Cùng nhóm Tình "trọc" vào quán karaoke IDOL vài lần, chúng tôi tiếp cận được 3 tiếp viên có tên T., L. và M. Cả 3 cô đều cho biết được người đàn ông tự giới thiệu tên Quân (32 tuổi, nói giọng miền Trung) lừa đưa vào đây sau khi nhận "tiền thế chân" 5,5-6 triệu đồng.
Người đàn ông giới thiệu tên Quân bị các cô gái tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tiền “môi giới”. (Ảnh cắt từ clip)
"Họ gài bẫy tụi em"
T. (23 tuổi, quê Đồng Nai) kể từng làm kế toán cho một công ty ở Bình Dương. Sau đợt dịch Covid-19, công ty làm ăn thua lỗ, T. nghỉ việc rồi lên mạng tìm kiếm công việc mới. Vào Facebook có tên Huy karaoke & club đang tuyển nhân viên, T. gọi vào số điện thoại thì người đàn ông tên Quân yêu cầu kết bạn qua Zalo để trò chuyện.
Quân cho biết làm việc ở quán karaoke lớn tại Bình Dương, lương 7 triệu đồng/tháng, tiền "bo" ngày hơn 800.000 đồng. Quán làm từ sáng đến 22 giờ thì hết nhận khách. Tiếp viên ở lại quán, một tháng được nghỉ 4 ngày, không bị ép phục vụ khách và không mất tiền môi giới.
Tin nhắn Quân dụ dỗ các cô gái vào các quán karaoke ở Bình Dương với mức lương và tiền “bo” cao. Ảnh: NGUYỄN NGUYÊN
Sau khi T. đồng ý, Quân hướng dẫn đón Grab xuống một quán nhậu gần quán karaoke IDOL (đường N2, phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) để gặp mặt. Tại đây, Quân gọi một nam thanh niên đến chở T. sang quán karaoke IDOL để phỏng vấn, người này yêu cầu đóng "tiền thế chân" 5,5 triệu đồng. Khi T. hỏi lý do đóng tiền, người này nói làm theo lời dặn của Quân. Sau đó, quản lý quán karaoke IDOL lấy tờ giấy ra làm hợp đồng rồi yêu cầu T. chuyển tiền vào tài khoản.
Chị T. kể về việc bị Quân và chủ quán IDOL móc nối lấy 5,5 triệu đồng “tiền thế chân”. Ảnh: NGUYỄN NGUYÊN
T. được sắp xếp làm tiếp viên phục vụ chung với nhóm M. (quê miền Tây) và L. (quê Gia Lai). Trong khi phục vụ, không quen cảnh khách sờ soạng, T. nhiều lần bỏ ra khỏi phòng thì bị quản lý nhắc nhở. Do được ít khách lựa chọn, tiền "bo" T. kiếm được mỗi ngày chỉ 300.000 đồng. Trong khi trước đó, T. phải đóng "tiền thế chân" hết 5,5 triệu đồng, tiền mua son phấn, chăn mền… hơn 2 triệu đồng.
Tương tự, M. và L. khi đến quán karaoke IDOL phải vay tiền của chủ quán để đóng "tiền thế chân" từ 5,5-6 triệu đồng, hằng tuần phải trả góp 1 triệu đồng. "Không quen chiều chuộng khách nên em thường xuyên bị la mắng, tiền "bo" kiếm được rất ít, chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Lỡ bị lừa rồi, giờ em cố gắng làm trả hết nợ rồi xin nghỉ việc về quê" - M. bức xúc.
Mới đây, khi chúng tôi gọi điện thoại hỏi thăm, T. cho biết đã nghỉ việc. "Em nghĩ chủ quán và người môi giới có liên hệ với nhau. Họ gài bẫy tụi em khi đến đây xin việc. Nói làm đủ 3 tháng sẽ trả "tiền thế chân" nhưng quán "ế khách", có ai làm lâu được đâu.
Giờ nghĩ đến em còn ức lắm. Mong công an vào cuộc xử lý những thành phần này để nhiều cô gái khác không bị sập bẫy" - T. ấm ức nói và cho biết sau khi nghỉ ở quán karaoke IDOL, T. nhắn tin cho Quân xin được nhận lại một ít "tiền thế chân" nhưng người này đã cắt liên lạc.
Một cảnh thác loạn bên trong quán karaoke IDOL. Ảnh: NGUYỄN NGUYÊN
Bỏ trốn sẽ có chuyện không hay...
Từ lời kể của các tiếp viên quán karaoke IDOL và lời kêu cứu của một số cô gái khác, tìm mọi cách, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được Quân. Ngày 1-6, chúng tôi liên hệ vào số điện thoại 0708166… quảng cáo trên Facebook Huy karaoke & club (chuyên tuyển nhân viên làm việc tại quán karaoke), giọng một người đàn ông giới thiệu tên Quân yêu cầu kết bạn qua Zalo để trò chuyện.
