Thông tư về điều chỉnh viện phí vừa được ký ban hành nhưng gây không ít tranh cãi giữa cơ quan bảo hiểm và Bộ Y tế khi cho rằng có nhiều điểm trong thông tư chưa hợp lý, cần tiếp tục chỉnh sửa trước "giờ G".
Giảm tiền khám, tăng số ca
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết cơ quan này đã gửi văn bản đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh một số nội dung tại thông tư 15 (thay thế Thông tư 37) về giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc, có hiệu lực từ ngày 15-7 tới đây. Một trong những nội dung cần điều chỉnh là chi phí về vật tư tiêu hao (bông, băng, găng tay…) sẽ được chi trả theo nguyên tắc tài chính là "dùng gì thanh toán đó" chứ không thanh toán "theo định mức" dịch vụ.
Việc điều chỉnh giá nhiều dịch vụ y tế sẽ giảm chi trả từ tiền túi cho người bệnh
Ông Sơn cũng cho rằng việc thanh toán tiền giường vượt định mức kế hoạch cần áp dụng theo cách tính nhân lực y tế, không thể để tình trạng như nhân lực có hạn nhưng kê giường vượt quá định mức rồi lại đề nghị bảo hiểm thanh toán 90%-100%.
Trong khi đó, theo một đại điện BHXH Việt Nam, điểm bất cập trong Thông tư 15 là mặc dù điều chỉnh giảm tiền khám từ 20%- 30% nhưng định mức thì lại tăng lên đến mức tối thiểu là 65 ca/ngày (cao hơn định mức hiện nay là 48 ca/ngày). Điều này dẫn đến thời gian khám trên mỗi bệnh nhân giảm, ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh.
Giải thích về việc tăng số bệnh nhân khám/bàn tại thông tư mới, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, cho biết thời điểm xây dựng viện phí trước đó, bộ kỳ vọng số lượng bệnh nhân/bàn khám là 35-45 người. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, số bệnh nhân tới khám tại các tuyến liên tục tăng trong khi nhân lực y tế chưa đáp ứng được. Bộ Y tế đã yêu cầu các BV mở thêm bàn khám nhưng bác sĩ "cắm chốt" ở phòng khám phải có chuyên khoa nhất định. Hơn nữa, khi bệnh nhân tới khám không thể vì hết định mức mà "đuổi" bệnh nhân về.
Cho dù không muốn nhưng trước mắt, để đáp ứng hết nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, Bộ Y tế nới rộng quy định 65 lượt khám/bàn/ngày nhưng từ người thứ 66 trở lên thì chỉ được BHXH thanh toán 50%. Trong 1 quý, cơ sở y tế vẫn có bàn khám trên 65 lượt/ngày thì không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên. Do đó, để bảo đảm quyền lợi của chính mình, tránh việc "khám nhiều không thu" thì các BV phải sớm tìm cách khắc phục.
Giá nội soi, chụp chiếu giảm mạnh
Thông tin chi tiết về việc điều chỉnh giá 88 dịch vụ y tế sắp tới, ông Nguyễn Nam Liên cho biết có 79 dịch vụ được điều chỉnh giảm từ 6%-24% và 9 dịch vụ được điều chỉnh tăng khoảng 5%. Chẳng hạn, giá giường bệnh hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại BV hạng đặc biệt điều chỉnh tăng, 677.100 đồng lên 687.100 đồng/ngày. Giá khám bệnh sẽ giảm từ 4.800-5.900 đồng ở các hạng BV. Hội chẩn chuyên gia để xác định ca bệnh khó có giá 200.000 đồng/lượt.
Về các dịch vụ cận lâm sàng cũng được điều chỉnh giảm giá như: Nội soi tai mũi họng giảm hơn 100.000 đồng; siêu âm giảm 8.000 đồng; chụp X-quang số hóa 1 phim giảm 5.000 đồng; chụp CT scanner đến 32 dãy không có thuốc cản quang từ 536.000 đồng xuống còn 512.000 đồng; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang từ 2,336 triệu đồng xuống 2,2 triệu đồng; phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ gần 3,7 triệu đồng xuống còn 1,6 triệu đồng; phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ hơn 4 triệu đồng xuống còn gần 2,9 triệu đồng...
Ông Liên cũng cho biết với người bệnh đang điều trị tại cơ sở y tế trước thời điểm thực hiện thông tư này và ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau khi thông tư có hiệu lực tiếp tục được áp dụng mức giá trước đó cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị.
Bình luận (0)