán sản xuất, bán buôn của nông dân. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc siết lại tiêu chuẩn nhập khẩu, nông dân nhận thức phải gia nhập HTX, xây dựng vùng nguyên liệu lớn mới xuất khẩu được.
"Ngoài chuyện có MSVT, đáp ứng dư lượng thuốc BVTV thì yếu tố quan trọng nữa là chuỗi liên kết (sản phẩm bán cho doanh nghiệp, cơ sở đóng gói). Liên kết chuỗi không chỉ là hình thức giao thương "thuận mua vừa bán" mà là điều kiện bắt buộc để xuất khẩu" - bà Vy nhận định và nói thêm là địa phương cần tuyên truyền cho người dân hiểu xây dựng MSVT là điểm trọng yếu, là vé thông hành để có thể bán được sản phẩm.
Sợ nông dân "bẻ kèo"
Mới đây, khi dự một diễn đàn tại TP Cần Thơ, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho biết có một công ty chế biến tương ớt tại TP HCM phản ánh không thể nào đặt hàng trực tiếp với hộ nông dân để hướng dẫn tiêu chuẩn trồng. Vì đặt hàng thì tới lúc thu hoạch được giá là nông dân bán cho người khác. "Chúng tôi cũng có những mặt hàng không đặt hàng được, nên cần các địa phương kết hợp doanh nghiệp tạo vùng trồng theo đúng tiêu chuẩn thị trường đặt ra" - bà Chi đề xuất.
Bình luận (0)