Tuyên bố của Việt Nam đối với các thực thể (đảo, đá và đảo chìm) tại quần đảo Hoàng Sa đã có từ thời kỳ tiền thuộc địa. Quần đảo Hoàng Sa bao gồm 2 cụm đảo chính là nhóm An Vĩnh ở phía Đông và nhóm Lưỡi Liềm ở phía Tây.
Xác lập chủ quyền
Trong nửa đầu thế kỷ XVII, các Chúa Nguyễn trị vì đã điều động một đội tàu hải quân là Hải đội Hoàng Sa để thực hiện các chuyến hải trình tới quần đảo Hoàng Sa theo lịch trình đều đặn hằng năm. Hải đội Hoàng Sa bao gồm 5-8 thuyền với thủy thủ đoàn 7 người được tuyển mộ từ tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Đội này thường dành 5 tháng để thực hiện các hoạt động lập bản đồ, khảo sát thủy văn, dựng các cột mốc, đánh cá, trồng cây và cứu hàng từ các tàu buôn bị mắc cạn. Trong nửa đầu thế kỷ XVIII, các Chúa Nguyễn còn tổ chức Đội Bắc Hải thực hiện nhiệm vụ tương tự ở quần đảo Trường Sa. Lực lượng này thuộc sự chỉ huy của Hải đội Hoàng Sa.
Quân Pháp chào cờ tại đảo Hoàng Sa - thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - trong thời kỳ Pháp thuộc Ảnh: TƯ LIỆU
Việt Nam thống nhất vào năm 1802 dưới sự cai trị của nhà Nguyễn và được gọi là Vương quốc An Nam. Vua Gia Long (1802-1820) đã cử Hải đội Hoàng Sa tới quần đảo Hoàng Sa trong những ngày đầu trị vì nhưng về sau, hoạt động này tạm ngưng. Năm 1816, Vua Gia Long chính thức chiếm hữu Hoàng Sa. Người kế ngôi - Vua Minh Mạng (1820-1841) đã lệnh cho Hải quân Hoàng gia tiến hành khảo sát hàng hải, đặt bia đá và xây dựng một ngôi đền có tên Hoàng Sa vào năm 1835.
Năm 1884, Vương triều An Nam và Pháp ký hiệp ước, qua đó An Nam trở thành nước thuộc địa. Pháp nhận trách nhiệm với các vấn đề đối ngoại của An Nam, trong đó có việc bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ vương quốc và các tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa. Vào năm 1925 và 1927, Pháp tiến hành các khảo sát và tuần tra hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa. Năm 1931 và 1932, Pháp thay mặt Vương quốc An Nam phản đối chính phủ Trung Quốc khi giới chức trách ở tỉnh Quảng Đông kêu gọi đấu thầu khai thác phân chim biển ở quần đảo Hoàng Sa. Trong suốt những năm 1920 và 1930, các tàu chiến hải quân và tàu hải quan của Pháp thực hiện các chuyến thăm thường xuyên tới Hoàng Sa.
Các lực lượng của Pháp đóng quân tại quần đảo Trường Sa từ 1930-1933. Viện Hải dương học Pháp tại Nha Trang cũng thực hiện các khảo sát khoa học trong giai đoạn này. Năm 1933, Pháp hợp nhất quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa cho mục đích hành chính. Năm 1938, Pháp tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là một đơn vị hành chính của tỉnh Thừa Thiên. Pháp đã xây dựng một ngọn hải đăng, trạm khí tượng và đài phát thanh trên đảo Hoàng Sa (Pattle) trong nhóm Lưỡi Liềm ở quần đảo Hoàng Sa cũng như các cơ sở tương tự ở Trường Sa.
Năm 1949, Việt Nam là một thành viên của Liên hiệp Pháp. Một năm sau, Pháp chính thức bàn giao quyền quản lý Hoàng Sa cho Nhà nước Việt Nam. Cũng trong năm 1950, tại Hội nghị Hòa bình San Francisco, người đứng đầu phái đoàn Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: "Quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vốn luôn thuộc về Việt Nam". Không có phản đối nào được ghi nhận.
Trung Quốc liên tục xâm lấn
Từ năm 1946 đến 1954, lực lượng cách mạng Việt Nam đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống Pháp, giành độc lập. Một thỏa thuận ngừng bắn và hòa giải chính trị đã đạt được tại Hội nghị Genève năm 1954. Việt Nam được tạm chia thành 2 khu vực dọc theo vĩ tuyến 17. Miền Bắc chính thức mang tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Miền Nam nằm dưới sự kiểm soát hành chính của Quốc gia Việt Nam, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 10-1955, Quốc gia Việt Nam chính thức đổi tên thành Việt Nam Cộng hòa.
Năm 1956, Việt Nam Cộng hòa thay thế các lực lượng Pháp trên các đảo nhỏ trong nhóm Lưỡi Liềm và duy trì sự hiện diện liên tục trong 18 năm. Cũng trong năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối việc chiếm đóng của Trung Quốc đối với nhóm đảo An Vĩnh. Vào cuối những năm 1950 và 1960, ngư dân Trung Quốc bắt đầu tiến đến vùng biển của Việt Nam Cộng hòa và lên những hòn đảo nhỏ ở Hoàng Sa. Điều này đã dẫn đến một số cuộc đối đầu.
Những năm sau đó, sự hiện diện của lực lượng Việt Nam Cộng hòa trên đảo Hoàng Sa (Pattle) giảm xuống chỉ còn một đơn vị đồn trú và một trạm thời tiết. Sau khi ký kết Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh Việt Nam vào tháng 1-1973, lực lượng Việt Nam Cộng hòa đã giảm sự hiện diện ở Hoàng Sa xuống còn một trung đội.
Vào tháng 1-1974, Trung Quốc lợi dụng việc rút quân của Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam và sự hiện diện quân sự ít hơn của lực lượng Việt Nam Cộng hòa ở Hoàng Sa, đã tiến hành tấn công lực lượng và tàu chiến của Việt Nam Cộng hòa. Trung Quốc đã chiếm giữ các đảo Duy Mộng (Drumond), Quang Hòa (Duncan) và Hữu Nhật (Robert) trong nhóm Lưỡi Liềm. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (cũng như Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đã lên án mạnh mẽ hành động xâm lược này.
Năm 1976, sau khi Việt Nam thu về một mối với tên gọi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa.
(*) Giáo sư danh dự Đại học New South Wales tại Học viện Quốc phòng Úc, Canberra.
Vi phạm luật pháp quốc tế
Việc Trung Quốc sử dụng các lực lượng vũ trang để cưỡng chiếm các cấu trúc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hành động xâm lược, vi phạm luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền đối với các vùng đất giành được qua xâm lược.
Theo luật pháp quốc tế, Chính phủ Việt Nam tuyên bố chủ quyền đúng đắn với các cấu trúc đất đai và quyền tài phán với các tài nguyên thiên nhiên ở vùng tiếp giáp lãnh hải và đáy biển của các thực thể đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Bình luận (0)