Qua tin nhắn Zalo, Quân đề nghị chúng tôi gửi hình ảnh cá nhân, xác nhận độ tuổi, nơi ở… để xem trước rồi hẹn gặp mặt. Thấy hình ảnh là một cô gái trẻ đẹp, Quân đề nghị đem theo CMND, quần áo để ở lại quán làm việc.
Quân còn ân cần hỏi địa chỉ để cho người đến đón. "Em tự đón xe đến chỗ anh cũng được. Nếu không, anh cho người đến đón, không tốn tiền Grab đâu mà lo" - Quân nói. Khi chúng tôi nói sẽ tự đón Grab, Quân hẹn đến quán nhậu, sau đó đổi sang địa chỉ là quán karaoke Top One trên đường 22, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đến nơi, Quân dẫn chúng tôi vào căn phòng trong quán karaoke này rồi tắt đèn chiếu sáng, chỉ để vài bóng đèn mờ để "phỏng vấn".
Quân giới thiệu đang làm quản lý quán karaoke Top One với nhiệm vụ tuyển nhân viên cho quán. Qua trò chuyện, Quân liên tục hỏi chúng tôi có người yêu chưa, uống được bia không? Quân khoe công ty có nhiều chi nhánh các quán karaoke ở Bình Dương nên rất uy tín.
Quân còn quảng cáo tiếp viên ở đây làm lương cao, gặp khách "sộp" được "bo" rất nhiều tiền. Khi được hỏi về tiền môi giới, Quân phủ nhận và cho biết đó là "tiền thế chân" hay còn gọi là "tiền hợp đồng công việc". Theo Quân, bất cứ cô gái nào tìm đến anh ta đều phải đóng "tiền thế chân" là 5,5 triệu đồng/người.
"Đây không phải là tiền môi giới vì tiền này chỉ có trung tâm xin việc mới thu. Số tiền 5,5 triệu đồng là tiền để tụi anh giữ chân các em, sợ các em bỏ trốn. Làm trên 3 tháng thì các em được lấy lại tiền, còn không đủ ngày thì phải mất số tiền này. Nếu em đồng ý thì anh làm hợp đồng tiền đặt cọc cho yên tâm" - Quân đặt điều kiện.
Chúng tôi nói không có số tiền lớn để đóng, Quân cho biết quán sẽ cho mượn rồi trả góp dần, khi nào hết thì nghỉ việc không ai cấm. Còn trả chưa hết nợ mà bỏ trốn thì sẽ có chuyện không hay. Quân còn quả quyết số tiền 5,5 triệu đồng quán dùng để "lo lót" cho giang hồ và "các sếp". "Mọi việc giang hồ xử lý là chính. Cái nào lớn thì mới phải gọi nhờ…" - Quân quả quyết. Thấy Quân cứ thúc giục ở lại quán làm, chúng tôi lấy lý do quên đem CMND và quần áo, hẹn chiều quay lại. Những ngày tiếp theo, Quân liên tục nhắn tin hỏi thông tin.
Nhiều câu hỏi cần lời giải
Từ những lần thâm nhập vào quán karaoke IDOL, nghe lời kể của các tiếp viên cũng như quá trình tiếp xúc với Quân, thật sự có quá nhiều câu hỏi đặt ra: Quân có phải là kẻ môi giới người cho các quán karaoke thác loạn ở Bình Dương, trong đó có quán IDOL?
Mối liên quan giữa Quân và các quán này là gì? Những hoạt động "bí ẩn" của quán karaoke IDOL tồn tại từ lâu, thậm chí cả thời điểm đang "lùm xùm" việc cô gái tên K. nhảy lầu, vì sao cơ quan chức năng địa phương không hay biết?
Lý do thực sự khiến K. nhảy lầu liệu có như Công an TP Dĩ An từng trả lời Báo Người Lao Động: K. bị thương do tự ý bỏ trốn và bị ngã xuống đất, người của quán karaoke không ép buộc, khống chế hay đe dọa gì, tin nhắn dọa bán thận chỉ là nói đùa?...
Những câu hỏi này rất cần sự vào cuộc điều tra kịp thời của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương.
Kiểm tra hàng loạt quán karaoke
Ngày 13-6, một lãnh đạo Công an TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cho biết tối 12-6, công an kiểm tra đột xuất 8 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn phường Dĩ An. Trong số này, 3 cơ sở vi phạm về an ninh trật tự, chủ yếu phát hiện có hành vi sử dụng ma túy. Qua test nhanh, có 3 người dương tính ma túy và được đưa về phường lập biên bản xử phạt.
Cũng theo vị lãnh đạo này, việc kiểm tra các quán karaoke ở TP Dĩ An nhằm phát hiện những vi phạm trong hoạt động kinh doanh, qua đó có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm cá nhân, tập thể lợi dụng hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. "Việc kiểm tra này là theo kế hoạch" - vị này cho biết.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-6
Kỳ tới: Tràn lan karaoke thác loạn ở Bình Dương
Bình luận (0)