Tuyến biên giới Tây Nam có chiều dài hơn 1.000 km, giáp với 9 tỉnh của Campuchia. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3-2020, bộ đội biên phòng đã lập hàng trăm chốt canh dã chiến dọc đường biên giới để ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép.
Nơi biên cương không ngủ
Đoạn biên giới dài hơn 100 km thuộc địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang giáp với 2 tỉnh của Campuchia luôn nóng bỏng bởi tình trạng người xuất nhập cảnh trái phép, mang theo hiểm họa khôn lường, cùng với đó là nạn buôn lậu diễn ra rầm rộ. Địa hình khu vực biên giới này có ruộng liền ruộng, vườn liền vườn, sông liền sông… Ranh giới của 2 nước chỉ được nhận diện qua vài cột mốc định vị lô nhô giữa đồng nên các chiến sĩ làm nhiệm vụ luôn trong tâm thế tập trung cao độ với phương châm "chống dịch như chống giặc".
Chốt số 05 của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang .Ảnh: BẢO THY
Bữa cơm đạm bạc của các chiến sĩ ở vùng biên luôn đầy ắp tiếng cười
Chỉ tính riêng 13 km đường biên giới trên bộ do Đồn Biên phòng Vĩnh Điều - Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang quản lý - đã có đến 15 chốt cố định, hàng chục tổ cơ động để thực hiện nhiệm vụ chống dịch, chống xuất nhập cảnh trái phép và chống buôn lậu. Nhiều đơn vị còn có số chốt dày đặc hơn, tùy vào vị trí, địa bàn. Biên giới nơi các lực lượng đóng quân bắt đầu sang mùa. Ban ngày thì nắng nóng, chiều về hay đêm tối có mưa lớn. Thời tiết thay đổi, đòi hỏi những chiến sĩ trên chốt chống dịch cũng phải thay đổi theo mùa: nắng thì lo chống nóng, giờ phải lo thêm chống mưa tạt, gió lùa.
Chiếc xuồng máy băng qua kênh Hà Giang, chạy sâu vào kênh đào 79 rồi bị mắc kẹt bởi lục bình dày đặc, chúng tôi cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Điều phải lên bờ đi bộ đến các chốt chống dịch trên đường biên giới Tây Nam. Thiếu tá Nguyễn Thanh Son, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Điều, cho biết do địa hình phức tạp, nơi bằng phẳng, có cây xanh, gần dân thì xa vị trí trọng yếu; nơi đường mòn, lối mở thì không có đất bằng, cây cối. Dù vậy, anh em vẫn cố gắng chặt cây, đóng trụ trên bờ ruộng, mép kinh mà lập chốt. Dựng được chốt rồi, để bảo đảm hậu cần, đi lại là cả một vấn đề nan giải.
Chúng tôi ghé vào chốt số 05 được dựng lên bên cạnh con mương, nửa dưới nước, nửa trên bờ. Sàn cao hơn mặt đất gần 2 m, lót ván, vách và mái được bao phủ toàn tôn kẽm, xung quanh mở nhiều cửa sổ lấy gió trời để xua tan cái nắng như nung giữa mùa hè biên giới.
Nhìn những nét mặt lạc quan, yêu đời của chiến sĩ nơi đây, chúng tôi cảm phục các anh dù khó khăn, vất vả nhưng vẫn bám trụ để thực hiện nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Mỗi chốt biên chế từ 5 đến 7 người. Do địa bàn xa, không đủ phương tiện vận chuyển nên đơn vị giao cho anh em tự túc ăn uống theo chế độ quân nhân. Nước dưới sông kéo lên cho vào bồn nhựa lắng lọc để dùng. Thức ăn tự đánh bắt, câu kéo dưới kênh, vài ngày mới ra chợ xã mua ít thịt tươi đổi khẩu vị. Hơn 5 người sống trong một chốt khoảng 20 m2, gồm nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt… Khỏi phải nói thì ai cũng hiểu cái nắng dưới mái kẽm giữa cánh đồng không một bóng cây, trong khi giấc ngủ chính của các anh là ban ngày do suốt đêm đi tuần tra. Cả chốt ngoài những chiếc đèn pin, ánh sáng duy nhất là đèn năng lượng mặt trời.
700 ngày đêm không ngơi nghỉ
Từ chốt số 05, phải lội bộ quanh co, men theo kênh rồi bờ ruộng ngoằn ngoèo mới đến được chốt số 04. Mặt trời đã ngả bóng về phía Tây nhưng trong chốt vẫn còn hầm hập nóng, mồ hôi tuôn như xối nước, ước mèm lưng áo. Anh em đang chia nhau mỗi người một việc lo bữa cơm chiều. Người thì làm cá, người đi hái rau đồng, người nấu cơm… Cuộc sống ở chốt tuy đạm bạc nhưng luôn đầy ắp tiếng cười, chứa chan tình đồng đội.
Vừa lùa vội chén cơm, anh Đặng Hoàng Nhu (dân quân huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang được tăng cường đến chống dịch) vừa cười nói: "Ở đây chúng tôi thường ăn cơm sớm hơn ở nhà, để tránh muỗi. Lúc đầu lên đây buồn, nhớ nhà do không có tivi, sóng điện thoại thì chập chờn. Qua thời gian, nay vui rồi, muốn ở trên này luôn".
