Trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, các y - bác sĩ (BS) ở Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 TP HCM đã làm việc xuyên đêm để giành lại sự sống cho bệnh nhân (BN).
Liên tục cấp cứu
18 giờ, 3 xe cấp cứu chở 5 BN mắc Covid-19 từ các BV dã chiến dừng trước Khoa Cấp cứu BV Hồi sức Covid-19 TP HCM. Các tình nguyện viên nhanh chóng tiếp cận, cùng điều dưỡng, tài xế đưa BN vào khu vực tiếp nhận.
Đôi mắt đục u buồn, cụ bà N.T.H (80 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) nhìn ánh đèn một cách vô hồn. Bà H. là một trong hàng ngàn BN lớn tuổi chuyển nặng mà BV tiếp nhận khi mới hoạt động. Nằm lả trên giường bệnh, ông T.V.N (52 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM) thỉnh thoảng nhoài người nhìn 2 chiếc vòng tay, một xanh, một tím, treo phía trên. Như biết mong muốn của ông, chị điều dưỡng đến giường bệnh lấy giúp. "Của con gái gửi ba hả? Đeo vào tay cho anh nha?" - chị trìu mến hỏi. Ông N., mắt ngấn nước, nhìn xuống đôi tay đen xạm. Biết ý, chị điều dưỡng đeo vào tay cho ông rồi trấn an: "Cố gắng lên, con gái gửi cho ba chiếc vòng màu xanh đầy hy vọng. Ráng nha anh!".
Đang nói chuyện với ông N., nghe đồng nghiệp gọi, chị điều dưỡng lại cùng 7 người khác vội lao đến giường gần đó đặt nội khí quản, xoa bóp tim ngoài lồng ngực để hồi sinh sự sống cho bà L.T.P (81 tuổi) vừa bị ngưng tim, mạch và huyết áp tụt. Những đôi tay hối hả ép tim, mắt dán vào bảng điện để theo dõi nhịp tim, huyết áp của BN. Sau 10 phút nỗ lực, cả ê-kíp thở phào khi nhịp tim bà P. đập lại. Các bác sĩ (BS) cho biết bà P. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, suy tim, nhiều bệnh nền. Khi mạch và huyết áp, nhịp tim của bà P. vừa ổn định, BS Đinh Hương Quỳnh, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực Chống độc BV Nhân dân Gia Định - được điều động đến BV Hồi sức Covid-19 TP HCM, cùng ê-kíp lại tiếp tục xoa bóp tim ngoài lồng ngực cho một cụ bà khác.
"Lấy bình ôxy khác, cái này sắp hết rồi", giọng một BS vang lên khi cấp cứu cho bà N.T.V (67 tuổi). Tiếng máy khô khốc, tiếng bước chân vội vã của các điều dưỡng và thao tác liên tục của các y - BS xoa bóp tim ngoài lồng ngực khiến không khí nơi đây càng căng thẳng. "Thở rồi, 51 rồi đó. Được rồi" - dứt câu nói, BS Quỳnh quay sang tất bật chăm sóc cho những BN khác.
Các bác sĩ xoa bóp tim ngoài lồng ngực hồi sinh sự sống cho một bệnh nhân 80 tuổi
Theo sát bệnh nhân
Hầu hết BN ở Khoa Cấp cứu đều là những ca nặng, lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, tiên lượng sự sống khá dè dặt. Đội ngũ y tế tại đây phải làm việc liên tục và quan sát tình trạng sức khỏe của BN để kịp thời can thiệp khi nồng độ ôxy trong máu của BN xuống thấp hoặc ngưng tim.
Tranh thủ vài phút nghỉ ngơi ít ỏi bên hành lang BV, BS Đinh Hương Quỳnh chia sẻ với chúng tôi: "Đa phần BN vào đây đều rất nguy kịch và phải thở máy ôxy liều cao, thường xuyên ngưng tim bất ngờ nên nếu không theo dõi sát thì sẽ không cứu kịp". Theo BS Quỳnh: "Áp lực công việc rất lớn nên khi vào ca phải chuẩn bị tâm lý vững vàng để minh mẫn xử lý những tình huống phức tạp. Mỗi một lần thấy một ông cụ, bà cụ hay một người cha, người mẹ ngưng tim vĩnh viễn, mình đau lắm, xốn xang lắm".
Đã hơn 2 tháng tham gia tăng cường đến BV này, BS Lê Quốc Hưng (BV Thống Nhất) rưng rưng nước mắt khi nói về công việc hằng ngày của mình: "Những ca bệnh ở đây thường chuyển nặng rất nhanh và đặc biệt sau khi hồi sức mà các dì, các cụ phục hồi tốt thì đó là niềm vui, động lực tinh thần rất lớn. Với những ca không qua khỏi, chúng tôi dù lòng trĩu nặng nhưng cũng phải cố gắng vượt qua để tiếp tục cuộc chiến giành giật sự sống cho các BN khác để họ có cơ may sớm trở về với mái ấm thương yêu của mình".
Tu sĩ Vũ Lập (SN 1990) nhận nhiệm vụ tình nguyện viên tại BV đã 3 tuần, công việc hằng ngày của anh là chăm sóc BN, thay ga giường, lau sàn nhà. "Khi tình nguyện vào đây, hãy xem BN là cha mẹ, ông bà của mình và hết lòng chăm sóc họ như người ruột thịt vậy" - tu sĩ Vũ Lập bộc bạch.
Kết nối yêu thương
Chia sẻ công việc khi làm tình nguyện viên tại Khoa Cấp cứu, Cha phó nhà thờ Trung Chánh (huyện Hóc Môn, TP HCM) Trần Anh Tuấn cho biết: "Tôi nghĩ chẳng ai thay thế được người thân của mình nên đã nói người nhà ghi âm lời nhắn gửi vào điện thoại để mở cho BN nghe. Đó chỉ là những câu nhắn ngắn nhưng đầy ắp yêu thương: "Mẹ ơi, dậy đi mẹ, dậy đi", "Bà mau khỏe về với tui nha", "Bà ơi cố lên, mau về với cháu nha"… Khi nghe giọng nói của người thân, BN như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua bạo bệnh". Theo cha Tuấn, thật xót xa khi có những lời yêu thương khi chưa được đến tai BN thì họ đã ra đi mãi mãi.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-9
Kỳ tới: Những cuộc hồi sinh ngoạn mục
Bình luận (0)