Bồ hòn hay bòn hòn trở nên gần gũi với người Việt khi có nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam nhắc đến: "Ngậm bồ hòn làm ngọt", "Khi thương củ ấu cũng tròn, khi ghét quả bòn hòn cũng méo". Quả bồ hòn chát đắng mà dân gian mượn nó để nói về ý nghĩa nhẫn nhục, chịu đựng (tựa như ngậm bồ hòn) dù bề ngoài vẫn phải tỏ ra vui vẻ, trong câu thành ngữ trên, đang mang lại "vị ngọt" cho người trồng.
Nguyên liệu thiên nhiênhiếm có
Bồ hòn có tên khoa học là sapindus saponaria L., thuộc họ sapindaceae. Cây bồ hòn còn được dân gian gọi trại là cây bòn hòn. Bồ hòn là dạng cây gỗ to, cao khoảng 5 đến 10 m hoặc hơn và thường rụng lá vào mùa khô. Bồ hòn có lá kép lông chim, mọc so le và có hoa lưỡng tính. Quả bồ hòn hình cầu, vỏ ngoài dày, có đường sống nổi rõ; quả khi chín thường nhăn nheo, màu vàng nâu và có hạt đen tròn. Mùa hoa bồ hòn thường rơi vào tháng 7-9 và mùa quả khoảng tháng 10-12.
Tại Việt Nam, bồ hòn phân bố rải rác hầu hết các tỉnh thuộc vùng núi thấp (thường dưới 1.000 m) và trung du, bao gồm các tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Nghệ An, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... Hiện nay, ở một số nơi, cây còn được trồng công nghiệp, làm nguyên liệu cho sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Tất cả các bộ phận của cây bồ hòn đều có thể sử dụng. Lá, quả và hạt bồ hòn sử dụng bào chế dược phẩm, các sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ; sản xuất nước gội đầu, nước giặt quần áo, nước tẩy rửa chén bát… có nguồn gốc tự nhiên. Gỗ bồ hòn khá chắc nên được sử dụng làm đồ nội thất và trong các công trình kiến trúc.
Từ lâu đời nay, ông bà ta đã biết đến công dụng của quả bồ hòn trong làm sạch nên đã sử dụng làm nước tẩy rửa các vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Cho đến khi người Nhật phát hiện trái bồ hòn của Việt Nam sử dụng tốt cho việc sản xuất công nghiệp các sản phẩm tẩy rửa hữu cơ, có nguồn gốc thiên nhiên thì cây bồ hòn mới thực sự trở nên có giá trị.
Các sản phẩm dầu gội đầu, nước rửa chén làm từ trái bồ hòn được nghiên cứu và sản xuất hàng hóa ngày càng nhiều trong nước và rất được người tiêu dùng biết đến, ưa chuộng. Các sản phẩm này đang thay thế dần chất tẩy rửa làm từ hóa chất vô cơ gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người.
Bồ hòn không chỉ là "xà phòng tự nhiên" được dùng nhiều trong cuộc sống mà còn là vị thuốc có tác dụng trị bệnh. Bồ hòn có chứa saponin - chất hoạt tính bề mặt mạnh, trong hạt bồ hòn còn chứa 9%-10% dầu béo. Vì vậy, quả và lá bồ hòn có công dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, tăng cường miễn dịch, làm tan máu bầm, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và các bệnh đường lý hô hấp... Ngoài ra, quả bồ hòn còn có thể hỗ trợ điều trị các vấn đề da liễu; gội đầu bằng nước bồ hòn cũng giúp giảm gàu và nấm tóc. Dùng nước bồ hòn như sữa rửa mặt cũng hỗ trợ trị mụn nhờ đặc tính kháng khuẩn của các thành phần trong thịt quả . Vỏ cây bồ hòn dùng để diệt bọ, rận, chấy. Rễ bồ hòn sắc nước uống có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều trị cảm mạo, làm tan đờm, giảm ho. Hạt bồ hòn có tác dụng chữa hôi miệng, sâu răng...
Cây và quả bồ hòn khi còn xanh
Trái bồ hòn khi khô
Cây và quả bồ hòn khi chín Ảnh: Huy Hoàng
Dư địa thị trường rất lớn
Hiện nay, khi xu hướng sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên được nhiều người ưa chuộng, các loại cây như bồ kết, bồ hòn bắt đầu được quan tâm nhiều hơn. Lợi thế của các sản phẩm mỹ phẩm, chất tẩy rửa dùng sinh hoạt trong gia đình có nguồn gốc từ thiên nhiên là không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, có tác dụng hiệu quả và thân thiện với môi trường; do đó càng được nhiều người tiêu dùng tìm mua. Đặc biệt, người tiêu dùng có thể tự bào chế một cách dễ dàng các sản phẩm này để sử dụng thì bồ hòn được coi là nguyên liệu an toàn cho những người đam mê khám phá, thích tự tay tạo cho mình những sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc, nước tẩy rửa, vệ sinh... hữu cơ.
Các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới; đặc biệt là những người tiêu dùng trong giới nổi tiếng, người giàu lại càng thích sử dụng. Do đó, đối với những nước không tự trồng được các nguồn nguyên liệu tự nhiên này để sản xuất những sản phẩm hữu cơ thì phải nhập khẩu. Bồ hòn ở nước ta đã được xuất khẩu đi một vài nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... và một vài nước thuộc châu Âu. Giá quả bồ hòn tại Việt Nam hiện dao động từ 300.000 - 400.000/kg. Lá bồ hòn được thu mua khoảng 120.000 - 150.000/kg tươi. Còn hạt bồ hòn giá khoảng 300.000 - 500.000/kg.
Chính vì vậy, việc phát triển trồng, sản xuất nguyên liệu thô, xuất khẩu bồ hòn hay các sản phẩm thiên nhiên từ bồ hòn còn dư địa rất lớn. Đây cũng là yếu tố để chúng ta suy nghĩ đến việc đầu tư mở rộng diện tích trồng cây bồ hòn tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Triển vọng trồng công nghiệp ở nhiều nơi
Dù bồ hòn phân bố nhiều ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ nhưng do đây là cây ưa ẩm, thích nghi vùng nhiệt đới nên ở trong điều kiện đất đai tốt, đủ nước, cây sẽ phát triển rất nhanh và mạnh. Sau 5-7 năm, cây bắt đầu cho trái thu hoạch. Điều kiện dinh dưỡng và độ ẩm quyết định lớn tới sự phát triển của cây nên cây này có thể trồng phát triển tốt ở các tỉnh phía Nam.
Vì cây bồ hòn có tán lớn và cho năng suất khá cao nên có thể coi là cây trồng triển vọng để trồng công nghiệp ở nhiều nơi. Cây có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết cũng như điều kiện địa lý các vùng, dễ chăm sóc và không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nên có thể canh tác trên diện tích lớn. Cây có tán rộng, gỗ chắc nên có thể dùng trồng tạo cảnh quan ở các khu dân cư hay công viên...
Bình luận (0)