10 năm trước, khi viết loạt phóng sự về các khoa hồi sức tích cực (ICU), chúng tôi đã đặt tựa "Bên bờ sinh tử". Trở lại các ICU lần này giữa lúc dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chúng tôi không cầm được nước mắt và càng cảm phục hơn. Trước cuộc chiến căng thẳng hơn, hiểm nguy hơn, nhiều nỗi đau hơn, đã có những điều diệu kỳ được tạo ra bởi đôi bàn tay và tấm lòng bao dung của đội ngũ y tế.
Đau đáu nỗi lo
Vào ICU, chúng tôi "bị" soi từng chi tiết khi mặc - cởi trang phục bảo hộ bởi đó là nơi có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất: tải lượng virus ở bệnh nhân rất cao; nhiều thủ thuật giải phóng các giọt bắn, các hạt aerosols li ti mang virus.
Dù ngày đêm túc trực trong môi trường hiểm nguy đó, với các bác sĩ và điều dưỡng, nỗi lo đau đáu của họ là tình trạng sức khỏe mong manh của bệnh nhân (BN).
ICU của Bệnh viện (BV) Điều trị Covid-19 Trưng Vương (TP HCM) đầy kín BN. Ai cũng được nối với nhiều thiết bị hơn hẳn một ICU thông thường. Trên lối đi lúc nào cũng có rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng mặc trang phục bảo hộ cấp 4 bước nhanh giữa các giường bệnh, mắt dõi theo những màn hình, tay liên tục thao tác.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Huy của Khoa ICU, từ khoảng tuần thứ 3, 4 sau khi chuyển đổi công năng, khoa lúc nào cũng kín giường. BN ở đây đa dạng: người cao tuổi, nhiều bệnh nền, người trẻ nhưng béo phì, các sản phụ...
"Hồi hộp nhất là ở những thai phụ trước tình trạng suy hô hấp nặng đòi hỏi phải chấm dứt thai kỳ sớm, nếu không thì cả mẹ lẫn con đều có nguy cơ thiếu ôxy. Nhưng thai nhi còn non, phải chích thuốc trưởng thành phổi rồi phải đợi 24 - 48 giờ. Đó là khoảng thời gian tâm trí chúng tôi phải tập trung cao độ, theo dõi sát cả mẹ lẫn bé để can thiệp kịp thời" - bác sĩ Huy cho biết.
Tại BV Nhân dân Gia Định (TP HCM), Khoa ICU đã trở thành Khoa Hồi sức Covid-19 (ICU 1), được mở rộng khu vực cạnh bên để có thể kê thêm 9 giường, nâng công suất lên 28 giường, đồng nghĩa với áp lực công việc của đội ngũ y tế tăng lên. Nhưng đó là điều họ muốn làm, bởi nhu cầu giường cho BN rất lớn.
"Tổn thương ở phổi của BN Covid-19 tiến triển rất nhanh, kể cả người trẻ nhưng có bệnh nền. Đặc biệt, khi họ đã vào "cơn bão Cytokine" thì chúng tôi phải chạy đua để cứu BN" - bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Yên, Trưởng Khoa ICU 1, cho biết. "Cơn bão Cytokine" - cuộc "nổi loạn" của hệ miễn dịch từng quật ngã "BN 91" (phi công người Anh) - vẫn là một trong những vấn đề nan giải, xuất hiện ở nhiều BN béo phì trong đợt dịch này.
Còn với BN lớn tuổi, việc cố gắng theo sát, hạn chế chuyển độ nặng là điều bác sĩ Yên và đồng nghiệp đặc biệt chú trọng. Ông giải thích: "BN lớn tuổi suy hô hấp, phải thở máy thì tỉ lệ cai máy thành công thấp hơn nhiều so với những BN trẻ. Diễn tiến của bệnh này rất bất ngờ, có khi BN sáng còn nói chuyện bình thường nhưng sang chiều đã suy hô hấp, tối có thể bị ngưng tim".
Chăm sóc bệnh nhân nguy kịch tại ICU của Bệnh viên Dã chiến Điều trị Covid-19 Đa tầng quận Tân Bình
Không được gục ngã
Ở ICU của Khu Tiếp nhận và Điều trị Covid-19 - BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), chúng tôi gặp bác sĩ Nguyễn Tô Bảo Toàn khi anh đã thấm mệt sau ca trực căng thẳng. Chưa được vài phút trò chuyện thì những chiếc máy nối vào cơ thể bệnh nhi nặng nhất khoa báo động, anh phải lao vào việc với thao tác cực kỳ nhanh nhẹn như lúc mới nhận ca trực.
Bệnh nhi là một bé gái thừa cân, phải can thiệp ECMO, lọc máu liên tục. Tuy bệnh nhi Covid-19 rơi vào nguy kịch rất hiếm nhưng khi có ca trở nặng thì trở thành nỗi lo của cả ê-kíp.
Sau khi xử lý những sự cố, bác sĩ Toàn đứng luôn ở cuối giường. "Đứng vậy mới dễ tập trung" - anh nói. Chỉ vài phút sau, anh tiến tới giường bên cạnh trấn an, dặn dò bệnh nhi T. (13 tuổi) sử dụng mặt nạ ôxy. Cậu bé này từng thở máy xâm lấn, đến lúc này đã chuyển sang thở ôxy qua mặt nạ là nỗ lực lớn và niềm vui của các bác sĩ.
"Tất nhiên, lúc nào chúng tôi cũng mong muốn khu điều trị có thêm nhân sự để chăm sóc BN chu đáo hơn. Còn công việc thì phải cố gắng làm" - điều dưỡng Phạm Văn Triển, thuộc đơn vị ICU của BV Dã chiến Điều trị BN Covid-19 đa tầng quận Tân Bình, bộc bạch. Anh Triển và đồng nghiệp từ BV Thống Nhất được giao phụ trách khu bệnh nặng và ICU của BV này, trong khi BV quận Tân Bình và Trung tâm Y tế quận Tân Bình phụ trách 2 khu vực cho BN trung bình và nhẹ.
Vượt qua nỗi đau là một thử thách khác. Nhiều BN khi đưa vào ICU đã nguy kịch, chấp chới ở lằn ranh sinh tử. Theo bác sĩ Lê Thị Hương Thảo, thuộc ICU của BV Dã chiến Điều trị BN Covid-19 đa tầng quận Tân Bình, với những ca không may mắn, cả ê-kip phải tự động viên mình và đồng đội, lấy sự hồi phục của những BN làm động lực để tiếp tục chiến đấu. Họ không được gục ngã vì còn rất nhiều BN cần mình.
Những bộ đồ nghỉ giữa ca chưa một lần dùng
Ca làm của nhân viên y tế điều trị Covid-19 tại hầu hết BV thường không dưới 8 giờ trong điều kiện nóng bức, ngột ngạt bởi phải mặc đồ bảo hộ. Do đó, nhiều BV đã cấp thêm cho nhân viên một bộ đồ dự phòng để thay khi nghỉ giữa ca. Nhưng theo điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hiền (BV Dã chiến Điều trị BN Covid-19 đa tầng quận Tân Bình), bộ đồ đó vẫn ở trong ngăn tủ. Giải thích về điều này, TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết: "BN đang mong chờ BS nên nhiều bạn muốn ở lại với BN lâu hơn, không nghỉ giữa ca".
Kỳ tới: Cuộc chiến sinh tử
Bình luận (0)