Tại buổi làm việc về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2020 ở lĩnh vực giao thông vừa qua, việc đầu tiên được Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh là năm nay phải xem lại cách quản lý lòng đường, vỉa hè, tập trung chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm. Động thái trên được đưa ra trước tình hình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại TP HCM vẫn phức tạp, dù nhiều năm qua đã thực hiện hàng loạt giải pháp.
"Nuốt" trọn vỉa hè
Ghi nhận trên nhiều tuyến đường tại TP HCM, do ảnh hưởng từ dịch cúm Covid-19 và sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định tăng mức phạt đối với người sử dụng rượu bia có hiệu lực, lượng khách giảm mạnh khiến nhiều hàng quán, nhất là tại các khu vực tập trung quán nhậu đóng cửa. Đó là một nguyên nhân khiến việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè tại TP giảm. Thế nhưng, không ít khu vực vẫn lấn chiếm tràn lan.
Đoạn vỉa hè đường Phạm Văn Đồng gần giao lộ Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), một quán nhậu xếp kín bàn ghế và xe cho khách, không còn chỗ cho người đi bộ. Ảnh chụp lúc 19 giờ tối 5-3 Ảnh: GIA MINH
Vỉa hè đường Ngô Gia Tự (quận 10) bị lấn chiếm tràn lan, không gian công cộng trở thành nơi buôn bán của cá nhân Ảnh: HẠ GIANG
Xe xếp kín trên vỉa hè đường Trường Sa, đoạn trước chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh), người đi bộ phải đi dưới lòng đường Ảnh: HẠ GIANG
Cảnh buôn bán lấn chiếm tràn lan trước cổng Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh) Ảnh: HẠ GIANG
Tại khu vực nội thành, trên hàng loạt tuyến đường, đủ loại hàng quán cơi nới mái hiên, che bạt, dựng bảng hiệu, kê bàn ghế, đậu xe kín vỉa hè. Thậm chí có những nơi chiếm vỉa hè và cả lòng đường phía dưới. Tủ điện, cây xanh dọc các tuyến đường cũng bị đóng đinh, căng dây, gắn đèn trang trí cùng đủ loại bảng hiệu mời chào khách.
Chiều 29-2, ghi nhận trên đường Ngô Gia Tự (quận 10), nhiều đoạn vỉa hè phải nhường chỗ cho các cơ sở kinh doanh với đủ loại hàng hóa, sản phẩm bày bán. Người đi bộ phải lách qua những cửa hàng trưng bày nội thất, đồ chơi trẻ em… xếp lộn xộn, chật kín. Có những người đứng trên vỉa hè chưa lâu đã bị chủ cửa hàng hoặc bảo vệ xua đuổi do che khuất việc bày bán kinh doanh. Trên 2 tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, qua địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình) cũng bị lấn chiếm làm quán nhậu, cà phê, nơi giữ xe. Trên các bàn nhậu, đồ ăn thừa, khăn giấy..., bị khách vô tư ném xuống vỉa hè, lòng đường.
Chiều 1-3, toàn bộ vỉa hè và một phần lòng đường phía trước hai quán cà phê lớn góc đường Trường Sa - Nguyễn Công Hoan (quận Phú Nhuận) bị trưng dụng làm nơi để xe cho khách. Người đi bộ phải né ra gần giữa đường, cạnh dòng xe đang lao vun vút. Cách đó không xa, một đoạn dài đường Trường Sa gần giao lộ với đường Hoa Lan (quận Phú Nhuận) và khu vực trước chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh), ôtô, xe máy, cùng bàn ghế của quán nhậu xếp kín vỉa hè, không còn một lối đi cho người đi bộ.
"Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định tăng mức phạt đối với việc uống rượu bia sau khi có hiệu lực và hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch cúm Covid-19, hàng quán giảm khách ăn uống nhưng tình trạng lấn chiếm vẫn diễn ra, nhất là từ chiều tối cho đến khuya" - chị Anh Lê (ngụ quận Bình Thạnh) bức xúc.
Đặc biệt, ghi nhận trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn kéo dài từ giao lộ Nguyễn Xí đến vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (thuộc địa bàn quận Bình Thạnh và Gò Vấp), dù các quán nhậu giảm so với trước nhưng nhiều đoạn, vỉa hè vẫn bị lấn chiếm không thương tiếc. Từ chiều tối, các quán bày sẵn bàn ghế sát mép đường, khói nghi ngút nấu đồ ăn chờ khách. Dưới lòng đường, nhân viên phục vụ đứng lố nhố vẫy tay mời chào, gây bát nháo và cản trở giao thông. Tình trạng trên cũng diễn ra ở nhiều tuyến đường khác như Nguyễn Gia Trí (D2 cũ, quận Bình Thạnh), đường Hòa Bình (quận Tân Phú), Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp)...
Chợ "phình to", hàng rong bủa vây bệnh viện
Việc lấn chiếm buôn bán kinh doanh không chỉ diễn ra ở các tuyến đường lớn, mặt tiền "đẹp" mà xung quanh các bệnh viện, khu chợ, cũng rất trầm trọng. Chị Hoàng Thị Hà (32 tuổi, ngụ quận 3) tỏ ra ngao ngán khi chứng kiến cảnh bát nháo trước cổng Bệnh viên Ung Bướu trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh). Khu vực này, các hàng bán quần áo, nước uống, thức ăn bày la liệt trên vỉa hè, người đi bộ phải luồn lách giữa các hàng quán hoặc đi dưới lòng đường. Chưa kể, từ những hàng quán tại đây, rác, thức ăn thừa chất ngổn ngang xung quanh, bốc mùi hôi thối.
"Bệnh viện này vốn rất đông người ra vào mỗi ngày, thế nhưng trước cổng, đủ loại hàng bán quần áo, trái cây, đồ ăn… tụ tập. Ngoài việc làm cản trở giao thông, gây ô nhiễm, tình trạng trên còn liên tục gây lộn xộn, tập trung nhiều tệ nạn" - chị Hà bức xúc.
Xung quanh nhiều khu chợ cũng liên tục "phình to" bởi tiểu thương buôn bán tự phát. Khi được hỏi về tình trạng này, chị Phạm Thùy Dung (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) liệt kê ngay những khu chợ chiếm dụng lòng đường làm nơi buôn bán gây cản trở giao thông. Đứng đầu là chợ Bà Chiểu, nhất là khu vực gần trụ đèn giao thông trên đường Phan Đăng Lưu, kế đến khu vực đường Nguyễn Xí, đoạn từ Phạm Văn Đồng tới Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh)... Những người bán hàng tại đây bày tất cả mặt hàng, từ quần áo đến thực phẩm như thịt, cá, rau củ...
Trong khi đó, ghi nhận ở nhiều tuyến hẻm, tình trạng lấn chiếm cũng không ngoại lệ. Đơn cử như xung quanh đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), hàng loạt tuyến hẻm bị chiếm dụng bày bán quán nhậu, xếp kín xe cho khách. Tình trạng này không chỉ làm cản trở lối đi mà còn liên tục gây cảnh lộn xộn, ồn ào, bức xúc cho những hộ dân xung quanh.
Nhiều địa phương bị điểm tên
Tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 tổ chức hồi tháng 1-2020, báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy TP HCM về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP HCM và Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND TP HCM về công tác quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM - đánh giá tình trạng lấn chiếm vỉa hè hoạt động trở lại là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; trong khi đó về mặt quản lý, nhiều quận - huyện không có đề án, phương án quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè; chưa có trường hợp người đứng đầu ở các địa phương nào bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm vì để lòng, lề đường bị lấn chiếm; công tác xử lý các hành vi vi phạm chưa kiên quyết, nhất là ở cấp phường, xã, gây tâm lý so sánh của người dân hoặc tạo sự nghi ngờ có bao che, bảo kê....
Theo số liệu đánh giá từ Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ ở 198 tuyến đường tại TP HCM, năm 2019 có 49 tuyến thông thoáng (chiếm 24,75%), 120 tuyến có chuyển biến (chiếm 60,61%) và 29 tuyến bị đánh giá còn phức tạp (14,65%). Các địa phương bị đánh giá có nhiều hạn chế trong công tác này và cần tăng cường chấn chỉnh gồm các quận 5, 8, Gò Vấp và huyện Bình Chánh.
Bình luận (0)