Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, ca khúc "Người lái đò trên sông Pô Kô" đã trở nên nổi tiếng, sau khi được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhân vật anh lái đò tên gọi A Sanh can trường đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Đặc biệt hơn, nguyên mẫu của A Sanh chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Puih San, một người Jrai hiền lành, sau chiến tranh, vẫn sống ngay trên quê hương mình, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Đáng tiếc, sách "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai" (1945-2005), do PGS-TS Nguyễn Thanh Tâm chủ biên, (NXB Chính trị Quốc gia, 2009 - viết tắt là LSĐB Gia Lai, trang 435), sách "Lịch sử Đảng bộ huyện Ia Grai" (1945-2005), do TS Nguyễn Văn Chiến chủ biên, (NXB Chính trị Quốc gia, 2005 - LSĐB Ia Grai 1, trang 174) và sách "Lịch sử Đảng bộ huyện Ia Grai" (1945-2014), do TS Nguyễn Thị Kim Vân chủ biên, (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2014 - LSĐB Ia Grai 2, trang 234) đều viết chưa đúng về Anh hùng Puih San.
Bà Siu Pil, vợ ông Puih San và danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân của chồng tại nhà riêng
Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của ông Puih San
1. Sách "LSĐB Gia Lai" viết: "Năm 1963, khi Mặt trận B3 thành lập tuyến đường C07 Tây Bắc, Puih San được điều về công tác trên tuyến đường này". Sách "LSĐB Ia Grai 1", "LSĐB Ia Grai 2" cũng viết: "Năm 1963, khi Mặt trận B3 thành lập tuyến hành lang T2C07, Puih San được điều về công tác trên tuyến đường này".
Điều này không chính xác. Theo các sách "Lực lượng Vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước" (NXB Quân đội Nhân dân, 1980, trang 33) và "Lịch sử Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3" (1964-2005), (NXB Quân đội Nhân dân, 2005, trang 9), Mặt trận Tây Nguyên (B3) mới được thành lập ngày 1-5-1964. "Chính LSĐB Gia Lai", "LSĐB Ia Grai 1" và "LSĐB Ia Grai 2" ở những đoạn khác cũng khẳng định mốc thời gian này. Do đó, năm 1963, Puih San chưa thể gia nhập hành lang vận tải nêu trên của B3.
2. Sách "LSĐB Gia Lai" viết: Puih San "đã trở thành hình tượng âm nhạc trong bài "Người lái đò trên sông Pô Kô" của nhạc sĩ Cầm Phong". "LSĐB Ia Grai 1" và "LSĐB Ia Grai 2" cùng viết: "Từ đây, "Người lái đò trên sông Pô Kô" được biết đến nhiều hơn qua một ca khúc của Cầm Phong phổ thơ Mai Tuyết".
Chưa đúng. Đây không phải là tác phẩm âm nhạc độc lập của Cầm Phong. Người viết phần lời bài hát này là Mai Trang như phổ biến hiện nay, chứ không phải Mai Tuyết.
3. "LSĐB Ia Grai 1" và "LSĐB Ia Grai 2" đều viết: "Năm 1975, anh trở về quê hương (ở làng Nú, xã B13). Vì sức khỏe yếu anh được phục viên".
Chi tiết này không gần thực tế. Sau 1975, Puih San vẫn tiếp tục nhiệm vụ của một sĩ quan quân đội. Ông tham gia công tác quản lý ở một trại giam, tiễu trừ Fulro, rồi chiến đấu trên biên giới Tây Nam; sau đó, ông về làm việc tại Huyện đội Chư Păh (cũ) cho đến khi xuất ngũ.
Theo Sổ trợ cấp mất sức lao động số 62661, được cấp bởi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai - Kon Tum ngày 15-9-1981, trung úy Puih San nhập ngũ ngày 13-5-1961, xuất ngũ theo Quyết định số 45, ngày 1-12-1980 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai - Kon Tum, được hưởng trợ cấp mất sức lao động từ ngày 1-7-1981.
4. Sách "LSĐB Gia Lai" viết: "Năm 1995, anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân". "LSĐB Ia Grai 1" và "LSĐB Ia Grai 2" cùng viết: "Năm 1995 anh Puih San được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…".
Cả 3 cuốn sách trên đều đã "phong" sớm cho ông nhiều năm. Trên thực tế, Puih San nhận danh hiệu này ngày 22-8-1998, theo Quyết định số 424/KT/CTN của Chủ tịch nước.
Anh hùng Puih San - A Sanh là một nhân vật đáng kính. Việc sách lịch sử địa phương từ tỉnh đến huyện đều viết thiếu chính xác về ông là điều không nên, cần sớm khắc phục.
Bình luận (0)