Tôi nhớ mẹ kể rằng ngày xưa nhà trên Mã Mây, nếu muốn mua hàng của người gánh rong thì phải gọi người ta mang cả gánh vào trong nhà, khép bớt cửa lại rồi mới lựa hàng và mặc cả, chứ không được phép ngồi xổm ngay vỉa hè trước cửa mà bới lựa với trả giá. Vậy nên mới đồ rằng trước năm 1954, Hà Nội không có kinh tế vỉa hè là thế.
Hà Nội xưa mà ngồi vỉa hè, chỉ có hàng cà phê do người Pháp mở. Những bức ảnh cũ cho thấy điều đó. Nhưng điều này lại là một thói quen di thực từ cố quốc sang. Cho đến bây giờ ở châu Âu, việc cà phê ngoài vỉa hè là bình thường, không phải lấn chiếm mà là thuê mướn của nhà nước đàng hoàng và có giấy phép.
Hà Nội, phố Lê Văn Hưu giáp về Lò Đúc, có đoạn vỉa hè có một bức tường trống. Người ta treo đồng hồ lên đó bán. Bức tường hơi giật lùi vào trong so với những căn nhà khác tạo một khoảng nhỏ chừng 1 m và thêm một cái tủ kính nhỏ cũng bày đồng hồ đeo tay là thành một cuộc mưu sinh.
Và trà (chè) chén vỉa hè. Trước những cổng bệnh viện, loại hình này rất phổ biến. Một góc tường, một bậc tam cấp là thành quán, quán cóc.
Hoặc góc phố Ngô Thì Nhậm gần về chợ Mơ, có một hàng bánh giò. Vài cái thúng đại bày ra, ghế nhựa con con rải bất kỳ chỗ nào trống ven tường, tam cấp là có thể ngồi và thưởng thức món quà dân dã. Hàng quà này phải có từ 30 năm nay ở góc phố ấy.
Chỉ là nêu vài ví dụ tiêu biểu thôi, chứ Hà Nội thì kinh tế vỉa hè có lẽ là nét đặc trưng của đời sống đại chúng, xưa đã thế mà nay cũng vậy, với câu: "Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố".
Hà Nội đã có quy hoạch phân khu chức năng cho 4 quận nội thành cũ. Một quy hoạch hơi chậm so với tính lịch sử cũng như phát triển của một thủ đô ngàn năm văn hiến nhưng dù muộn còn hơn là rầy rà lê thê không dứt khoát.
Trong quy hoạch này, hy vọng sẽ có một tính toán nào đó cho vỉa hè trong chức năng sử dụng về kinh tế. Thực ra, văn hóa vỉa hè là một văn hóa không xấu, chỉ là chúng ta quản lý ra sao để tính văn minh được nâng cao. Bởi quy hoạch không thể tách rời kinh tế và xã hội được, là những thực thể hữu cơ với nhau.
Bình luận (0)