xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vỉa hè, lòng đường: Quản sao cho vẹn đôi đường (*): Cần quy hoạch cụ thể, rõ ràng

TRƯỜNG HOÀNG - LÊ VĨNH

Để việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè được thực hiện như mong muốn, cơ quan quản lý cần làm tốt công tác quy hoạch

Đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè mà Sở Giao thông Vận tải TP HCM đang cùng các địa phương xây dựng được kỳ vọng tạo bộ mặt tươi mới, trật tự hơn cho đô thị. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, luật sư… đã nêu những góc nhìn, ý tưởng xung quanh đề án này.

Xét từ gốc vấn đề

Luật sư Cao Thế Luận, Công ty Luật TNHH Kao Kiến, cho rằng việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường là câu chuyện đau đầu tại các đô thị ở Việt Nam. Điều đó cũng không đồng nghĩa là ở nông thôn thì không có hiện tượng này.

Trước tiên, nó xuất phát từ thói quen cư trú của người Việt khi nơi an cư đa phần bám theo đường, sông. Nhà vừa là nơi để ở vừa là nơi để kinh doanh. Do vậy, việc bày bán trước cửa nhà rồi từ từ lấn ra được hình thành như một lẽ tự nhiên.

Đi cùng sự phát triển của xã hội, người dân có xu hướng dịch chuyển về đô thị dẫn đến việc tập trung dân cư, mọi hình thức kinh doanh từ siêu thị cao cấp đến xe hàng rong đều hướng tới kế sinh nhai. Điều này cộng với thói quen như đã nói khiến nhiều lòng đường, vỉa hè dễ bị biến thành "của riêng".

Mặt khác, thực trạng "hở ra là lấn" hiện nay cũng có nguyên nhân từ việc xây dựng quy hoạch và chỉnh trang đô thị của chính quyền. Ở một số tuyến đường, sau khi chính quyền ra tay thì chấm dứt hẳn tình trạng lấn chiếm nhưng một số nơi thì ngược lại. Bài học từ cuộc ra quân rầm rộ mấy năm trước là một minh chứng.

Vỉa hè, lòng đường: Quản sao cho vẹn đôi đường (*): Cần quy hoạch cụ thể, rõ ràng - Ảnh 1.

TP HCM đang rà soát tình trạng vỉa hè, lòng đường đủ điều kiện để có thể áp dụng thu phí (ảnh chụp vỉa hè trên đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp) Ảnh: LÊ VĨNH

Nêu một loạt câu hỏi - như phải chăng chính quyền giải quyết vấn đề chưa triệt để, đồng bộ; bài toán "vừa ở vừa kinh doanh" đã giải hoặc có đáp án chính xác chưa… - luật sư Cao Thế Luận nhận định không thể cấm người dân ngừng kinh doanh bởi đó là quyền lợi chính đáng của họ. Còn việc không thể kiểm soát tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là do những giải pháp trước đây chưa thỏa đáng.

Phạt nặng là biện pháp mà đa số chuyên gia, nhà quản trị đề cập. Nhưng phạt xong vẫn cho tồn tại rồi lại phạt là cả vấn đề; rồi cuối cùng, chính quyền không thể đủ nhân lực để chỉ thực hiện tuần tra và phạt.

Phạt là điều tất nhiên nhưng trong xử lý nên rạch ròi từng trường hợp. Ví dụ, tái phạm bao nhiêu lần thì cấm vĩnh viễn, tước giấy phép kinh doanh; hay khách đến thì chủ quán phải có trách nhiệm bố trí nơi để xe, nếu không bố trí được thì không cho phép kinh doanh...

Theo luật sư Cao Thế Luận, luật đã quy định về điều kiện an toàn trật tự, an toàn phòng cháy - chữa cháy đối với hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đa số đã "quên" hoặc khi xét duyệt thì chiếu lệ.

Ngoài ra, nêu tình huống hình ảnh cán bộ, viên chức khi dẹp lấn chiếm mà thái độ thiếu đúng mực lan truyền trên mạng sẽ gây nên sự thiếu thiện cảm cùng một số phân tích khác, luật sư Luận cho rằng chính quyền cần có giải pháp chỉnh trang đô thị theo một khuôn chuẩn mới.

Nhìn thấy "cái được" trước mắt

ThS Nguyễn Trần Hoàng Phương, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội, nhận xét việc thu phí lòng đường, vỉa hè không chỉ hợp lý mà còn phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Điều này nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động kinh doanh, buôn bán tại lòng đường, vỉa hè trên cơ sở trật tự đi lại vẫn bảo đảm.

Tại nhiều nước văn minh thì đường, vỉa hè luôn có 2 công dụng - đi lại và buôn bán. Chỉ cần có hoạt động kinh doanh, buôn bán hợp pháp thì những vị trí này mặc nhiên trở thành trung tâm đông đúc, phát triển về kinh tế.

Ông Phương dẫn ví dụ một số quốc gia gần Việt Nam như Singapore, Thái Lan đã áp dụng thu phí lòng đường, vỉa hè. Những khu vực cho phép buôn bán được chia theo từng ô. Đa số các ô kinh doanh này được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ và có thu phí. Một số trường hợp thuộc diện gia đình chính sách của địa phương hoặc người dân có nhà ngay tại khu vực đó được miễn hoặc giảm.