Khi màn đêm buông xuống, cả một vùng biên viễn rộng lớn tối mịt. Côn trùng dấy lên từng điệp khúc thê lương. Mọi hoạt động bảo vệ biên giới mùa Covid-19 được bắt đầu. Quân phục dã chiến chỉnh tề, công cụ hỗ trợ sẵn sàng. Mọi người tự trang bị cho mình dung dịch diệt côn trùng, thoa lên các vị trí hở như 2 bàn tay, trán và tai. Bố trí một người trực tại chốt, còn lại toàn bộ cơ động ra biên giới theo kế hoạch đã được triển khai trước. Chỉ trong chốc lát, ánh đèn pin vụt sáng, đan chéo nhau tạo thành một hàng rào ánh sáng trên vùng biên. Cứ như thế, địa hình tuần tra chéo được thiết lập qua cả một đêm dài. Đây là biên giới đất liền, nhiều đường mòn, con lạch, ai cũng có thể vượt qua được. Tính đến nay, đã gần 700 ngày đêm các cán bộ, chiến sĩ trên chốt liên ngành chống dịch không ngơi nghỉ.
Tạm biệt anh em chiến sĩ ở chốt số 04, chúng tôi tiếp tục hành trình đến khu vực biên giới do Đồn Biên phòng Nhơn Hưng (xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) quản lý.
Mặt trời chếch bóng, cơn mưa rào bất chợt trút xuống vùng biên giới làm dịu đi cái nóng như thiêu đốt. Từng mặt người cũng dần giãn ra, nở được nụ cười. Vượt qua cái nắng gay gắt, những người lính trẻ bắt đầu cười đùa rôm rả. Trong chốt canh số 08 và 07, 09 cách nhau trên dưới 1 km, các chiến sĩ trẻ hầu hết chưa lập gia đình, thậm chí chưa từng hẹn hò với một người con gái. Binh nhất Nguyễn Minh Tiến (SN 1996; quê TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) ở chốt số 09 qua chốt số 08 nấu cơm chiều vì được anh em khen nấu ăn giỏi. Nhưng cái chính là gom lại 2 chốt ăn chung cho vui. Tiến cho biết ra đây làm nhiệm vụ từ tháng 7-2020 và "chôn chân" ở đường biên giới từ đó tới nay. "Ở đây quanh năm suốt tháng chỉ tiếp xúc với mấy anh em này, tóc ra dài cũng tự cắt cho nhau. Nói thật, anh em chúng tôi vui nhất là được phân công đi chợ sớm mỗi ngày, vì được tiếp xúc với không khí cuộc sống đời thường và được nhìn thấy, nói chuyện với nhiều người vừa quen vừa lạ. Hầu hết anh em chúng tôi chỉ tập trung làm nhiệm vụ, lúc đầu cũng buồn nhưng rồi quen. Mà đặc biệt là không anh em nào có người yêu cả" - Tiến cười hồn nhiên.
Cả năm chưa về nhà
Mỗi đêm bộ đội tuần tra 3 lần, đầu hôm, giữa hôm và gần sáng. Việc tuần tra là quy định bắt buộc dù khu vực này hầu như không có người qua lại. Chỉ cần sơ suất để người lọt qua là trách nhiệm và hậu quả rất lớn. "Đó cũng là lý do vì sao mà nhà cách đây có 3-4 cây số mà hơn một năm tôi chưa về ngày nào" - thiếu tá Nguyễn Văn Nhỏ, Chốt trưởng chốt số 07, tâm sự.
Hằng đêm, ông cùng các chiến sĩ trẻ vừa đi vừa rọi đèn pin soi kỹ từng ngọn cây, bụi cỏ, căng mắt hướng về phía cánh đồng mênh mông bên kia biên giới. Việc này được lặp đi lặp lại trong suốt đoạn đường dài gần 2 km, từ chốt số 08 đến chốt số 09, ngược lại chốt 07 rồi trở về chốt của mình, pha bình trà ngồi tâm sự và thay phiên nhau thức canh tới sáng.
Khó khăn không nản lòng
Trung úy Nguyễn Văn Dương, Chốt trưởng chốt số 05 Đồn Biên phòng Vĩnh Điều, chia sẻ: "Riết rồi cũng quen! Nắng này nhằm gì, ban đêm ở đây muỗi mòng, rắn rết dữ lắm. Ở chốt còn mua nhang, đốt rơm chống muỗi, chứ lúc đi tuần thì chịu trận. Còn việc ăn uống, chúng tôi đi giăng lưới, cắm câu. Nhờ trời phú, dưới sông, trên ruộng có nhiều cá. Ngủ thì khỏi lo vì chúng tôi ít ngủ. Ban đêm đi tuần rồi, chỉ ngủ vào ban ngày... Khó khăn nhưng anh em không nản lòng".
Cách đó không xa, nằm lẻ loi giữa cách đồng lúa là chốt số 04. Nơi này thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu dùng nước mưa. Dọc tuyến biên giới này có đến 5 chốt biên phòng như vậy.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)