Theo đó, bà T.T.H.T là cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, ngoài thời gian đi làm còn phụ mẹ chồng (sau này cũng là ca bệnh) bán rau tại chợ phường Cheo Reo. Chồng bà T. là ông H.L.H đã tiếp xúc với nhiều người trong đám cưới tại xã Ia Mrơn.
Nơi ở của họ tại phường Cheo Reo và đám cưới tại xã Ia Mrơn trở thành các ổ dịch. Những khu vực này tập trung đông người dân tộc thiểu số nên rất khó khăn trong việc truy vết, đưa các ca F1 đi cách ly. Lúc này, chị Đinh Thị Chờ (SN 1972, người dân tộc Bahna) - là cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai - được tăng cường ngay về vùng có ổ dịch.
Nhờ thạo tiếng dân tộc Bahna và Jrai, lại hiểu phong tục tập quán của người địa phương, chị Chờ đã hỗ trợ đắc lực cho việc truy vết những người tiếp xúc với ca bệnh. Nhiều người dân tộc thiểu số ban đầu không hiểu, cho rằng mình không có bệnh nên quyết không chịu đi cách ly. Chị Chờ nhờ mẹ ruột của họ nhẹ nhàng khuyên nhủ và cuối cùng họ cũng đồng thuận.
Các y - bác sĩ tại tỉnh Gia Lai căng mình chống dịch Covid-19. Ảnh: KIM VĂN
Những ngày này, cô con gái của chị Chờ vừa từ Đại học Đà Nẵng trở về quê nhà đón Tết cùng mẹ. Nhưng giờ đây, bám trụ trên tuyến đầu chống dịch, chị Chờ đành để con gái đón Tết một mình ở nhà. "Cả hệ thống chính quyền, người dân đều đang căng mình chống dịch. Tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ, mong sao chặn đứng được dịch bệnh nguy hiểm này. Vì vậy, tôi và con tôi chịu thiệt thòi một chút có sao đâu" - chị bày tỏ.
Không chỉ chị Chờ, 2 điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cũng đã căng mình chống dịch liên tục nhiều ngày nay. Đêm 1-2, khi một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện dương tính với SARS-Cov-2, lập tức bệnh viện này ngừng hoạt động, "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Thường ngày, Khoa Tạp bệnh của bệnh viện có khoảng 10 điều dưỡng cùng làm việc. Nhưng vào thời điểm bệnh viện bị phong tỏa, chỉ có 2 điều dưỡng trực đêm ở lại để phục vụ tại chỗ. Phục vụ cho gần 50 bệnh nhân, mỗi người mỗi bệnh khác nhau, 2 điều dưỡng phải chạy như con thoi, hết truyền máu, phát thuốc đến tiêm thuốc, không có thời gian cho nhu cầu cá nhân. Bệnh nhân T. cho biết ai đau cũng gọi, nhìn 2 điều dưỡng chạy đi chạy lại đến khụy cả chân mà thương.
Mãi sau 48 giờ, khi đã phun khử trùng tại các khoa, kết quả xét nghiệm không có ai dương tính, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai hoạt động trở lại, có đồng nghiệp tăng cường, 2 điều dưỡng mới được nghỉ ngơi.
Bình luận (0)