Theo ông Phương, ở TP HCM, nhu cầu kinh doanh, buôn bán dưới lòng đường, vỉa hè là rất lớn. Nền kinh tế đặc trưng này cũng mang lại một nguồn thu không hề nhỏ. Do vậy, không thể cản lại bánh xe thị trường mà cần phải "quay" theo nó.

"Thu phí góp phần mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Việc này vẫn tốt hơn là để cho tự do buôn bán rồi lấn chiếm như hiện nay, không thu được phí mà còn ngổn ngang, nhếch nhác" - ThS Nguyễn Trần Hoàng Phương nêu quan điểm.

Để thực hiện thu phí có hiệu quả, ông Phương cho rằng: "Sự phát triển của xã hội kéo theo tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra thường xuyên. Để hạn chế thì phải có quy hoạch rõ ràng, khu nào được bán, khu nào không được bán. Bên cạnh đó, cần có quy chuẩn, quy định cụ thể. Người kinh doanh, buôn bán phải đăng ký với cơ quan chức năng về thuế, mặt hàng, cam kết bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm…".

Cũng theo ông Phương, việc thu phí và cao hơn nữa là quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh tại lòng đường, vỉa hè nếu thực hiện tốt sẽ mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Việc quản lý này mang tính chất liên ngành. Có nghĩa là những cửa hàng kinh doanh sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn về thuế, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị… Ngoài ra, khi các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ được quản lý chặt thì sẽ đẩy lùi nạn "chặt chém". Cùng với đó, khi đường phố được quy hoạch kỹ càng, gọn gàng thì khách du lịch sẽ thích hơn. Đây cũng là yếu tố để thu hút du khách đến TP HCM trong tương lai.

Mong được "chính danh"

Nhiều chủ kinh doanh có sử dụng vỉa hè khi được hỏi về đề án thu phí đã bày tỏ sự hồ hởi vì được "danh chính ngôn thuận".

Chủ một quán ăn trên đường Hoàng Diệu 2 (TP Thủ Đức) cho biết quán của ông chủ yếu phục vụ khách tại chỗ, cần một phần không gian vỉa hè để làm chỗ để xe. Nếu thành phố có quy định thu phí vỉa hè với số tiền hợp lý, ông ủng hộ vì không phải phân vân "sử dụng tùy tiện" nữa.

Còn bà Nguyễn Thị Hoa, mưu sinh trên vỉa hè đường Cộng Hòa (quận 12) từ năm 2010, kể mỗi ngày bà đứng đây bán bánh mì từ 6 giờ đến 9 giờ, chiếm góc nhỏ chỉ 1,5 m2, chủ yếu bán bữa sáng cho người đi đường rồi dọn dẹp.

"Nhờ vỉa hè này mà tôi phụ chồng nuôi 2 con vào đại học. Tuy từ quê vào đây mưu sinh, chúng tôi có ý thức giữ gìn mỹ quan cho thành phố nên sau khi bán xong đều dọn dẹp sạch sẽ. Thật sự có rất nhiều người xa quê có thu nhập nhờ vỉa hè thành phố. Do đó, nếu thành phố định hướng thu phí sử dụng vỉa hè ở những tuyến đường rộng thì người buôn bán nhỏ lẻ như chúng tôi rất mừng" - bà Hoa bày tỏ.

Hải Phong

Nên hướng tới những cách tạo nguồn thu khác

Ở hướng tiếp cận khác, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng TP HCM là đô thị đặc biệt. Đã hướng đến xây dựng thành phố văn minh, hiện đại thì không thể thu phí (hay cho thuê) vỉa hè, lòng đường vì ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị.

Nhiều năm qua, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu cho UBND TP HCM nhiều đề án để phát triển hệ thống giao thông công cộng, như đầu tư xe buýt điện, metro, xe đạp công cộng hay đề xuất bãi đậu xe thông minh... Đó là những tư duy để phát triển đô thị hiện đại và nên tập trung đẩy mạnh. Thay vì thu phí vỉa hè, lòng đường, Sở Giao thông Vận tải nên tập trung xây dựng các bãi giữ xe công cộng kết hợp cho thuê mặt bằng kinh doanh để tạo nguồn thu. Song song đó, kiên quyết giành lại phần vỉa hè đã bị lấn chiếm để tạo sự thông thoáng cho người đi bộ cũng như tạo bộ mặt văn minh đô thị cho TP HCM.

"Thu phí vỉa hè và lòng đường sẽ tạo ra hệ lụy không tốt, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển giao thông công cộng và tình hình du khách đến TP HCM vì nhiều phần vỉa hè không còn thông thoáng sau khi cho thuê. Chưa kể, không ai có thể tính được giá thuê và diện tích lòng đường cho thuê, từ đó dễ phát sinh tiêu cực và tham nhũng vặt" - TS Phạm Viết Thuận nêu lo ngại.

Thu Hồng

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-2

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo